Monday, June 2, 2025

KHI CHỦ NỢ USD BẮT ĐẦU LO SỢ

 

 

Vua Ibn Sa’ud của Arab Saudi và cố TT Franklin Roosevelt trên tàu USS Quincy tại Hồng Hải năm 1945

PHẦN I 

 LỊCH SỬ THỐNG TRỊ TÀI CHÍNH CỦA USD 



chào bạn đọc


     Kịch bản dầu mỏ mới dự đoán gì về đồng USD

Vào giữa tháng 3 năm 2022, tờ Wall Street Journal đưa tin Arab Saudi  nước xuất cảng dầu thô lớn nhất thế giới từng  đàm phán với Bắc Kinh, khách hàng nhập cảng dầu thô lớn nhất thế giới, để định giá một số dầu xuất khẩu của nước này bằng đồng yuan của Trung Hoa. Tờ Wall Street đã đăng tin báo động rằng: "theo tin từ một số nhân vật tin cậy một hành động như vậy sẽ làm GIẢM SỰ THỐNG TRỊ  của đồng đô la (hay petrodollar)  trên thị trường dầu mỏ toàn cầu


Bất kỳ hành động  nào làm giảm sự thống trị của đồng đô la cũng sẽ tác động đến nền kinh tế toàn thế giới. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu nỗ lực của Arab Saudi trong việc xích lại gần Trung Hoa có ý nghĩa vì sao và như thế nào.


Nhưng trước khi muốn bàn về vấn dề đó, chúng ta cần lật lại một ít lịch sử.


NHÌN LẠI QUÁ KHỨ và SỰ HÌNH THÀNH PETRODOLLAR do sao?


Vào ngày 14 tháng 2 năm 1945, Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Franklin D. Roosevelt đã tiếp một vị khách trên tàu USS Quincy, một con tàu hải quân của Hoa Kỳ đang thả neo ở Hồng Hải. Vị khách mời là Vua Ibn Sa’ud của Arab Saudi, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ được phát hiện lớn nhất thế giới


   Thật ra vào thời đó, Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất trên toàn cầu, nhưng viễn kiến của chính phủ Mỹ về mức cung dầu cho xe hơi của Hoa Kỳ sẽ khiến dự trữ dầu nội địa của nước này sụt giảm nhanh chóng. Hoa Kỳ do vậy cần đảm bảo một nguồn cung cấp dầu khác đảm bảo. Để đổi lấy việc tiếp cận các nguồn dự trữ dầu của Arab Saudi,  Quốc vương Ibn Sa’ud được Hoa Kỳ hứa hỗ trợ đầy đủ về quân sự cho vương tộc Al Saud. Điều quan trọng cần hiểu ở đây là sự đảm bảo an ninh của Mỹ không chủ đích  mở rộng cho lợi ích của toàn dân  Arab Saudi kể cả chính phủ  Ả Rập mà là "o bế" cho triều đại Al Sa'ud mà thôi.


4

hình - vị trí quân sự Mỹ tại Trung Đông các vua dầu 

Arab Saudi quyết định định giá xuất cảng dầu bằng đồng đô la. Nguyên nhân chính là do Hoa Kỳ đã nổi lên như là một nền kinh tế mạnh nhất thế giới sau Thế chiến thứ hai, và đồng USD là trung tâm của hệ thống tài chính mới vào thời điểm  lịch sử đó.


Từ ngày 1 đến ngày 22 tháng 7 năm 1944, một nhóm các chủ nhà băng, chính trị gia và nhà kinh tế tập trung tại khách sạn Mount Washington ở Bretton Woods, New Hampshire, Hoa Kỳ. Mỹ đã sẵn sàng đổi đô la thành vàng ở mức 35 đô la cho một ounce ( hay 31,1 gram). Điều này làm cho đồng đô la trở thành đơn vị tiền tệ quốc tế hàng đầu được lựa chọn, vì nó là loại tiền tệ duy nhất có thể chuyển đổi thành vàng. Điều này đã mang lại cho đồng đô la một đặc quyền thống trị. Các quốc gia khác đã phải kiếm được số đô la này để trả cho các mặt hàng như dầu mỏ.  Do vậy Hoa Kỳ có cơ hội được yêu cầu in tất cả số đô la mà họ cần.


Đặc quyền thống trị  này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay mặc dù đồng đô la nay không còn có thể chuyển đổi thành vàng. (từ thời TT Richard Nixon)  Hệ thống tài chính quốc tế xuất hiện sau Thế chiến II vẫn là lý do chính. Cùng với vấn đề đó,  tập đoàn dầu mỏ do Saudi Arab dẫn đầu, Tổ chức Các nước Xuất Cảng Dầu mỏ (OPEC), tiếp tục định giá dầu bằng đô la. Do hầu hết các quốc gia nhập dầu, họ cần đô la Mỹ để thanh toán. Để kiếm được số đô la này, họ cần định giá hàng hóa xuất cảng của mình bằng đô la. Việc này về căn bản đảm bảo sự tiếp tục của hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên USD.



SỰ THỐNG TRỊ CỦA HẢI QUÂN HOA KỲ BẢO VỆ CÁC NƯỚC DẦU MỎ TRUNG ĐÔNG NHỜ VÀO ĐỒNG USD LÀ CỦA CẢI CHO CÁC VUA DẦU



December 16, 2024 12:36 PM - Updated: January 1, 2025 6:51 PM

cập nhật vị trí các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ vào ngày 16/12/ 2024 



NHƯNG NAY TÌNH THẾ ĐANG XOAY CHIỀU


CÁC VUA DẦU ĐANG ĐẾN GIAI ĐOẠN KHÔNG CẦN CÁC HẠM ĐỘI HOA KỲ DO CỤC DIỆN CHIẾN TRANH THẾ GIỚI ĐÃ THAY ĐỔI SÂU SẮC 

CÁC HẠM ĐỘI KHỔNG LỒ TỪ TỪ LỖI THỜI QUA HÌNH THÁI CHIẾN TRANH HIỆN ĐẠI 

CÁC HÌNH THÁI CHIẾN TRANH BẰNG HỎA TIỄN,  DRONES, TRANH ĐIỆN TOÁN ĐIỆN TỬ, NGOẠI TẦNG KHÔNG GIAN CÙNG SỰ VƯƠN LÊN CÔNG NGHỆ QUÂN SỰ CAO CỦA CÁC KHỐI CHỐNG USD ĐANG THU HÚT CÁC VUA DẦU TRUNG ĐÔNG


SỰ CHI TIÊU VÔ GIỚI HẠN, NỢ QUỐC GIA CỦA HOA KỲ TIẾP ĐÀ LÀM TRỊ GIÁ USD CÀNG GIẢM KÉO THEO KHO CỦA USD CỦA NHÀ GIÀU THẾ GIỚI NHẤT LÀ VUA DẦU TRUNG ĐÔNG BỊ GIÁN TIẾP HAO HỤT


U.S. National Debt Breaks Records, Tops $35 Trillion


Công tâm mà nói, chính chủ đích và thâm ý của đồng USD hay hệ thống tài chính Mỹ khi Hoa Kỳ từ đó tha hồ mượn nợ và tiêu xài trong khi hậu quả lạm phát USD thì các ông nhà giàu thế giới đều ĐỒNG CHỊU ĐỰNG?

Khó bỏ qua chuyện hơn 4000 tỷ USD Mỹ phát cho dân Mỹ xài trong đại dịch Covid-19 đã góp phần tăng nợ và tăng lạm phát Hoa Kỳ.  
Nhưng hậu quả chung đâu phải số nợ quốc gia Mỹ mà túi tiền nhà giàu thế giới bị GIẢM GIÁ TRỊ DẦN?



SỰ THỐNG TRỊ CỦA ĐỒNG USD ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CỦA USD ĐANG ĐI ĐẾN TỨC NƯỚC VỠ BỜ NHẤT LÀ QUYỀN LỰC TRỪNG PHẠT CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI VỚI NHỮNG CHỦ NHÂN USD TRONG ĐÓ CÓ CÁC NƯỚC THÙ ĐỊCH NHƯ NGA, IRAN, BẮC HÀN...

 

tỷ trọng màu xanh chỉ NHÀ GIÀU THẾ GIỚI GIỮ USD NHIỀU NHẤT 6461 TỶ USD THỨ 2 LÀ ĐỒNG EURO 2118 TỶ 



SỰ thật nào cũng là sự thật, dù chúng ta không muốn nói ra khi trong tay đang giữ đồng USD.
 

Thưa bạn đọc

Từ Petrodollar, nên bao lâu nay, Đồng đô la Mỹ là đồng tiền chiếm tỷ lệ cao nhất của thế giới, rõ ràng là túi của của các ông nhà giàu thế giới (xem hình trên). Do đó là vị thế thống trị của đồng đô la mang lại cho Hoa Kỳ sức mạnh cưỡng chế  mà nước Mỹ từng sử dụng dưới hình thức ĐÓNG BĂNG hay THU GIỮ USD để trừng phạt các đối thủ. Trong hai thập niên qua Hoa Kỳ đã dựa vào các lệnh trừng phạt tài chính ngày càng thường xuyên hơn. Điều này càng làm cho các ông nhà giàu đang giữ USD cảm thấy bất an dù họ vẫn là đồng minh của Mỹ.


    Người ta lập luận Mỹ càng lúc càng dùng đồng đô la như một vũ khí cho chính sách ngoại giao đó là nguyên cớ cho các nước dù đang buôn bán hợp tác với Mỹ  càng chuyển các hoạt động kinh tế xuất cảng sang các loại tiền tệ khác để tránh mối họa trừng phạt cưỡng chế usd trong nay mai. Càng lúc càng có sự gia tăng chính sách "chống đô la", được xác lập để giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền USD. Mặc dù trước mắt chính sách chống đô la chưa đạt được mục tiêu  nhưng các phân tích hiện chỉ ra trong nhiều trường hợp đã thành công. Các mô hình "phi đô la hóa" sau các lệnh trừng phạt; điển hình Nga và Arab Saudi đã bán dầu cho Trung Cộng và lấy đồng yuan. 


Mặc dù chưa ai kết luận các lệnh trừng phạt đe dọa vị thế của đồng đô la là đồng tiền chủ chốt của thế giới, do người ta lo sợ hậu quả tương lai như Nga và một số đối thủ khác của Mỹ nhưng hậu quả tiềm tàng của việc lạm dụng các lệnh trừng phạt vẫn rất đáng lo cho họ. 

Đáng chú ý nhất là khi Mỹ đã lạm dụng các lệnh trừng phạt để làm vũ khí ngoại giao rõ ràng nó đang làm suy yếu hiệu quả của trừng phạt theo thời gian khi các đối thủ của Hoa Kỳ phát triển các hệ thống và phương pháp hợp tác riêng biệt tách rời USD mà chúng ta có thể theo dõi phần tiếp theo...



PHẦN 2

 KHỐI BRICS- MỤC ĐÍCH VÀ TOAN TÍNH 


KHỐI BRICS GỒM BRAZIL, RUSSIA, INDIA, CHINA VÀ SOUTH AFRICA 

hiện đang có thêm hàng chục thành viên mới tổng cộng dân số bằng nửa thế giới


hình -BRICS  (đỏ và màu vàng) SO VỚI G7 HIỆN TẠI




Nhóm BRICS viết tắt từ Brazil, Russia, India, China, South Africa là 5 nước tiên phong cho khởi đầu một liên minh kinh tế đối trọng với khối kinh tế Tây phương do Hoa Kỳ cầm đầu nay đã trở thành một thế lực chính trị lớn trong hai thập kỷ qua tức là sau năm 2000. Ý chính là họ dựa trên mong muốn tạo ra một đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây trong các thể chế chính trị kinh tế toàn cầu.

Putin hiện có thể tăng cường sự tập trung chống phương Tây, bao gồm cả các nỗ lực nhằm loại bỏ đồng đô la Mỹ trong đó có sự tiếp tay của Trung Cộng một cường quốc kinh tế đang đứng trước cuộc chiến thương mại với Hoa kỳ nhất là sau khi Donald Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2025.

Tưởng cũng cần nhắc lại, các nước tạo nên BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi,  thành lập vào năm 2009, BRICS là hậu quả do họ đã và đang bị các cường quốc phương Tây thống trị quá mức và họ nhận thấy kinh tế Tây phương cuối cùng lại chẳng làm lợi gì cho họ là các nước đang phát triển ngoài bị USD khống chế và ràng buộc. Khối này đã qua hai thập niên tìm cách phối hợp các chính sách kinh tế và ngoại giao của các thành viên, thành lập các thể chế tài chính mới và giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Nga và Trung Cộng là hai lực tác động chủ chốt trong khối BRICS.

Tuy nhiên dù muốn hay không,  BRICS đã phải vật lộn với những ý kiến chưa thống nhất nội bộ về nhiều vấn đề trong đó có quan hệ với Mỹ nhất là gần 3 năm Nga xâm lăng Ukraine. Nhưng điều báo động cho khối kinh tế USD là số lượng thành viên ngày càng tăng của khối này vừa mở rộng ảnh hưởng vừa tạo ra những căng thẳng mới. Trong đại hội lần thứ 15 của BRICS năm 2023 BRICS loan báo sẽ có 5 thành viên mới được vào BRICS chính thức từ tháng Giêng 2024 là Argentina, Egypt, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và the United Arab Emirates. Trong 5 nước này đáng chú ý là Saudi Arabia là vua dầu thế giới. 


TẠI SAO BRICS ĐANG TRỞ THÀNH MỐI LO CHO KHỐI USD?


Tuy BRICS đang là một khối kinh tế ban đầu còn lỏng lẻo do họ là một khối kinh tế đang cố gắng PHI TÂY PHƯƠNG HÓA nhưng hiện tình nay đang báo hiệu họ đang phối hợp nỗ lực kinh tế và ngoại giao xung quanh một MỤC ĐÍCH  CHUNG.  Mục đích chung đó là gì? Họ rõ ràng đang tìm cách xây dựng một biện pháp chính trị kinh tế rất chiến lược chống đối lại những gì họ coi là sự thống trị của quan điểm phương Tây ví dụ chẳ Ngân hàng Thế giới (World Bank), Nhóm G7 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Dĩ nhiên việc mở rộng BRICS trong năm 2024 đi theo nhiều tác động địa chính trị nếu chúng ta để ý tới DÂN SỐ hiện tại của BRICS là bao nhiêu? Mười nước BRICS hiện chiếm hơn một phần tư trữ lượng kinh tế thế giới và chiếm tới 1/2 dân số toàn cầu. Đây là điều đáng báo động cho khối USD. BRICS với sự tiếp tay của Trung Cộng và Nga. Phải nhắc lại số lượng thành viên ngày càng tăng cũng mang đến những thách thức mới cho khối USD đó là chưa kể sự phản kháng ngày càng tăng từ các quốc gia phương Tây và sự chia rẽ trong khối USD nhất là sau khi Donald Trump nhậm chức. Vừa qua, một số nhà chính sách châu Âu đã cảnh báo tâm lý chống phương Tây đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn. BRICS là kết quả của phản ứng yếu kém của phương Tây đối với nhu cầu của các nước thu nhập thấp hay nghèo. Họ nói rằng các nước phương Tây hay khối USD cần bắt đầu cải cách các tổ chức tài chính to lớn hơn. Có nhà phân tích cho rằng phương Tây bao lâu nay kiêu ngạo hay coi thường sự phát triển hay nhu cầu phát triển của Nam Bán Cầu là điều không quá đáng. Có một số phân tích gia cho rằng cố gắng phi đô la hóa của BRICS dù sao chăng nữa sẽ làm suy yếu của đồng USD và do sức khỏe kinh tế của Hoa Kỳ đang có vấn đề nhất là con số nợ quốc gia của Mỹ đang chạm ngưỡng 35 trillions USD?


GIÁ TRỊ ĐỒNG TIỀN ẢO BITCOIN CÀNG LÚC CÀNG TĂNG 

Chính Elon Musk vừa qua đã cảnh báo cú "bankruptcy" của Mỹ không là viễn tưởng và nay hành động hay xu hướng rất đáng nghi của Elon Musk về "vỗ béo con heo" kho tàng Bitcoins (tiền ảo) để giữ của cho chính Elon Musk với sự tán đồng của Trump là điều đáng nghi ngại trước? Chúng ta nên quan tâm tại sao vàng càng lúc càng tăng giá trị do nhu cầu giữ của trên thế giới càng lúc càng nhiều? Tổng hợp lại nó báo hiệu cho tâm lý bất an về USD đó thôi.


Cuộc thi tài chạy đua giữa thỏ (USD) và Rùa (BRICS) trong truyện ngụ ngôn xưa cho chúng ta thấy bác rùa tuy chậm nhưng kiên trì nhưng cuối cùng đã thắng chú thỏ (USD) ngông nghênh tự kiêu và ngạo mạn. Nhất là chúng ta chớ quên có vua dầu Arab Saudi đang là thành viên trong khối BRICS, Ấn Độ và Trung Cộng hiện nay là hai khối kinh tế to lớn của thế giới. Điều đáng chú ý và ắt hẳn bạn đọc không quên Nga tuy có nền kinh tế không lớn hơn Trung Cộng và Ấn độ nhưng là nước có kho vũ khí hạt nhân đứng đầu thế giới. Tại sao chúng ta không nghĩ rằng BRICS đang dựa vào sức mạnh HẠT NHÂN của Nga. Nói về kinh tế dĩ nhiên là sức tiêu thụ, sự tiêu thụ của khối BRICS chiếm nửa dân số thế giới là vấn đề khó thể bỏ qua.

SỰ THẬT TRONG BỀ SÂU

NHÀ GIÀU THẾ GIỚI AI ĐANG GIỮ USD LÀM CỦA ĐANG ĐỨNG NGỒI CHẲNG AN TRÊN NÚI CỦA DO HỌ VỪA LO NGẠI VỪA BẤT MÃN VỀ USD


ĐỒNG TIỀN LIỀN KHÚC RUỘT VẤN ĐỀ SÂU XA NHẤT LÀ LÚC CÁC ÔNG NHÀ GIÀU THẾ GIỚI TỪNG ĐAU LÒNG KHI CỦA CẢI CỦA HỌ BẰNG USD ĐANG BỊ GIẢM GIÁ TRỊ DẦN ĐI QUA SỰ TIÊU PHA QUÁ TRỚN CỦA HOA KỲ KHIẾN HỌ BẮT BUỘC PHẢI TÌM PHƯƠNG KẾ MỚI?

HÀNH ĐỘNG TIẾP THEO CỦA NHÀ GIÀU THẾ GIỚI LÀ GÌ? CÒN NHIỀU GAY CẤN NHƯNG ĐIỀU ĐÓ CHẮC CHẮN SẼ XẢY RA .


Phần III

 KHI CÁC ÔNG NHÀ GIÀU THẾ GIỚI ĐẦU TIÊN LÀ Á CHÂU BẮT ĐẦU RÚT VỐN RA KHỎI MỸ 



Từ lúc Trung Cộng bắt đầu được Mỹ cho gia nhập Thị Trường Thế Giới Tự Do WTO năm 2004, chính là bước mở đầu cho định hình hoàn chỉnh của toàn cầu hóa kinh tế thế giới lúc Bắc Kinh chấp nhận làm một Đại Công Xưởng Chế Xuất cho hàng tiêu dùng và sau này vươn lên làm đầu tàu chính cho chuỗi cung ứng thế giới. Thị trường tiêu thụ khổng lồ Mỹ là nước hưởng lợi từ giá tiêu dùng rẻ và bao nhiêu thặng dư mậu dịch buôn bán với nội địa Mỹ đa phần đầu tư vào Mỹ. Các cường quốc xuất cảng Châu Á đi theo công thức vậy: Bán hàng cho Mỹ xài rồi đầu tư số tiền kiếm được vào cho Mỹ vay nợ.

Ngọn gió xoay chiều, khi số nợ Mỹ lớn lên với con số ngợp mặt thì TT Trump trong nhiệm kỳ 2 này quyết tâm tái định hình thương mại toàn cầu qua chính sách thuế quan hay là "bảo hộ mậu dịch". 

Riêng Châu Á đã có 7.5 ngàn tỷ USD đầu tư vào Mỹ qua dạng trái phiếu. Lớn nhất là Nhật, thứ hai là Trung Cộng có khối lượng đầu tư qua trái phiếu bonds đối với Hoa Kỳ.

Nổ lực tái định hình chính sách kinh tế vừa qua với danh từ "To Lớn và Đẹp Nhất" của TT Trump ước tính gia tăng thêm nợ hơn 3000 tỷ USD. Elon Musk phải tháo chạy do không thể giữ lời hứa cắt giảm chi tiêu 2 ngàn tỷ USD cho nợ công Mỹ thực sự như "gáo nước chữa nhà cháy" qua Dự Luật vừa qua của Trump. Đồng USD từng mất niềm tin và làm cho nhà giàu thế giới lo sợ khi Bạch Ốc từng làm USD làm vũ khí trừng phạt mà Nga là điển hình.

Nga từng bị tổ chức Ngân Hàng Swift thế giới loại ra khỏi vòng chơi USD, thì Bắc Kinh có thể nghĩ rằng nay mai cũng đến phiên họ?

Đài Loan và Nam Hàn hiện đang bị Trump ép tăng giá đồng bạc của họ với nhiều lý do nhất là dựa vào "ô dù quân sự" của Mỹ điều này họ bị thiệt hại do đồng nợ của họ đối với Mỹ bị giảm rõ rệt. 

Từ lúc TT Trump nắm quyền cho đến nay là lúc toàn bộ thế giới đều chao đảo do chính sách thuế quan táo bạo và chưa hề có do ông Trump đề ra. Đồng USD như đã nói trên đang giảm dần giá trị so với của cải đầu tư của các ông nhà giàu Châu Á. Chính đây là lúc dòng vốn USD từ trái phiếu tại nội địa Mỹ sẽ bị BẮc kinh và Tokyo lần lượt rút đi ra khỏi Mỹ. 

Chính sách bất ổn và không chắc chắn của TT Trump dù cho hiện nay ông đang tạm gác hay giảm thuế quan tạm thời cũng làm cho thế giới khó lòng tin tưởng. "Gậy Ông đập Lưng Ông" chính sự 'khó đoán' của một đối thủ chính trị cho thế giới từ chiến thuật "đàm đánh , đánh đàm" của Donald Trump đang gây hại cho Hoa Kỳ.


President Trump presented Musk with a golden key
ELON MUSK RỜI BẠCH ỐC VÀO THỨ SÁU 30/5/2025 ĐƯỢC TT TRUMP TẶNG cho CHÌA KHÓA VÀNG

Hơn ai hết sau khi Elon Musk rút lui ra khỏi vai trò lãnh đạo của cơ quan Hiệu Quả Chính Phủ (DOGE), Musk cay đắng thốt lên 

-TỪ NAY TÔI KHÔNG MUỐN CHỊU TRÁCH NHIỆM GÌ ĐỐI VỚI TT DONALD TRUMP NỮA...

và sau đó ông Musk lại viết trên mạng X rằng...

"Tôi xin lỗi, nhưng tôi không còn chịu đựng được nữa. Dự luật chi tiêu khổng lồ và vô lý cùng đầy dẫy sự ngu ngốc cục bộ (pork filled) của Quốc Hội, quả là một sự gớm ghê đầy kinh tởm..."

Cuối hết tác giả bài này xin mượn 2 câu nói của Elon Musk trên, tạm thay làm Kết Luận cùng chấm dứt bài viết ./.


ĐHL edition 

3/6/2025




TIẾC NUỐI LĂNG CÔ

  LĂNG CÔ và Hoài Niệm




      Xóm Lăng Cô ngày xưa có một kỷ niệm về một cuộc tình sắt son của ba mẹ tôi hơn nửa thế kỷ trước. 

Ngày xưa đó đôi tình nhân yêu nhau tha thiết, thắm thiết hẹn hò; vẫn viền cát muôn đời hình bán nguyệt, vẫn những liếp phi lao xanh vi vút gió và những túp lều tranh ẩn hiện. Trong tiếng sóng biển rì rào, bên chân đèo Hải vân cao vòi vọi, xóm vắng Lăng cô này nơi chứng kiến cuộc tình ba mẹ tôi "thề non hẹn biển".


Ngày xưa có lần ba tôi kể lại với tôi, mẹ tôi có mang tôi trong thời gian đó. Ba mẹ tôi quen nhau ngoài Quảng Trị, khoảng đầu thập niên 1950 rồi hai người lại dắt nhau vào tận xóm này. Chẳng lạ chi, do ba tôi có người thân quen ở xóm đó. Quê nội tôi là Truồi. Truồi vào Lăng Cô thì chẳng bao xa.



xóm năm xưa, Lăng Cô, có một gia đình tên là "Bác Hai" một  mái tranh ẩn hiện trong những liếp phi lao vi vu gió thổi. Giờ đây không biết  bác trôi dạt phương nào ?

*

 Tiếp đến những năm sau, đôi tình nhân "ra rít " đó về lại thăm chốn xưa, cuộc tình kỷ niệm. Hình ảnh tôi chính là một đứa bé "lon ton" chạy  theo ba mẹ.

 Tôi không quên những buổi  "chơi cát" với con nít trong xóm, bên doi cát "nghìn năm " (như hình trên). Đến khi về quê ngoại Quảng Trị tôi mịt mù xa Lăng Cô từ dạo đó.

                                        Sò huyết Lăng cô"độc nhất vô nhị " !


 Tôi nhớ mãi những dĩa sò huyết ngon tuyệt. Tôi cho rằng không nơi nào có được thứ sò huyết ở đây. Lờ mờ trong dĩ vãng, khi tôi lên năm sáu tuổi, ba mạ tôi có lần dắt tôi về thăm lại xóm cũ Lăng Cô. Thế là tôi được về thăm lại nhà Bác Hai, một mái nhà từng che chở cho đôi tình nhân như tôi kể đó. Tôi có dịp thăm vùng biển, sò huyết tập trung sinh sôi nảy nở nhiều vô kể. Vừa được chơi  đùa sát mép biển vừa luộc sò ăn thỏa thích. Cách ăn sò cũng không cầu kỳ, kiểu cách như sau này, chỉ cần một ít muối tiêu và chanh đem ra bãi biển là đủ. Chất ngon vị ngọt từ trong con sò huyết cho ra chẳng nhờ vào những thứ khác làm mất đi tính "tuyệt phẩm" của  Sò Huyết Lăng Cô làm cho tôi thòm thèm mãi. Sau này dù vào nam, có dịp thuởng thức con sò lông Phan Thiết nhưng thú thật, sò Phan Thiết không thể sánh bì với sò Lăng Cô được. Mỗi lần nhắc đến sò huyết tôi mãi cứ khen:

 Sò huyết Lăng Cô- "độc nhất vô nhị"

Sau này Lăng cô còn có làm thêm món mắm sò huyết đóng chai. Thứ mắm chua từ con sò huyết này nếu bạn là người Huế thì ăn kẹp với thịt heo ba chỉ cùng vả, khế chua, rau thơm chuối chát...ôi chao nó ngon biết chừng nào! 

 
 

Khi tôi lớn lên, mỗi lần có dịp xe chạy ngang Lăng Cô, tôi hay nhìn chằm chặp về xóm cũ. Bao quanh xóm đó vẫn bãi cát hình bán nguyệt- kỷ niệm của ba mẹ tôi ngày xưa- xóm vẫn hướng ra trùng dương xa tít.

 Lim dim mắt, khi chiếc xe hàng ì ạch bò lên đèo Hải Vân cao chớm chở, tôi cố hình dung hình ảnh ngày xưa... Một doi cát bên sóng biển Lăng cô rì rào vỗ bờ, một đôi tình nhân yêu nhau tha thiết, tay đang dắt theo đứa con trai bé nhỏ...

SANG THẾ KỶ 21, CON GÁI TÔI  VÀ CON RỂ KHI DU LỊCH VN CÓ TẤM HÌNH CHỤP CẢNH ĐẸP LĂNG CÔ... SAU LƯNG KHI ĐI DU LỊCH VN CÓ NGỜ ĐÂU SAU LƯNG LÀ VÙNG TRỜI KỶ NIỆM CỦA BA NÓ

 thế hệ con cháu đi sau có ngờ rằng sau lưng chúng là nơi hẹn hò năm xưa của ông bà?
Hình vợ chồng con gái Người Viết  trong ngày về thăm VN , mùa giáng sinh 2012 và tết tây 2013

=====================  

LĂNG CÔ NGÀY NAY CHẲNG CÒN GÌ NGOÀI SỰ ĐÀO BỚI CÙNG Ô NHIỄM TAN HOANG

THIÊN ĐƯỜNG HÔM QUA VÀ BÃI RÁC HÔM NAY 




Đầm Lăng Cô bị ô nhiễm nặng (trích báo)

(12G).- Đầm Lăng Cô thuộc xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, có diện tích 1.600ha mặt nước có hàng trăm hộ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, nhưng trong nhiều năm qua nguồn nước trong đầm bị ô nhiễm nặng, tôm cá chết, ngư dân mất mùa. Nguyên nhân trên là do toàn bộ chất thải, rác của thị trấn Lăng Cô không có đơn vị thu gom, nên tất cả đều đổ xuống đầm, môi trường ô nhiễm nặng. Không những thế còn làm mất mỹ quan của đầm đẹp nhất miền Trung dưới chân đèo Hải Vân.

Vũ Công Điền 






               CHỈ VÌ TIỀN GIỜ ĐÂY LĂNG CÔ CHỈ CÒN LÀ MỘT BÃI RÁC PHỨC TẠP VÀ Ô NHIỄM


Hơn bảy mươi năm sau hình ảnh kỷ niệm Lăng CÔ đối với mắt tôi không còn nữa?  Khách sạn, lâu đài, nhà nghỉ, hồ bơi...mãnh lực đồng tiền đã xóa đi hình ảnh xóm xưa chẳng còn một dấu vết nào. Không riêng gì Lăng Cô của "lòng tôi cùng kỷ niệm"  tất cả các nơi khác của đất nước hiện tại đều bị bóc trần và tận dụng. Tất cả đều phục vụ cho hàng triệu triệu bàn chân dẫm nát không thương tiếc do họ có tiền và lớp trọc phú thì cần tiền. Có thể có người cho đây là quan niệm hẹp hòi ích kỷ khó tính hay là 'kẻ cả' nhưng sự thật chua cay của ngành du lịch nước ta là vậy. Cuối cùng chẳng còn gì, những thắng cảnh sẽ dần hồi nát tan, thế giới tự nhiên bị lũng đoạn, ô nhiễm trầm trọng. Hậu quả từ kế hoạch 'bốc lột' tài nguyên cho những nguồn lợi chụp giựt trong hiện tại còn tương lai ra sao chẳng ai cần biết...Chuyện này tôi xin tạm gác do dông dài và khô khan hay chính trị quá.

***

Có khi tôi mơ có dịp về thăm lại vùng kỷ niệm Lăng Cô. Hoàn cảnh hiện tại tôi có thể thực hiện chuyến "hành hương" về vùng kỷ niệm. Ý muốn kia nhiều lần tự tôi lại hủy bỏ do tôi biết dù có về thì một "Lăng Cô mới" không còn ý nghĩa hay cảm xúc nào nữa. Thực thế, về làm gì nơi đó khi chẳng còn gì ý nghĩa đối với tôi cả? Quê hương còn rất nhiều sự mất mát và tan nát như Lăng Cô và có rất nhiều người chỉ sống trong hoài niệm ngày xưa mà thôi. Xã hội bây giờ, khi có mớ tiền trong tay, người ta bày ra nhiều thứ ăn chơi hợm hĩnh, thói hưởng thụ phù du đã lấn chiếm và phá đi mọi dấu vết kỷ niệm năm nào trong lòng nhiều người và kể cả tôi. 
Những lớp người tha hương, chuyện thương nhớ quê hương, nói cho hết ý đó là tổng hợp của thứ "não trạng" luyến lưu nhung nhớ một "quê hương của ngày xưa" còn bây giờ dù một Lăng Cô hay vô vàn địa danh khác nơi quê nhà đối với lớp người ra đi ắt hẳn đã trở thành lạ lẫm và xa lạ. Quê hương 'trong thời đại mới' hình như đã không còn thuộc về hay dính líu gì họ nữa ?

Người viết cố đưa trí tưởng tượng về MỘT LĂNG CÔ NGÀY THÁNG CŨ...sóng biển rì rào trong một phong cảnh tĩnh mịch làm thanh tịnh hồn người. Một xóm xưa có những ngư dân và người xưa chất phát, một xóm biển hiền hòa, từng ân cần đón tiếp một đôi tình nhân tới đó để rồi có "TÔI" hiện hữu với đời. Đối với riêng tôi, xóm Lăng Cô nơi đó là dấu ấn đầu tiên của một kiếp người bắt đầu xuất hiện BÊN TIẾNG SÓNG VỖ NGÀN NĂM bất diệt.



Chấm dứt bài viết, tác giả xin để phút giây mặc niệm nhằm thương về hình ảnh một Lăng Cô của ngày xưa trong đó có hình ảnh ba mẹ tôi, nay đã nắm tay nhau đi xa về vùng trời miên viễn./.


ĐHL edition

2/6/2025

Saturday, May 31, 2025

ĐÒ CHIỀU

 

Một ngày nào trên bến cô liêu
Xóm bên sông tiêu điều
Buồn hắt hiu mây chiều
Đò của người thôn nữ
Chờ đưa người viễn xứ ...
 ( Đò Chiều/ Lam Phương)

     

Có một dòng sông ngày xưa từng qua bến Chợ. Người đi nhớ sao da diết một thời  đông vui bên sông nước thân thương. Rồi cuộc chiến điêu tàn cùng cuộc đời dâu bể ập qua. Bến xưa cô đơn bên bờ hiu quạnh cùng gió hú đêm trường.

Bến Hộ (S Thạch Hãn)

 Dòng sông mãi trôi qua bến cũ, một ngày xưa chỉ còn lau lách đìu hiu và gạch đá vô tình. Có nhịp cầu gãy nhịp bắc nam; Sông chứng kiến từng ngày- quê hương biên thêm dòng lệ sử. 

    

Sông nhớ bến xưa cùng con đò ngang năm cũ. Có những ngày từng toán lính cộng hòa qua sông. Người lính chiến bồn chồn mong qua sông mau để kịp về đơn vị. Người con gái chống con sào rời bến. Tiếng chèo nhịp nhàng khua nước giúp toán lính sang sông. Khách đi rồi, người thôn nữ còn ngó theo cho đến khi toán lính khuất hẳn bên rặng tre làng xa xa.  Cô gái chèo đò nhớ lính và người lính cộng hòa nhớ cô. Chốt núi phương xa, hay đồn canh biên giới, có người lính trẻ cầm súng canh thù, vẫn có lúc nhớ về hình ảnh một bến sông cùng người thôn nữ chèo đò.



Con đò xưa từng đưa mạ mỗi sáng sang sông, giúp qua kịp chợ. Trẻ thơ doi dỏi trông dáng mạ về. Mạ tất tả xuống đò, kịp chuyến. Đò sang sông mang cả niềm vui trong gói quà mạ mua về cho con dại. Mấy đồng bạc chắt chiu, mạ tháng ngày tần tảo. 


             bên bờ Hiếu Giang (Cam Lộ)

     Những đứa con của mạ năm nào có về lại bến xưa, dáng mạ thân yêu giờ là hư ảo...xa xa gió cuốn mây trôi, hình bóng mạ đã là một trời miên viễn.


 cuộc đời sông nước trước 1968 (sông Hiếu)

    Cuộc đời âm thầm trên sông nước bao năm. Cô gái đưa đò, chờ khách sang sông. Sóng sánh dòng nước sông xưa, nước êm ả về xuôi, người khách lạ trộm nhìn cô gái đưa đò. Lòng muốn nói, nhưng đò đã cập bến tê, khách xuống đò cho rau qua kịp chợ. 

    Có ông lão trải đời qua tháng ngày bập bềnh sông nước. Gió thu hiu hắt, sóng gợn lăn tăn. Con chim bìm bịp kêu chiều như tiếng buồn đời lão. Sông lạnh chiều đông, lão ngồi thầm đếm tuổi đời trên sông nước quạnh hiu trong nghèo khó cơ hàn. Gió đông về, thổi hồn cô quạnh, lão cúi đầu thầm nguyện những ước ao. Bụng đói ăn, thân người thiếu vải; đời lão chai lì trong nỗi truân chuyên. 

vạn nghèo bên sông Vĩnh Định An Tiêm (chụp từ cầu Sải) sau năm 2000

    Năm mươi năm qua hay nửa đời người quá khứ trôi qua. Dòng thời gian cùng sóng nước sông xưa vẫn trôi cùng năm tháng. Năm mươi năm, còn đâu cố nhân trở lại bến xưa ngày cũ. Bóng Đò Chiều trong dĩ vãng chỉ còn là ước mơ trong lời ca tiếng nhạc. Người lính cũ sang sông, ra đi chẳng hề trở lại.  Dòng đời trôi chảy, chẳng mấy ai còn nhớ bóng đò xưa.  

    Nhớ quá khứ, người đi thương sao hình ảnh một dòng sông. Trên sóng nước lao xao có bóng con đò cùng những người năm cũ. Tất cả nay đã theo nhau lẩn khuất trong mịt mù sương khói và thời gian bất tận ./.

edition by Đinh hoa Lư 
31/5/2025

Friday, May 30, 2025

TUYỂN TẬP AUDIO HỒI KÝ MIỀN NAM -tác giả Đinh hoa Lư, giọng đọc NGUYỄN TÀI Section # 3

HẠ THÁI - GẶP LẠI BẠN XƯA

 


GẶP LẠI BẠN XƯA


Năm tháng trôi qua người một ngã
có bao giờ dám nghĩ sẽ gặp nhau
ngọn gió nào chiều nay cũng lạ
thổi về đây một buổi quây quần


Chuyện học hành, quân trường chiến tuyến
nhớ nhau từ quen biết tuổi tóc xanh
soi lên kiếng nay đứa nào cũng bạc tóc
mắt đeo tròng hàm đã thiếu răng

Mừng quý lắm với nụ cười méo mó
hỏi bạn xưa đứa mất đứa còn
qua cuộc trần vô vàn thảm khốc
đổi thay thời lắm nỗi gian truân

Nay tất cả đồng hành lên tám bó *
cuộc nhân sinh nhận đủ th sang hèn
gặp lại đây quây quần ta đánh chén
biết đâu còn tái ngộ được lần thêm.


Hạ Thái


11/2019




 



CÙNG QUÝ BÔ LÃO
 
Các Cụ ạ, cuộc trần này cõi tạm
nhằm nhò chi lắm chuyện vướng mắc đời
cứ xem như toàn gió thoảng mây trôi
thì đi ở không còn gì khúc mắc.
 
Lầm lũi qua từng đoạn đời nguy ngặt
còn ngờ đâu giây phút để hợp quần
ngọn gió chiều dồn đẩy đám phù vân
đếm năm tháng qua từng mùa mưa nắng.
 
Đồng đã cạn rừng bây giờ im ắng
lấy ai cùng than thở chuyện bể dâu
chừ ngồi lại đây ngẫm lại buổi cùng nhau
chuyện ở đi không cần nhắc đến nữa.
 
Điểm mặt thử tuổi già còn mấy đứa
này ai ơi xin giữ chút lưu tình
trải đủ rồi biết bao nỗi nhục vinh
thời gian cũ nay biến thành đồ cổ.
 
Trừng mắt rướm đón chờ khắp ngạch ngõ...
dẫm đồi cao trũng thấp dưới gót chân
cuộc viễn du nhẹ gió lướt cỏ bồng
đi hay ở bây giờ không còn bận
 
Cuộc lưu vong đau một đời ôm hận 
nỗi buồn thiu,  hiu hắt ngọn gió chiều !!!./-
 
Hạ Thái
Mar/13/2020



Wednesday, May 28, 2025

LÍNH TIỀN ĐỒN NHỚ NƠI PHỐ THỊ


  Ngày đó tôi còn đời lính độc thân, chưa có được diễm phúc quen được người con gái Nha Trang, miền Thùy Dương Cát Trắng. 




Hàng liễu rũ trong quân trường Đống Đế, một màu xanh 
thuớt tha  làm sao? Ôi! chẳng khác chi làn tóc mây mỹ nữ. Mình cứ tưởng tượng một vóc dáng ẻo lả, rồi hình dung đó sẽ theo mình vào "" sau một ngày la -lết tập luyện, mệt nhoài.





 Đời lính bộ binh nào dám mơ cao,  đâu dám ngang hàng bao chàng trai hào hùng biển cả hay không quân "lướt gió tung mây" cao vút mấy tầng? Từ quân trường Đống Đế những ngày phép ngập ngừng chẳng dám về Nha Trang, một phố thị của miền Thùy Dương chỉ lang thang quanh Cầu Xóm Bóng.


MIỀN TRUNG HỎA TUYẾN ĐỊA ĐẦU 


  Những người lính bộ binh giã từ quân trường. 
Đời lính sẽ làm quen với bùn lầy nước đọng, những sườn núi gập ghềnh hay thác réo, vượn hú chim kêu...

Chuyện bình thuờng của lính bộ binh là thế. Súng cầm canh, người lính chiến thu mình đứng trong những chiều mưa biên giới hay bóng tối của rừng khuya. Quê mẹ dưới kia, xa xa nay mờ nhạt mây sa. Đời lính nay làm bạn với hoa rừng, bao cánh chim trời bay mãi phương nao?

BUỒN...

Có những mảnh giấy vô tình mãi trắng, biết viết gì đây? chẳng có lời nào. Những lúc này nguòi lính chợt buồn khi chưa một "mảnh tình vắt vai " cho bớt đơn côi mỗi khi chiều rừng tắt nắng.






LẶNG NGẮM  QUÊ  HƯƠNG 

Có một con sông nhỏ, một khám phá lý thú cho riêng tôi khi dò trong bản đồ vùng tôi đóng quân. Nó mang tên là "SÔNG NHÙNG'. Ngày xưa tôi quen gọi là "Nhồng'. Cầu Nhồng là cái tên tôi không bao giờ quên. Ngày tôi còn nhỏ những năm lớp nhì- lớp nhất tôi hay vào Diên Sanh. Lúc này xe hàng từ Quảng Trị vô phải qua Cầu Nhồng. Con đường Quốc Lộ 1 vào Diên Sanh phải qua Hải Thượng tức là con đường cũ. Xe qua Cầu Nhồng rồi mới đến Cồn Dê trước khi đến Diên Sanh tức là Xã Hải Thọ.

Huyển thoại về Cầu Nhồng, thời nhỏ tôi chưa quên. Người ta kể rằng: thời Pháp qua Cầu Nhồng hay có ma. Có khi ma nó xui cho tài xế thấy cả "hai cầu Nhồng" trước mắt và lái tòm xuống sông? Đó là chuyện thời xưa khi còn Pháp, tôi chưa ra đời. Rồi thập niên 1964-65 khi ba tôi làm tại Chi CA Hải Lăng người hay lái xe vào Cầu Nhồng, đi bộ lên một đoạn ném lựu đạn bắt cá. Có hôm bắt được con cá tràu khoanh lại to gần bằng cái bánh xe hơi?

Hôm nay Cầu Nhồng chắc đã vào quên lãng khi Quốc Lộ 1 đổi hướng từ Ngã Ba Long Hưng qua Cầu Dài vào tuốt Mỹ Chánh. Khi viết những dòng này, tôi không biết chiếc cầu đó còn không? Có điều tôi chắc chắn Diên Sanh trở thành "Thị Trấn Đìu Hìu". do Quốc Lộ không còn đi qua nó nữa.

Tôi thú vị với hai chữ Sông Nhùng để ngày ngày ngắm nó uốn éo lượn lờ dưới chân núi. Tiếng là sông nhưng chỉ là con suối dài, nước chảy còn mạnh qua nhiều nơi tung nước trắng xoá. Sông và thảm rừng dưới xa là cả một bức tranh thuỷ mạc.

Đời lính và quê hương đôi lúc tình cảm phát sinh là những lúc lặng ngắm non sông như thế. Trước khi đổi quân lên núi, tôi từng đóng quân mạn biển. Khi tai nghe sóng trùng dương và mắt ngắm biển trời bao la bát ngát, tôi mợt chợt nghiệm ra tình yêu nước dâng trào trong cơn gió lộng. Lên đây, vùng cao: một lần nữa khi đứng trên đỉnh cao ngắm xuống một con sông đang lượn lờ uốn khúc, tôi mới nhận ra quê hương sao đẹp quá! HỒN THIÊNG SÔNG NÚI ngàn đời mãi xanh.



..So với tuyến Barbara vùng núi Mỹ Chánh và Phong Điền ngó lên tuyến Động Ông Đô là tuyến núi ngoài cùng. Chốt trung đội 2 của tôi lại là ngoài cùng của tiểu đoàn 105 do đó xem như tôi là 'đứa ngoài cùng biên giới'? Cái mõm chốt của chúng tôi ngó lên Động Tiên cao chớm chở. Động Tiên thuộc về "bên kia" nên rậm rạp hoàn toàn. Họ không bao giờ biết "đóng chốt" là gì ngoài cái việc ẩn nấp và bụi rậm làm nhà hay khe suối, vực sâu làm đường di chuyển...


Từ chốt này tôi lại nhìn về được hướng Trấm có khúc sông hình chữ U của dòng Thạch Hãn. Con sông uốn mình ở đây và đi tiếp về Cầu Ga. Từ độ cao này nếu cố gắng, tôi còn nhìn thấy hình dáng cái cầu Ga đen sì gãy đổ xuống sông từ năm 1972.

Ở vị trí mới này tôi chẳng còn nhìn về được hướng Hải Lăng nữa. Tôi chẳng còn nhìn xuống được khởi đầu của Sông Nhùng đang uốn lượn dưới kia.

Nơi chốt mới đối đầu với Động Tiên tôi chỉ thấy được mạn An Đôn Tích Tường và cái cầu đen sì gãy đổ xuống dòng sông. Con sông mang tên Thạch Hãn sẽ âm thầm chảy qua chiếc cầu gục ngã đó, rồi men theo những đống gạch vụn cùng lau lách đìu hiu. Một thành phố mà hơn ba năm trước còn lao xao tiếng guốc tới trường. Những toán học trò còn vô tư cắp vở đi học, trong đầu chỉ là những hoài bão ước mơ ngây thơ trong trắng...

Còn lắm điều tưởng nhớ về đống tro tàn của một thành phố thân yêu mà ba năm trước nó còn nguyên vẹn. Rồi tất cả đều phải lìa xa? Còn lại gì? họa chăng là tiếng gió hú đêm trường như thanh âm của những oan hồn kêu khóc.  Rồi từ một đỉnh cao quê hương ngày tôi trở lại, hướng về đống gạch đá đổ nát đó, người lính càng nghĩ, càng ngắm, rồi trầm ngâm ngổn ngang bao cảm xúc trong đầu? Tất cả chỉ là vị đắng, đến bởi bao nỗi tiếc nuối, oán hận khôn nguôi và cũng là lạnh giá như nòng súng bên người. Lính lại tưởng tượng có phép mầu hồi sinh nào đó, giá như không có một mùa hè oan nghiệt 1972 thì thành phố thân yêu dưới kia vẫn còn và  người lính trẻ sẽ được về thăm trong vài giờ phép đơn vị. Tiếng giày botte de saut sẽ nện đều trên vài con phố thân yêu. Sẽ cùng người em trong mộng bên ly cà phê nhỏ giọt dưới hàng hiên của quán cà phê quen thuộc một đời học sinh...Nhưng ước muốn lạ lùng trên chỉ là ảo vọng hảo huyền.
                                                 
Có thể lớp con cháu sau này sẽ bồi hồi khi người kể chuyện nhắc lại chuyện chiếc cầu đã gãy cùng một thành phố xa xưa từng là một đống hoang tàn từ độ 1972. Một ngày hè, có những người dân khốn khổ phải lìa xa quê hương bản quán trong nước mắt bi thương, khổ hận khi phải trải qua một chặng đường tràn đầy máu lệ. Nếu mai kia có ai thương về Quảng Trị, xin hãy cùng thắp lên một nén hương lòng.

 Quảng Trị ơi ! tiền đồn ơi !  ngày đó xa rồi ./.

ĐHL edition 
29/5/2025

HỐ ĐEN CÓ THẬT CHĂNG? HỐ ĐEN LÀ GÌ?

 HỐ ĐEN LÀ GÌ? HỐ ĐEN HAY LỖ ĐEN theo định nghĩa của THIÊN VĂN HỌC là một vùng không gian có lực hấp dẫn quá lớn không có thứ vật chất nào h...