HÔM NAY nhờ vào thời đại Internet qua Google Map tôi ngắm lại hình ảnh cái lô cốt xưa chợt trong lòng dâng lên hình ảnh cũ ngày RA ĐƠN VỊ vào cuối năm 1973.
Ngày đầu nghiệp lính người viết vừa tròn HAI MƯƠI tuổi đời. Giã từ Quân Trường Đống Đế Nha Trang và đã chọn quê hương Quảng Trị để VỀ. Chữ VỀ ở đây là về với quê hương Quảng Trị một vùng đất "Nuôi Tròn Tuổi Lớn" khi người học trò cùng bao người QT phải ra đi một cách "bất đắc chí" từ ngày Hè Đỏ Lửa 1972. Ngày ra đi, người viết tròn 19 tuổi và phải gác đi bao dự tính tương lai của lứa tuổi học trò.
Về lại quê hương, khi đại gia đình đã lưu lạc vào nam. Nhớ làm sao những ngày mưa lạnh bên cầu Ba Bến. Nhớ những khi ngồi bó gối trong cái hầm đơn sơ giữ Cống Tham Triều. Tác giả còn nhớ con đường tỉnh lộ nhìn trên bản đồ Bộ TTM là Tỉnh Lộ 555.
Có những khi tản bộ từ Cầu Tham Triều về thăm Đại Đội 2 hay Tiểu Đoàn 105, Tác giả có đi qua cái lô cốt trên. Lô Cốt là từ tiếng Pháp, người QT hay gọi. Ngày xưa còn bé người Viết cũng từng nghe. Hôm nay nhờ vào Wikipedia ...
Lô cốt (phiên âm từ tiếng Pháp: blockhaus, gốc là một từ tiếng Đức) là công trình quân sự chủ yếu để phòng ngự. Lô cốt được xây dựng kiên cố bằng gạch, đá, bê tông... và có lỗ châu mai để bắn ra nhiều phía, có nắp và có nơi nghỉ ngơi cho quân sĩ.
Lô cốt có thể được xây dựng nổi, nửa nổi nửa chìm hoặc lợi dụng sườn núi làm chìm hẳn...(TRÍCH)
BẢN ĐỒ BỘ TỔNG THAM MƯU VNCH
Rõ ràng hình ảnh của nó, tôi không thể lầm vào đâu được. Lô Cốt thì QT ngày đó nhiều lắm nó tồn tại lâu năm và phá bỏ cũng khó nhưng sau này không ai dùng.
Tưởng cũng nhắc lại một chuyện nhỏ; Cầu Thâm Triều chúng tôi lúc đó còn gọi là Cống Tham Triều do cầu chỉ bắc qua cái mương nước từ Thâm Triều chảy ra. Chiếc cầu nhỏ chỉ là một hai vài nhôm tiền chế của Công Binh bắc qua mà thôi. Không có không được, do xe theo Tỉnh Lộ 555 về Ngô Xá, Phương Lang rồi về biển phải theo con đường đó. Còn một chuyện nữa; trong bản đồ chúng tôi chỉ đọc Thôn Tham Triều và người quê mình vẫn gọi là Thôn Thâm Triều nói vậy mới đúng. Bạn đọc thấy trong bản đồ trên có in Làng Đại Hào thực ra người Triệu Phong nói có làng Đại Hòa ( quê ngoại vợ người viết) chứ đâu có Đại Hào? Cả miền nam rộng lớn, bản đồ của Bộ TTM ghi sai một làng mình cũng "du di thông cảm" mà thôi...
Tác giả chưa quên, có thể hay đi bộ theo con lộ 555 đó, trên đồng ruộng Tham Triều ngày đó còn có xác một chiếc trực thăng Cobra của Mỹ bị rơi. Chiếc máy bay còn khá nguyên vẹn; nhưng sau này dĩ nhiên nó đã biến mất, thiết nghĩ nó có thể bị cưa đi nấu đúc phế liệu?
Làng Tham Triều gần Làng Nại Cửu quê ngoại người viết; nhưng ngày đó còn thuộc phía bên kia nên tác giả chỉ ngó qua làng ngoại ẩn mình sau rặng tre xanh thôi. Con sông Vĩnh Định uốn mình theo làng An Tiêm và Nại Cửu, nghe bên kia thỉnh thoảng có tiếng kẻng vọng qua, có thể là tiếng kẻng gọi dân đi họp hay đi làm ruộng...
Sông Vĩnh Định còn có một nhánh (hình dưới) nhánh này có cầu Ba Bến. Nhánh sông này cũng êm đềm chảy men theo một thôn có tên Tả Hữu, một tên làng người viết cảm thấy rất lạ và nhờ đó nên nhớ mãi cho đến hôm nay.
Ngã ba sông Vĩnh Định từ cầu Ba Bến ngó xuống
Từ cuối 1973 cho đến ít tháng đầu năm 1974, cả tiểu đoàn 105 chúng tôi còn đóng tại cầu Ba Bến và những thôn phụ cận. Dân đang về hồi cư. Thôn Tả Hữu nhỏ lắm chỉ vài chục nóc gia bên cạnh con sông Vĩnh Định vắng vẻ đìu hiu. Giữ Cầu Tham Triều, người viết là kẻ giữ cầu chỉ lo tròn phận sự do đó ít tự tiện đi vu vơ vào làng. Có thể do vậy nên ít người biết người kể chuyện hôm nay. Khác với tác giả, bạn đồng cấp như Lê văn Linh, hắn nhờ ở cạnh với đại đội trưởng Lê Kim Chung nên rảnh rang hơn. Linh tuy là người Huế nhưng hắn hay đi vào làng Tả Hữu. Linh nói huyên thiên, tính ồn ào hơn người viết. Qua Mỹ tác giả may mắn còn gặp lại Linh, trong những kỳ họp mặt bạn tù cải tạo.
đồng ruộng xã Triệu Tài (năm 1974 tác giả có đóng quân tại Tham Triều -đi ngang đây còn xác chiếc trực thăng cobra của Mỹ rơi trên cánh đồng này, sau này chắc xác nó đã bị cưa bán nhôm nhựa)
Mùa hè 1974 toàn đơn vị đổi về trấn vùng biển. Từ Ba Lăng cho đến Vĩnh Hòa (trong bản đồ có khi lại ghi là Vĩnh Huề Phường) do cả tiểu đoàn 105 trấn giữ. Đại đội 2 đóng ở thôn Thanh Hội. Tuyến ngưng bắn đang duy trì ổn định hơn các nơi khác. Hè năm đó Người viết giữ thôn Vĩnh Hòa sát mép biển. Cả vùng cát và đồng cỏ hoang vu do dân xã Triệu Vân chưa ai về đến đây. Chỉ là hàng kẽm gai ranh giới HAI PHE chẳng khác chi là "vùng Giới Tuyến" thì ai hồi cư ra tận đây làm gì?
Có một điều về đây, tha hồ đi lưới cá nước lợ. Không có người ở nên cá nước lợ sinh sôi nẩy nở quá nhiều ăn không hết...
Có con cua nước lợ cả ký lô. Chỉ vơ cành dương khô đốt lên, lính chỉ cần chừng ấy nướng con cua lên bên trong cả bụng trứng vàng khè béo ngậy. Rồi những lần đi trong khuya vét cá mấy bàu nước lợ, sát biển cá vơ được cả thùng phuy. Ăn cá quá nhiều nổi phong ghẻ ngứa ngáy liên tục, gãi "phù cả người"...
Đứng ở ngoài này, sát biển từ mấy đụn cát trắng ngó vô tận Long Quang. Cả vùng cát và cồn cỏ hoang chẳng có gì che tầm mắt. Nhưng trong đó không còn tiểu đoàn chúng tôi trấn giữ. Lính thủy trong đó (có thể Lữ Đoàn 258) có ngày "oánh lộn" với phe bên kia, bắn qua lại ì xèo nhưng may không có 'nổ lớn' rồi cũng yên thôi.
Đời lính đâu dễ gì "hưởng nhàn" một nơi mãi. Hết hè 1974 phải đổi lên núi. Động Ông Đô và vùng lân cận. Tác giả từng có ý đính chính về ba chữ "Động Ông Đô" tại sao lính gọi thế. Phải nói như ri mới là tiếng Quảng Trị gọi từ trước
Động Ông Đô = Độn Ôn Nho
Trong các bài trước, người viết từng thưa trước với bạn đọc không phải do tác giả tự ý mà chính là nhờ nhớ lại những gì người trước từng gọi.
Chữ Động tiếng QT gọi là Độn (không có g đàng sau, ý nói đỉnh núi cao nào đó)
Chữ NHO tiếng QT hay nói chớt giọng "NH" thành "D" như "NHÀ" thành "DÀ" nên NHO thành "DO". Ngày xưa lúc còn tiểu học người viết cũng "trầy vi tróc vảy" khổ sở luyện giọng từ cái âm "NH..." đó do cứ đọc thành "D..." hoài?! (đi xa dớ dà" đó mà!!!
và từ NHO thành DO và từ DO thành "Đô" cho những ai đọc theo Anh ngữ.
Lên Động Ông Đô cầm bản đồ còn thấy Động Tiên nữa. Còn nhiều Động (hay Độn) lắm.
Chỉ có cái đáng nói lên rừng thì lắm củi nhưng chẳng có cá như ở vùng biển. Thật vậy, khe suối và núi rừng làm gì có cá. Chuyện đóng quân chứ đâu đi thám hiểm gì đó mà có thể đi lại lung tung được? Ngồi trên chốt cao, mà nhớ biển, nhớ vùng đồng bằng của xã Triệu Tài nhớ làng Anh Tuấn, nhớ thôn Thâm Triều, nhớ làng Tả Hữu nhớ con sông nhỏ Vĩnh Định ngày ngày vắng ngắt không bóng dáng con đò trong mấy tháng đóng quân cuối và đầu năm 73, 74 chi lạ. Cũng may, người viết tính tình "nhát gái" nên chưa có mảnh tình nào làm "hành trang mang vai" ?!
Những tháng đóng quân miệt núi. Bó gối trên chốt, có người lính bếp đi phép khoảng tuần nhưng quên mang luôn cái hộp quẹt đi theo? thế là cả chốt không có hộp quẹt? May thay, nhờ "lửa rừng"! Bạn đọc thắc mắc làm chi cái hộp quẹt mà quan trọng vậy? xin thưa mười mấy người trên chốt lúc đó không ai còn giữ hộp quẹt nào. Về chốt đại đội phải lội rừng khá xa có khi nguy hiểm? Nhờ vào một chuyện mà tác giả không quên được - đó là nhờ vào một cây rừng khô cổ thụ đang cháy ngầm âm ỉ bên trong ở dưới chân chốt. Hàng ngày, người lính nấu ăn trung đội âm thầm mò xuống chân núi lấy than lên chốt châm bếp nấu cơm... Một tuần sau người lính bếp trở lên lại chốt, nói chuyện quên cái hộp quẹt, anh chàng chỉ biết "cười trừ"?! Đúng thế, chỉ cười trừ thôi. Đi phép từng trung đội có người luân phiên, mò theo sơn đạo về tới Chóp Động Ông Do, theo xe tiếp tế tiểu đoàn đó là phương tiện duy nhất. Rủi may tùy theo số mạng; con đường sơn đạo quanh co về đến Diên Sanh tức là Tiểu Khu QT. Hết phép một tuần lo lên lại cho anh em khác đi. Người Trung đội Trưởng thì đi phép thường niên. Số người viết chỉ đi phép thường niên một lần duy nhất trong đời tức 15 ngày cuối năm 1974 nhờ sốt quá về nằm bệnh xá tiểu khu tại Diên Sanh và sau đó lấy phép 15 ngày lần đầu và cùng là lần duy nhất trong đời làm lính...
Cá khô kiếm được từ lúc đóng quân mạn biển đem được lên núi ăn dần cũng hết. Ở núi đến bữa người lính Địa Phương Quân chỉ có nửa hộp thịt nấu loãng hòa thêm ít ruốc bỏ thêm bột ngọt có rau má rừng càng tốt...chỉ thế thôi. Đời lính VNCH chỉ thế, giản dị qua ngày không ai đòi hỏi cao lương mỹ vị..."lâu dần đời mình cũng qua..." nói như trong bài hát Không tên Số Năm của Vũ thành An...
Lâu rồi đời mình cũng qua đó là chuyện tình của người nhạc sĩ nhưng đối với đời lính chiến, khổ thiếu lâu rồi đời lính chúng tôi cũng qua chẳng ai "khóc than tủi hờn hay oán trách" ai cả? Cả một miền nam triền miên trong lửa đạn. Bao lứa trai ra đi theo tiếng gọi lên đường. Rồi các thế hệ đàn em cũng vậy, "xếp bút nghiên" là phận sự làm trai. Buồn làm chi khi bà con mình tất cả đều khổ sở trần ai. Ngẫm sự đời , biết bao nhiêu mỹ từ cao đẹp từng làm 'cái áo khoác' cho tham vọng vĩ nhân trên bao tiếng khóc đau thương của lương dân vô tội.
Qua hơn năm mươi năm mươi, ngồi nghĩ thân phận nước mình, người lính già có khi lại buông tiếng thở dài./.
ĐHL 19/7/2025 San Jose USA
No comments:
Post a Comment