Tuesday, July 8, 2025

ĐHL - BUỒN GA NHỎ

 

 Kỷ niệm đã qua đi như dòng đời..

Còn đâu bước chân đi trên một lối cũ...
Khi bánh xe đã lăn rồi, tiếng còi tàu xé tim tôi...
Bóng ai dần phai cuối trời...

(Buồn Ga Nhỏ / Minh Kỳ Nguyễn Hiền)


    Có một nhà ga bé nhỏ những ngày xưa bé bỏng thế mà tôi chẳng hề quên đó là Ga Mỹ Chánh. Người ta có thể hoài nghi làm gì một vùng vắng vẻ như Mỹ Chánh ngày xưa làm gì có con tàu nào dừng lại nhưng thật sự nó có.

    Người viết đoan chắc do ngày xưa còn bé từng đứng đợi con tàu chợ chạy ra để tàu đưa hai cha con ra lại thành phố thân yêu Quảng trị. Vài triền đồi đất sỏi ba dan bạc màu, chỉ thích hợp vài mảnh vườn chè hay đồi tràm cùng cây chổi rành đó là nơi có một sân ga đìu hiu vắng vẻ từng đợi bóng chiếc tàu chợ từ Huế xa xa chạy ra.



    Tôi nắm tay cha, mắt hướng vào hướng Huế. Tiếng còi hú lên từng hồi đầu nghe thoang thoảng nhưng càng lúc càng rõ dần. Không ai cấm đứa bé như tôi đặt tai vào con đường sắt để nghe chấn động lan truyền tới tai một đứa bé. Người kể lại không nhớ ai đã dạy cho mình thế kia? Ba tôi vẫn vững lòng do con tàu còn quá xa nên không ngăn cấm gì. 




    Khách chờ ít lắm nên chẳng hề có cảnh nhộn nhịp rộn ràng như thời nay. Cảnh vật hoang sơ một triền đất đồi ít dân nơi vùng thôn dã. Dưới kia xa xa thấp thoáng bóng nước con sông Ô Lâu và chiếc cầu Mỹ Chánh màu đen và đường tàu cùng xe hơi là một. Từ chiếc cầu màu đen đổ về là Chợ Mỹ Chánh. Có nhà chị tôi Đinh thị Biên lớn lên bên dòng Ô Lâu dòng nước hiền hòa trong vắt êm ả về xuôi. Người chị lớn lên bên dòng nước thân thương êm ả, cái tên Ô Lâu cùng dáng người con gái năm xưa như đi vào huyền sử khi người chị lại giã từ trần thế một ngày vừa đến tuổi hai mươi.

 

    Người em trai bé nhỏ  vẫn nhớ những khóm chè xanh, cố mọc lên trên nền đất sỏi Mỹ Chánh. Tuy vậy chè tươi Mỹ Chánh khá ngon có thể ngon hơn chè Gio Linh nhưng số lượng rất ít khi so sánh với chè Gio Linh Nam Đông thuộc vùng Gio Linh Cam lộ...Nhưng trong trí nhớ lờ mờ của ngày còn bé, tôi vẫn còn nhớ những bó chè trong chợ Mỹ Chánh, bó dèm dẹp, ấm nước sôi và miếng gừng đập bỏ vào ấm. Ba tôi ghiền chè tươi, cùng hút thuốc Lào Bát Tiên một thời.


    Ga nhỏ và vắng làm sao? Một đoạn đường ngắn cách xa thành phố Quảng Trị thế mà một thời người mình còn đi cả xe hàng và xe lửa. Đó là khoảng thời gian ta chưa hề nghe tiếng "bom gầm đạn réo" tơi bời như sau này. Chuyện chiến tranh nghe rất ít do hiệp định Geneve mới ký chưa ráo mực và con sông Bến Hải vừa chia đôi đất nước làn sơn hai màu xanh đỏ chưa khô cũng như người viết vừa mới ra đời. 



    Mấy tuổi đời, lại hay lẽo đẽo theo cha đi gần hết các quận của tỉnh Quảng trị nên trong tâm khảm tuy trẻ thơ thế mà có nhiều ấn tượng về quê hương đất nước. Bao hình ảnh ngày xưa vẫn hằn sâu vào trí óc một đứa bé trai lại thường hay bám vào tay theo thân phụ mình.


    Trước nhà ga, lòng người bồi hồi xúc động khi cột khói đen phía xe càng lúc càng rõ và tiếng còi tàu càng lúc càng to hơn. Tiếng rầm rập lớn dần, con tàu chợ sắp đến. Cái đầu tàu tròn màu đen càng lúc càng gần. Ai từng đợi tàu về mới có thứ cảm giác nôn nao sung sướng của một ngày xưa khi đời sống con người quá giản đơn và bình dị, những cảm xúc chân chất chẳng hề bao giờ cầu kỳ phức tạp.

    Người Quảng Trị có thể đi xe. Dân mình đi xe như thế thì năng gọi là "đi xe hàng" đó là những chuyến xe chở khách từ QT vào Huế hay ngược lại. Xe Lửa còn gọi là tàu lửa thật ra người QT hồi đó còn gọi là "Tàu Hỏa" đó là tiếng tôi không thể nào quên. Chọn đi tàu hỏa có thể cho con người thanh thản với thời gian ngoạn cảnh hai bên con đường sắt. Đường sắt thì chạy theo phía gần núi không qua đồng bằng như đường xe hơi chạy theo QL I. Có thể nhờ đó người đi tàu có dịp ngắm cảnh những đồi càn hoang sơ, những xóm làng thưa dân heo hút. Có vài con cò con diệc nhịp cánh nhịp nhàng bay theo hướng con tàu chạy. Có những đầm nước loang loáng chạy tít tận những bờ tre mờ nhạt. Đôi chú cò nghểnh cổ đứng nhìn...rồi những vùng đất hoang nhiều cồn mối, triền sim cùng bao nhiêu hoa rừng hoang dại...

    Khó mà kể hết cho lý do khách chọn đi tàu hỏa vào thời đó. 

    Rồi chiến tranh càng lúc càng lan tràn khắp quê hương đất nước. Đường tàu hỏa từ nam ra đến Đông Hà bị gián đoạn nhiều nơi cho đến lúc không còn nữa. Có thể giai đoạn sau này cũng còn vài đoạn còn tàu nhưng khó lòng xuyên suốt. Những nhà ga bỏ không trống hốc. Những đoạn đường rầy bị phá hủy trơ vơ cùng nạn lụt lội tàn phá hàng năm. Người dân quê tôi quên dần chuyện đi xe lửa, hình ảnh đoàn tàu chợ chỉ nằm trong ký ức một thời./.


ĐHL  9/7/2025


No comments:

Post a Comment

ĐHL - BUỒN GA NHỎ

    Kỷ niệm đã qua đi như dòng đời.. Còn đâu bước chân đi trên một lối cũ... Khi bánh xe đã lăn rồi, tiếng còi tàu xé tim tôi... Bóng ai dần...