Thursday, November 24, 2022

GS Nguyễn Châu -Nhân Ngày “Thanksgiving” - Lễ Tạ Ơn




TÌM HIỂU CAC THỨ ƠN NGHĨA TRONG ĐỜI 

 Hằng năm, người Hoa Kỳ có một lễ lớn vào ngày thứ Năm của tuần lễ cuối tháng 11. Ðó là ngày Thanksgiving, tạm dịch là Lễ Tạ Ơn. Lễ Tạ Ơn năm nay nhằm vào ngày Thứ Năm 24-11-2022.

 Lễ Tạ Ơn của Mỹ bắt đầu từ năm 1621 do những người Anh di cư đến Tân Thế Giới vào những năm đầu của thế kỷ thứ 17.

Những người Pilgrims* đã bỏ xứ Anh quốc ra đi để được tự do tin theo đạo của mình lựa chọn. Ðoàn người quyết định di cư sang Mỹ đã phải trải qua bao nhiêu nguy hiểm trên đường vượt biển, khi đến Mỹ lại gặp phải một mùa đông vô cùng khắc nghiệt, lương thực khô cạn... đói, lạnh và bệnh đã làm chết một nửa số người tại Plymouth. Trong cơn nguy khốn, họ lại thấy dân da đỏ bản xứ kéo đến, lảng vảng bên ngoài chỗ tạm trú của họ... Di dân vừa bàn đến việc phòng thủ, tự vệ... thì bỗng có tiếng một người da đỏ vừa đi vào vừa nói:”Welcome, Englishmen.”

 Người đi vào đó tên là Samoset, tù trường của bộ lạc Pemaquid, đã học tiếng Anh với các ngư dân Anh ở bò biển. Sau đó Samoset trở lại với một ngưòi bạn tên là Squanto. Squanto là ngưòi sống sót của bộ lạc Patuxet, chủ nhân của vùng đất Plymouth, sau một bệnh dịch. Squanto mừng rỡ và muốn được cùng ở với mọi người. Squanto đã giới thiệu để di dân gặp Massasoit, một tù trưởng thế lực nhất trong vùng. Nếu không có Squanto chắc các di dân sẽ chết hết vì đói, lạnh... Dân da đỏ qua Squanto đã giúp di dân qua cơn hoạn nạn. Squanto đã chỉ cách cho họ trồng trọt trên thủy thổ mới, chỉ cách săn thú và đánh cá... nhờ đó họ có đủ thực phẩm.


 Mùa thu năm 1621, di dân Anh tổ chức lễ Tạ Ơn mừng được mùa. Họ mời Squanto, nhờ Squanto mời Massasoit cùng một số ngưòi da đỏ khác tham dự. Các bà nấu ăn chỉ dự trù chừng 60 phần ăn cho khoảng 50 di dân và 10 vị khách. Người Pilgrims chưa biết tục lệ địa phương là người da đỏ khi được mời đi ăn họ thưòng rủ theo bạn bè... cho nên số khách thay vì 10 thì con số lên tới 90... Thế là thiếu thức ăn. Massasoit liền bảo mấy chiến sĩ da đỏ đi săn nai. Thịt nai đã cung cấp đủ cho mọingưòi ăn uống vui chơi, thi đua vui vẻ trong nhiều ngày. Ðây là lễ Tạ Ơn đầu tiên.

 [* Pilgrim: có nghĩa là những người đi hành hương. “The Pilgrim Fathers” dùng để chỉ những người theo đạo Tin Lành Puritan ở Anh Quốc, họ đến Mỹ từ năm 1620 và thành lập khu kiều dân đầu tiên ở Plymouth, tiểu bang Massachusets.]

ƠN LÀ GÌ ?

ƠN cũng thường gọi là ÂN (gốc Hán Việt). ƠN là những việc làm, những hành vi giúp ích, đem lại phúc lợi cho người khác (tha nhân) do lòng thương yêu, do tâm từ ái thúc đẩy, chứ không bắt nguồn từ một ý chí vụ lợi nào cả. ƠN là một biểu lộ cao quý của tình yêu, một tình cảm ban bố, cho vô điều kiện...

Chữ ÂN này Hán tự viết theo lối hội ý gồm chữ Nhân (có nghĩa là: do từ, bởi...) phía dưới là chữ Tâm   恩 (có nghĩa là trái tim, là nơi xuất phát yêu thương) như vậy ”ơn” là hành động phát xuất từ lòng[“do tâm”]. Hán tự còn một chữ ÂN có bộ Tâm nữa với ý nghĩa là sự lo lắng, là tình cảm đậm đà như trong từ ngữ ”ân cần”. Một chữ đồng âm ”ân” khác có nghĩa là thịnh vượng, đầy đủ, chẳng hạn :”ân phú” là giàu có. Chữ ”ân” này không có bộ tâm, nghĩa là không thuộc về tình cảm.

NHỮNG TIẾNG KÉP CÓ CHỮ “ÂN”

Hình như Ơn hay Ân từ ngàn xưa và khắp đông tây đều đã rất phổ biến trong mọi sinh hoạt hàng ngày của loài người. Quốc gia nào dường như cũng có tiếng "cảm ơn" và có nhiều cách để bày tỏ lòng biết ơn. Có lẽ vì thế cho nên trong ngôn ngữ Trung Hoa và Việt Nam đã có khá nhiều từ ngữ để chỉ các hình khái khác nhau của hành vi gọi là ƠN hay ÂN. 

Theo thứ tự tự mẫu xin trình bày lần lượt như sau:

1/ Ân ái: theo từ điển Thiều Chửu thì ”ân ái” là vợ chồng cùng yêu nhau và cho nhau tất cả. Có khi nói là ái ân có nghĩa là những hạnh phúc, vui sướng vợ chồng ban cho nhau. Từ điển Ðào Duy Anh ghi là ”ái tình rất thân thiết (affection mutuelle).

2/ Ân ba: nguồn ân lâu bền như sóng (bienfaits inépuisables) ÐDA/sđd.
3/ Ân cần: lo lắng chu đáo
4/ Ân điển: Sự ban thưởng của Vua nhân ngày khánh tiết (dịp vui mừng lớn)
5/ Ân đức: Lòng hay làm ơn, ban ơn
6/ Ân hận: lòng thấy hối tiếc về hành vi sai phạm của mình kèm theo ý hướng muốn đền bù.
7/ Ân huệ: Việc tốt, phúc lợi đem lại cho tha nhân vì lòng thương bao dung... Chữ ”Huệ” cũng có nghĩa là lòng thương cao quý đối với con người, ”Huệ” là cho ơn, thể hiện Ơn bằng hành vi cụ thể (faveur, favor).
8/ Ân khoa: Khoa thi đặc biệt dành cho sĩ tử thời quân chủ nhân dịp vui mừng của Quốc gia.
9/ Ân nghĩa: Mối tương quan giữa người ban ơn và người nhận ơn. (sẽ bàn thêm trong phần Ân Nghĩa)
10/ Ân nhân: người làm ơn (cũng gọi là ân gia)
11/ Ân sủng: Ơn huệ từ vua ban xuống (faveur impériale)
12 Ân tình: những cho nhận, ban phát do tình yêu (favors of love)
13/ Ân trạch: Ơn vua dành cho triều thần
14/ Ân tứ: Ơn vua
15/ Ân xá: tha thứ một cách quảng đại, vô điều kiện.

NHỮNG THỨ ƠN TRONG CUỘC ÐỜI

Ðời sống tình cảm của con người ở-đời rất phong phú và phức tạp. Sự phức tạp của tình cảm thường phát xuất từ vấn đề tình nghĩa. Tình là lòng yêu thương và nghĩa là ý thức về điều hay lẽ phải, về những cái nên làm, đáng làm. Tình là những biểu lộ của trái tim, nghĩa là những hành vi từ khối óc, trí tuệ. Con người có đủ Tâm Trí thì tình nghĩa mới điều hòa và cuộc đời mới hạnh phúc an vui.

Xưa nay, người đời sợ nhất là những kẻ vô tình và bất nghĩa, hoặc những người bội nghĩa vong ân. Vì nhân loại đã chịu biết bao nhiêu nỗi đau thương do hành vi vô ơn bạc nghĩa gây nên! Do đó vấn đề ”ƠN NGHĨA” rất cần được tìm hiểu sâu xa. Tuy xuất phát từ Tâm, nhưng mỗi hoàn cảnh biểu lộ đều có một số dị biệt, cho nên cần khảo sát xem có bao nhiêu thứ ƠN trong cuộc đời.

1.- ƠN CHA MẸ

Ca dao Việt Nam ghi nhận:

“Ơn cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trongnguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Ơn cha mẹ thường được nói đến một cách tổng quát như ”ba năm dưỡng dục, chín tháng cưu mang” hoặc ”Cha sinh mẹ dưỡng đức cù lao”...

Chúng ta có thể tạm liệt kê như sau:

– Ơn sinh sản: mẹ mang thai 9 tháng 10 ngày... chịu đủ thứ nhọc nhằn vất vả khi con nằm trong bụng. Khi con ra đời mẹ phải chịu nhiều đau đớn, khổ sở. Cha thì phải lo ngược xuôi để nuôi sống và sắm sửa vật dụng cho đứa con tương lai, lo chu toàn cấp dưỡng cho người mẹ, cầu mong cho  "mẹ tròn con vuông”.

– Ơn nuôi nấng: bú mớm, bồng ẳm, chăm sóc, nâng niu... mẹ cha phải thường trực lo lắng cho đứa bé.

– Ơn thuốc thang, canh thức, dỗ dành khi ốm đau.

– Ơn dạy bảo: từ sơ sinh đến lớn khôn cha mẹ đều luôn luôn lo uốn nắn, dạy bảo để trau dồi đức hạnh và trí tuệ để con nên người.

2.- ƠN THẦY VÀ BẠN

– Ơn Thầy: con người sinh ra nếu không được giáo dục thì đời sống sẽ rất gần với bản năng thú vật, do đó con người phải học tập, phải được giáo huấn. (Sách xưa có câu ”Dưỡng nam bất giáo như đưỡng lư, dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư: nuôi con trai mà không dạy thì như nuôi lừa, nuôi con gái mà không dạy thì như nuôi heo!”).

Trong quá trình giáo huấn để nên người, thầy là người nhiều công lao và hao tổn tâm trí nhất. Thầy khai sáng kiến văn và đạo lý.

– Ơn Bạn: trong quá trình thành nhân, bạn cũng là một thành phần rất cần thiết. Con người cần có bạn như ”chim có đàn cùng hót, tiếng hót mới hay, ngựa có bạn cùng đua, nước đua mới mạnh”.

Bạn là người đồng trang lứa, cùng thanh khí tức là cùng một ước mơ, sở thích, cùng chí hướng với mình... thường chung vui, chia buồn, khuyến khích, cổ vũ mình trong những lúc gặp trở lực, nghịch cảnh hoặc thất bại. Trong học vấn, bạn có khi giúp ta hữu hiệu hơn thầy: "Học thầy không tầy học bạn”. Tình bạn càng thắm thiết chân thành bao nhiêu thì ơn bạn càng sâu xa bấy nhiêu.

Ở đây cũng cần phân biệt rõ hai thành phần thường hay bị nhầm là một, đó là bạn và bè. Người ta thường gọi chung là bạn bè, nhưng thực sự thì BẠN và BÈ rất khác nhau.

 BÈ, nghĩa đen là nhiều khúc gỗ, nhiều cây tre, cây nứa hoặc cây chuối kết lại với nhau trong lúc khẩn cấp hoặc cần gấp để vuợt qua sông, để chạy nước lụt... Qua cơn khẩn cấp thì bè không cần thiết nữa, người ta rã bè ra, gỗ tre rời sẽ đem về làm những việc khác. Trong cuộc sống con người cũng vậy, lúc nguy nan khẩn cấp, vì vấn đề sống còn và tự vệ, nhiều người khác nhau về nhiều mặt, vẫn có thể kết bè với nhau để giải quyết hoặc đối phó với những việc xảy ra trước mắt. Chẳng hạn, mọi người trong khu vực bị nước lũ đe dọa, kêu gọi nhau ra cùng đào đất đắp bờ ngăn nước; trên đường dài nhiều ngưòi tụ với nhau thành bè nhóm để cuộc đi đỡ lẻ loi, để vui, để đối phó với những bất trắc trên hành trình... Khi thủy nạn đã qua, cuộc đi đã đến nơi, đến chốn... nhóm người đã đồng hành này sẽ tan rã, ai lo phận nấy, ai về nhà nấy, không có trách nhiệm gì với cuộc sống của nhau cả. Ðó là tính chất của ”Bè”: kết hợp với nhau vì một mục đích và tư lợi nhất thời và trước mắt.

 Trái lại, BẠN đúng nghĩa phải là những người đồng cảm, đồng tâm, cùng một chí hướng, kết hợp với nhau vì tình nghĩa, có trách nhiệm hỗ tương đối với cuộc sống của nhau, chia buồn, chung vui, vinh quang cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia... Kinh nghiệm và sách sử đã cho ta thấy rất nhiều tình bạn cao quý, keo sơn, ân nghĩa tròn đầy, thủy chung như nhất.

3.- ƠN TÌNH NHÂN.- (ƠN LÒNG)

Sau ơn sinh thành, dưỡng dục, ơn thầy, ơn bạn là ơn người tình. Ðây là một loại ân sâu nặng nhưng người đời thường ít quan tâm để nhắc nhở.

Thật vậy, bình thường, con người khi đến tuổi yêu đương ai cũng khao khát có được một TÌNH NHÂN đích thực, nghĩa là một người bạn khác phái "tâm đầu, ý hiệp” tức là có chung một tần số rung cảm của tâm hồn trước cuộc đời và vũ trụ. Một đôi tình nhân đích thực phải là hai tâm hồn hòa hợp một cách tự nhiên chứ không phải là cố gắng điều chỉnh cá tính của mình cho thích hợp với cá tính khác biệt của người kia nhằm mục đích chiếm hữu cho được những gì mình thích nơi người mà mình cho là yêu.

 (Sự điều chỉnh để cho vừa lòng đối tượng đang chinh phục, qua thời gian sẽ bị lệch lạc trầm trọng hơn, vì tính tình cố hữu chỉ có thể che dấu chứ không thể nào thay đổi được. Một nhà tâm lý học Pháp đã nhận định rằng: ”La nature chassée, revient au galop” nghĩa là “Bản tính tự nhiên bị xua đưổi nó sẽ phi nước đại trở về”. Thật vậy, tính tình con người bị ý chí khống chế vì hoàn cảnh, khi có dịp bộc lộ nó sẽ rất vũ bão -.)

Tình nhân hoặc vợ chồng là những nguồn ân ngọt ngào và tha thiết nhất trong cuộc sống của một con người bình thường. Người tình đích thực là một người biết cho và biết nhận, sẵn sàng ban ơn và chịu ơn của đối tượng. Ân tình là sự thông cảm, bao dung, tha thứ, an ủi, vỗ về... khi gặp gian nan nghịch cảnh...

 “Xin chàng chớ có giận hờn,
Ðổ mồ hôi em chặm, ngọn gió lồng em che”
Ơn lòng là ơn của sự tương tri... hiểu biết nhau một cách chân thật.
Thúc Kỳ Tâm nói với Thúy Kiều:
Sinh rằng:”Từ thuở tương tri
Tấm riêng, riêng những nặng vì nước non...”(câu 1329-1330)
Thúy Kiều nói:
Nàng rằng: “Muôn đội ơn lòng
Chỉ e bên thú, bên lòng dễ đâu?(1333-1334)

Câu chuyện "Phạm Công-Cúc Hoa” là một điển hình về ơn lòng: Phạm Công là một học trò nghèo, Cúc Hoa là con một quan Tri Phủ bề thế, cao sang. Trọng tài, mến đức và thương cảm hoàn cảnh người học trò mồ côi cha đang lo nuôi đưỡng mẹ già... Cúc Hoa đã đem lòng yêu thương tha thiết. Tình yêu mãnh liệt của Cúc Hoa đã buộc quan Tri Phủ phải gã nàng cho Phạm Công. Cúc Hoa đã giữ đúng đạo làm vợ, làm dâu... để chồng rảnh rang lo học hành.

Truyện kể rằng đến ngày lên Kinh đô ứng thí, Cúc Hoa đã dốc hết tiền của dành dụm đưa cho chồng làm lộ phí. Phạm Công đã rớm nước mắt chia đôi với vợ số tiền nhỏ ấy để cả hai cùng sống còn... Cái khăn quàng cho đỡ rét Cúc Hoa trao cho, Phạm Công cũng xin vợ được xé làm đôi mỗi người một nửa... Ôi! Ân tình này làm sao quên được! Cho nên, sau khi đỗ Trạng Nguyên, Vua ép gã công chúa hai lần, Phạm Công đều xin vua tha mạng vì đã có người vợ nghèo và hai con nhỏ ở quê nhà. Tức giận, vua đã toan dùng đến cực hình để trị tội ”khi quân” nhưng Phạm Công vẫn một mực từ chối...

Phạm Công - Cúc Hoa là truyện hư cấu để nói lên những ân tình sâu nặng của tình yêu đích thực. Chuyện thực xảy ra trong đời thực, chúng ta có bà Trần Tế Xương và nhất là bà Phan Bội Châu. Cụ Phan đã khóc và kể ơn người bạn đời một cách thảm thiết! Cụ Phan đã viết thư cho con, trước khi cụ bà mất như sau:

“ Này con! Chúng con ôi! Cha mày e chết ở rày mai, có lẽ mẹ mày không được một phen gặp nhau nữa! Nhưng nếu Trời thương ta, cho hai ta đồng chết, thì gặp nhau ở suối vàng cũng vui thú biết chừng nào!

“Nhưng đau đớn quá! Mẹ mày e chết trước ta, Ta hiện giờ nếu không chép sơ những việc đời mẹ mày cho chúng con nghe, thời chúng con rồi đây không biết rõ mẹ mày là người thế nào, có lẽ bảo mẹ ta cũng như người thường thảy cả.......

“ Bây giờ ta ư lúc sắp sửa chết, mà chưa chết, đem lịch sử mẹ mày, nói với mày:

“Mày nên biết, nếu không có mẹ mày thời chí của cha mày đã hư hỏng những bao giờ kia!...........

“ Bây giờ nhắc lại, trước khi ta xuất dương, khoảng hơn mười năm, nghèo đói mà lại bạn bè nhiều, khốn cùng mà chí vững, thiệt một phần nửa là nhờ ơn mẹ mày..."

Mối ân tình ấy làm sao cầm được giọt nước mắt biết ơn? Ôi! những người tình, người vợ, người chồng... tìm nhau, đến với nhau, chẳng phải vì tiền, vì của, hay vì những hào nhoáng bên ngoài... mà là vì những tình cảm sâu xa và cao quý, vì những rung động tâm thức chung, riêng giữa trường đời thường đẫy đầy vị kỷ, nhỏ nhen!

Ôi! những người tình, những cặp vợ chồng đã chỉ biết trải lòng ra để thương yêu và thông cảm nhau, không hề mảy may đặt vấn đề quyền lợi với nhau mà chỉ thấy có một trời thương yêu không bờ giới... Không những chỉ lo cho thân thể và linh hồn của nhau... mà còn lo lắng cho cả dòng họ của nhau... để rồi tự nguyện hy sinh hết thân tâm vì nhau... Người tình đích thực thường cảm thấy vui thú, hạnh phúc khi được hy sinh cho người mình yêu.

Xin trích vài câu khóc vợ của cụ Phan Bội Châu để tạm kết phần ”ÂN TÌNH”:

 “Tình cờ gặp khách năm châu, hơn ba mươi năm, chồng có như không, cố đứng vững mới ghê, ngậm đắng, nuốt cay tròn đạo mẹ.

“Khen khéo giữ nền tứ đức, ngoài bấy chục tuổi, sống đau hơn chết, thôi về mau cho khỏe, đền công trả nợ nặng vai con.

“Ba mươi năm cầm sắt khéo xa nhau, mưa sầu gió thảm chỉ bóng làm chồng, ngồi ngó trẻ con rơi lệ nóng.

“Dưới chín suối thân bằng như hỏi đến, lấp biển dời non, nào ai giúp bác, chỉ còn mình lão múa tay không”.

4.- ƠN TRI NGỘ

Ðây cũng là một nguồn ân đem lại nhiều hạnh phúc và lạc thú trong cuộc đời, nhất là đối với những ai từng gặp đổ vỡ vì nhầm lẫn hoặc bị nhiều ngộ nhận. Có một người bạn tâm giao là điều mà hầu hết mọi người đều ao ước.

Bạn tâm giao không phải là để nhờ vả gì nhau trong cuộc sống vật chất. Ðây là sự gặp gỡ kỳ diệu giữa phần tâm linh của hai người tuy sống riêng biệt mỗi người một phương, một cảnh... khác nhau, cách xa... nhưng cứ nghĩ đến nhau thì lại thấy vui, thấy được ấm lòng và không thấy mình cô đơn, trống vắng. Trông thấy nhau thì vui, vắng nhau thì nhớ, cùng vui, cùng buồn...

Trong các ngành nghệ thuật như cầm, kỳ, thi, họa... có một tri kỷ, một tri âm... là điều thật cần thiết và may mắn. Vì nếu không gặp được tri kỷ thì lấy ai mà "tỏ nỗi hàn ôn” (lạnh ấm), lấy ai ”gởi gắm niềm tâm sự”, tìm đâu ra người hiểu được mình qua một khúc đàn, một nước cờ, một lời thơ, một nét họa... Không có ơn tri ngộ, ta sẽ rơi vào tâm trạng cô đơn, khắc khoải của thi hào Tố Như (Nguyễn Du)

 “Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?”
(Xưa nay những nỗi buồn hận khó hỏi trời
Thời thế vần xoay ta vẫn ở trong nỗi oan này
Không biết ba trăm năm sau
Trên đời này có ai sẽ khóc Tố Như chăng?)

Gặp được một người bạn hiểu được tâm sự của mình, ai mà không cảm thấy sung sướng, thấm thía tình người và biết ơn tri ngộ?

Ơn tri ngộ sẽ làm cho cửa lòng ta mở rộng đến những tình yêu bao la và cho ta gặp được chính lòng ta... giúp ta trở thành con người đầy đủ nhân tính hơn... “Yêu em anh bỗng từ bi bất ngờ!”

Cuộc tri ngộ của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê trong văn học sử Việt Nam là một tình bạn tâm giao thắm thiết đến nỗi khi Dương Khuê tạ thế, Nguyễn Khuyến đã cảm thấy mất đi hầu hết hứng thú của cuộc đời:

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua, không phải không tiền, không mua!
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?
Giường kia treo những hững hờ
Ðàn kia có gãy, ngẩn ngơ tiếng đàn...”
(Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê)

Ơn tri ngộ cũng có tác dụng xóa hết biên thùy của giai cấp...

5.- ƠN XÃ HỘI - QUỐC GIA

Ðây là những ơn thiên về lý trí. Không ai có thể sống mà không cần đến xã hội vì sống đích thực là sống-cùng và sống-với người khác. Do đó, mọi người trong xã hội đều phải biết ơn lẫn nhau. Cơm ăn, áo mặc, nhà ở, xe cộ, thuốc thang, giải trí... vân vân đều là những công ơn trong cuộc đời. Trong cảm thức này, người đời đã luôn luôn cảm ơn nhau trong các sinh hoạt hỗ tương hàng ngày.

ƠN QUỐC GIA tức là ơn những người khai quốc và trị quốc, lo mở mang bờ cõi, giữ gìn an ninh, thăng tiến cuộc sống vì phúc lợi của muôn người. Ngày xưa trong thời quân chủ ơn này được gọi là ”ơn vua lộc nước” hoặc là ”ơn mưa móc” vì vua thường được đồng hóa với quốc gia, vua là con trời cho nên có mưa, có sương (móc)... thấm nhuần thần dân.

6.- ƠN TRỜI, ƠN THIÊN NHIÊN, SÚC VẬT

Hầu hết người Việt Nam truyền thông đều tỏ ra biết ơn tất cả những gì đem lại an sinh cho loài người.

Ca dao Việt Nam ghi nhận:
“Ơn Trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu...”
 
Và đối với Trâu, người nông dân đã xem như một thành viên trong sản xuất, một “người” bạn:
“Trâu ơi! ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cái cày với nghiệp nông gia,
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Súc là những con vật được thuần hóa và nuôi trong nhà. Súc vật hổ trợ rất đắc lực cho sự sống con người từ sức lao động đến thực phẩm, thuốc men...

Trong nhiều xã hội, nhất là xã hội Âu, Mỹ... súc vật có một vị trí khá đặc biệt trong gia đình. Chó, mèo, lợn... thường trở thành “bạn” gần gũi của con người, được nâng niu và thương quý rất mực...

Trong tinh thần biết ơn thiên nhiên vũ trụ này, người Việt xưa đã tôn thờ và tạ ơn cả Ngũ Hành. Mỗi làng theo truyền thống đều có miếu Ngũ Hành thờ năm bà: KIM, MỘC, THỦY, HỎA, THỔ... (Cây cối mùa màng tốt tươi thì tạ ơn Bà Thủy, Bà Mộc... Thợ rèn thì cúng tạ ơn Bà Hỏa, Bà Kim... còn Bà Thổ thì nhà nào cũng phải cúng vì tất cả đều nhờ ơn đất mới có chỗ nương tựa... [ Mỹ thì tỏ lòng biết ơn "Mother Nature" và không oán trách "Mother Nature" khi bị thiên tai, bão lụt...Trái lại người Việt dù rất biết ơn trời-đất nhưng khi bị thiên tai, bão lụt là oán Trời, trách Đất một cách thô bạo...]

7.- ƠN THIÊNG LIÊNG: Về mặt tôn giáo có các ân sau đây:

– Ân Tam Bảo:

Giáo lý Phật có nói đến bốn ân lớn. ” Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”. Tứ trọng ân gồm: Ơn Cha mẹ, Ơn thầy bạn, Ơn quốc gia, xã hội và ân Tam Bảo.

Ân Tam Bảo là ơn Phật, Pháp và Tăng.

a/ Ân Phật Bảo: ơn người đã trường từ bảo vị vương cung, thê tử quyến thuộc để xuất gia tìm đạo giải thoát cho chúng sanh, chịu sáu năm khổ hạnh tu trì, tham thiền 49 ngày dưới gốc cây Tát-ba-la để chứng ngộ và ơn thuyết pháp giáo hóa trong 49 năm.

b/ Ân Pháp Bảo: nhờ Pháp [giáo lý] ta mới biết lối tu hành, khử ác, hành thiện... để thoát ly khổ đau, sanh tử... được thanh tịnh an vui.

c/ Ân Tăng Bảo: ơn các bậc xuất gia tu hành đã phiên dịch, diễn giảng kinh điển giữ Pháp luân thường chuyển...

– Ơn Chúa: Thiên Chúa Giáo có “Kinh Lạy Ơn” nội dung có những ơn như sau: ”Chúng tôi lạy ơn đức Chúa trời thiêng liêng sáng láng vô cùng, đã cho tôi đặng làm người, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa, và lại cho phần xác tôi ngày hôm nay đặng mọi sự lành, lại cho ngôi hai xuống thế làm người chịu chết trên cây thánh giá vì tôi...”

Tóm lại, con người sinh ra và sống ở đời là đã chịu rất nhiều những ơn huệ của nhau. Ðối với người có tấm lòng thanh cao rộng mở thì sự ghi ơn rộng khắp muôn nơi. Trái lại đối với người ích kỷ, lòng dạ lúc nào cũng mưu cầu lợi lộc cho bản ngã của riêng mình, thì không có gì gọi là ân nghĩa cả, mọi tương giao chẳng qua chỉ là trao đổi, lợi dụng nhau... khi không còn giá trị để lợi dụng, hoặc nhận thấy không thể lợi dụng được nữa thì xoay lưng, sấp mặt, thậm chí tìm cách triệt hạ người đã giúp mình từ những ngày hàn vi, cái thời “vạn sự khởi đầu nan” của mình, để chứng tỏ là tôi chẳng hề mang ơn ai, chẳng ai có thể làm ơn cho tôi!

“Nên ra tay kiếm tay cờ,
Chẳng nên thì chớ, chẳng nhờ cậy ai”

Nhân Ngày Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ, chúng tôi xin tìm hiểu sơ lược các thứ ơn trong cuộc đời và ôn lại một vài điều ân nghĩa trong truyền thống dân tộc Việt qua hành vi làm ơn và đền ơn.

Hầu như đa số người đời khi thi ân (làm ơn, ban ơn) đều do sự thúc đẩy của tình cảm, của lòng nhân ái, của cái mà Mạnh Tử gọi là ”Trắc ẩn chi tâm,”[lòng thương xót người gặp hoạn nạn] một hành động giúp đỡ đồng loại bộc phát, không bao hàm mong cầu sự báo đáp nào cả.

Khi một người làm ơn nhằm mục đích buộc người ta biết ơn mình thì thực chất đây không phải là “làm ơn” mà chỉ là một loại nợ, một cách tạm ứng mà thôi.

Người làm ơn đích thực không cần báo đáp. "Thi ân bất cầu báo", “làm ơn rồi quên di” không bao giờ nhắc lại, không kể cho người thứ ba nghe biết thì chắc chắn sẽ không có oán hận trong đời.

Kinh Luận Bảo Vương Tam Muội, trích dẫn bởi Mười Ðiều Tâm Niệm, điều thứ 8 ghi rằng: “Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân có mưu đồ.”

Ðức Phật đã dạy bằng một hình tượng rất cụ thể: ”COI THI ÂN NHƯ ÐÔI DÉP BỎ” nghĩa là xem việc giúp đỡ kẻ khác là một cách buông bỏ. “Thi ân mạc niệm.” Ðừng bao giờ nhớ là mình đã có làm ơn cho ai. Kinh Phật còn có câu: “Người bố thí hàm ân người được bố thí.”

Vậy thì vấn đề ân nghĩa và báo đền không còn gì quan trọng nữa. Thế nhưng, về mặt đạo lý làm ơn là một hành vi thuộc tình cảm, dù người làm ơn không nghĩ đến chuyện được biết ơn, đền ơn, nhưng hầu hết người nhận ơn vẫn thường không quên ơn. Ðó là nguyên ủy của ngày Thanksgiving tại Bắc Mỹ.

Thật vậy, người da đỏ bản xứ khi giúp đỡ cho di dân Anh đang dói lạnh, bệnh và chết trong mùa đông khắc nghiệt vào năm 1620, họ không có một ý tưởng lợi lộc nào, hành vi này khởi từ lòng nhân mà thôi.

Lễ Tạ Ơn đầu tiên mà di dân Anh cử hành ở Plymouth vào mùa thu năm 1621, đã kéo dài nhiều ngày chung vui giữa di dân và người da đỏ bản xứ. Thanksgiving là ngày vừa tạ ơn trời vừa tạ ơn người.

NHỚ ƠN LÀ MỘT HÀNH VI CAO ÐẸP

Nhớ ơn là một hành vi cao đẹp. Người Việt Nam cũng thường nhắc nhở lòng biết ơn:

- “Ơn ai một chút chớ quên”
- “Một miếng khi đói bằng một gói khi no
    Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn vàng,”

Nhiều khi, người Việt biết ơn một cách bao quát như:

“Uống nước, nhớ nguồn,” ”ăn quả nhớ kẻ trồng cây,” ”ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”...

Tâm tư tình cảm này của người Việt cũng tương tự với tinh thần của Lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ.

Trong văn hóa Việt, lòng biết ơn được xem như là một tiêu chuẩn đạo lý. Người Việt rất sợ những kẻ "Vong ân, bội nghĩa". Xã hội nào cũng lên án những kẻ vong ân bội nghĩa.

“Ơn ai một chút chớ quên” chính là "Thọ ân mạc vong” đây là lời khuyên xuất phát từ quan niệm ”không ai có thể tự hào là không cần đến người khác” khi còn sống ở đời. Sully Prud'homme, một nhà văn Pháp cũng đã chia sẻ tư tưởng này trong một bài thơ với câu kết

 “Nul ne peut se vanter de se passer des hommes.” (Không ai có thể khoe khoang là đã không nhờ cậy người khác)

Nói cách khác, sống ở đời mọi người đều chịu ơn nhau.

 Theo J.M. Massieu thì "Biết ơn là trí nhớ của con tim.” Người Việt truyền thống rất tôn trọng tình cảm biết ơn. Ca dao tục ngữ có rất nhiều câu nhắc nhở:

 “Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen”

hoặc

“Một chữ nên thầy” và xa hơn nữa ”nhất dạ bá ân”

 (Chỉ một đêm có đến trăm ân huệ).

Có lẽ, tâm trạng muốn quên ơn bắt nguồn từ chỗ người "thi ân có ý mưu đồ.” Ngoài ra, có một loại ơn mà ít người muốn quên, lại luôn luôn nhắc nhở, có khi tự hứa là sống để dạ, chết mang theo nữa: đó là ơn lòng, ơn tri ngộ. Ơn người hiểu được tâm sự và chí hướng của mình, đó là Ơn người đã cứu mình thoát khỏi cảnh cô đơn của tâm thức.


Nguyễn Châu

Wednesday, November 23, 2022

VĨNH BIỆT TRƯỜNG SƠN


 

Monday, December 26, 2016

ĐỘNG ÔNG DO XUÂN 1975

Nếu chiều nay lỡ hẹn không về.
Thì Xuân năm nay Xuân sẽ buồn.
Sẽ buồn hơn mấy cội mai già.
và mùa Xuân quên mặc áo mới. 
(Anh Việt Thu)

***

    Quà cho lính tiền phương chỉ đơn sơ, vài cặp bánh chưng, vài chiếc bánh ú tượng trưng cho hương vị xuân dân tộc nhưng tụi mình cảm động biết bao! Dân hồi cư, không còn trợ cấp, đa số sống nhờ vào đồng lương hạn hẹp khó khăn hay người làm ruộng chỉ vài ba miếng ruộng nhưng tấm lòng hậu phương, tình cảm cho người lính tiền đồn, bà con không bao giờ phai nhạt. 

Những người lính nhớ làm sao mấy cặp bánh ú đơn sơ nhưng lại đầy ắp tình cảm. Chút quà lên núi đã sưởi ấm lòng người lính tiền phương.  Quà hậu phương chia đều cho từng tiểu đội. Bên hầm chiến đấu, hay cạnh giao thông hào, vài ba miếng lá chuối, những cái bánh tết lính vừa ăn xong. Không ai vứt đi xa như muốn giữ lại chút hình ảnh tết từ gia đình, những người thân yêu dưới kia ngày xuân đang nhớ lính.


Lính cầm súng ngồi cạnh giao thông hào, anh chợt nhớ ngày xưa. Cuối năm chờ tết, cả nhà cạnh bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng xanh bốc khói trong đêm trừ tịch. Ôi khung trời kỷ niệm ngày nào gợi lại trong tâm tư người lính. Rồi lính thật xúc động khi chia cho nhau mấy cái bánh ú từ đồng bằng gửi lên. Chiếc xe đơn vị mới trở về lại hậu cứ tại Diên Sanh ngày hôm qua. Trên đỉnh cao, người lính còn cố trông theo một làn bụi đỏ cuộn mờ sau chiếc GMC,đang chạy  vòng vèo theo con đường sơn đạo rồi khuất dạng sau mãng đồi xa xa.



 Xin cám ơn những tấm lòng vàng, xin cám ơn cám ơn tình cảm thắm thiết hậu phương thương mến. Trên đỉnh quê hương dù người lính  đón Tết bằng những túi gạo sấy, ít lon thịt heo nấu loãng thế mà tụi mình vẫn khắn khít biết bao. Chiều ba mươi Tết có vài đứa bò lên chóp cao kiếm ra một bao đầy rau má, về chốt chia nhau để có thêm chút nào đó chất tươi. Tụi mình vẫn quen rồi, không than van, không buồn phiền. Lính tiền đồn, chấp nhận lâu rồi, đơn sơ bình dị.  

Xuân về rồi. Làm sao quên được phút giây trừ tịch của năm Một Chín Bảy Lăm. Giây phút chuyển mình năm cũ và mới; nhưng phút giây đó ai có ngờ đâu là đó là lần trừ tịch cuối cùng của đời lính chiến VNCH và rồi sẽ không bao giờ có lại trên đỉnh cao quê hương một lần nào nữa. 
Xuân Một Chín Bảy Lăm đang về trên mọi nẻo đường đất nước. Không riêng một ai mà cho cả miền nam có một trừ tịch cuối cùng để rồi tức tưởi chia tay tiễn đưa một MÙA XUÂN CỘNG HÒA về miền dĩ vãng. 

 Riêng trên đỉnh cao này, cũng như nhấp nhô những đỉnh cao bè bạn có những đứa như mình vẫn còn đang đối diện với những đồi tranh trãi dài bất tận. Chiều về, lính lắng tai nghe tiếng con chi bìm bịp kêu buồn. Đêm về, anh cố căng mắt hướng về bóng tối của rừng khuya sâu thẳm. Có tiếng chim Từ Quy gọi đàn trong đêm, lính đợi ánh dương lên để biết mình đã qua một đêm vô sự. 

Xuân quê hương đang về trên muôn nơi- người lính tiền đồn biết lắm, nhưng mùa xuân chưa về nơi đây- chốn núi rừng chưa ai nghĩ đến một mùa xuân.


Đối diện Động Tiên (295 met) -những ngày cuối cùng
vòng tròn đánh dấu điểm đóng quân cuối cùng của tác giả trong nghiệp lính ngày 17/3/1975

dấu vòng tròn là chốt cuối cùng đối diện Động Tiên 295 mét, ngày cuối cùng là ngày 17/3/1975



Xuân 1975 - mùa xuân cuối cùng của người lính VNCH 

Sau Tết đơn vị mình lại được lệnh di chuyển xa thêm, mặt trước động Ông Do, đối diện với Động Tiên, trong bản đồ cao hơn đỉnh Tiểu đoàn 105 hai mươi mét. Trung đội mình là tiền đồn cho đại đội 2, xem như là chốt xa nhất, giáp với phía bên kia. Những ngày này nghe tin Ban Mê Thuột đã mất (10/3/1975), không khí càng căng thẳng thêm!

Ngày nào trời quang đãng, đứng dưới giao thông hào, mình ló đầu ngó về dưới kia qua khe Trai. Dòng Thạch Hãn lượn vòng qua Trấm, tạo thành khúc sông hình chữ U rồi  xuôi về An Đôn, Như Lệ.


Sông lặng lẽ trôi qua chiếc cầu Ga sụp đổ từ mùa hè 1972. Sông sẽ qua một thành phố năm xưa đổ nát, lau lách đìu hiu.

cổng trường Trung Học Nguyễn Hoàng

Sông có hỏi bao người năm cũ nay biền biệt phương nào? Sông thương cho một mái trường, sông khóc cho bao cuộc đời truân chuyên của người dân Quảng trị, "đất cày lên sỏi đá".  Máu và nước mắt quê hương như quyện vào nhau, dệt nên khúc sử bi ai, thống khổ! Thạch Giang như người cô đơn về ngang bến cũ, nay vắng chuyến đò ngang. Sông chợt ngậm ngùi cho phố xưa đổ nát. Ôi bao gạch đá hoang tàn cùng lau lách đìu hiu.

17/3/1975

Ai ngờ đâu! đây là ngày cuối cùng trên rặng Trường Sơn. Những toán lính âm thầm bỏ núi. Những toán quân có lệnh rút lui lần lượt mất dạng, khuất hút trong những mảng rừng tranh. Không gian lặng phắt, rừng núi như muốn 'nín thinh',  mọi vật đều im lìm đến rợn người!
 Một ngày lính không còn nghe được tiếng chim. Trời không gió, chẳng mây, từng trái tim, từng ý nghĩ, đồn đoán khô cứng đến nghẹt thở. Lính không còn biết đến những gì đang xảy ra phía đồng bằng, những nơi mà người lính giữ núi sắp về?

Tạm nghỉ trên đồi 90. Hai tiểu đoàn 105 và 122 gặp nhau. Người tiểu đoàn trưởng 122, anh Quang (Lê văn) người anh cùng xóm, một người anh hiền lành hiếu học. Sau mấy năm xa rời Quảng trị, hai anh em gặp nhau cùng màu áo lính. Một ngày xưa, anh Quang rất mến đứa em này, người lính trẻ nhớ sao nụ cười hiền hậu của một người anh.  Ai ngờ đâu lần gặp này lại vĩnh biệt chia xa.( Thiếu tá Lê văn Quang 2 tuần sau hi sinh tận Quảng Ngãi- những ngày tan tác)
 
Tiếp tục về lại đồng bằng, người lính bất chơt ngoái nhìn lại chóp núi phía sau lòng trào dâng niềm luyến lưu chốt cũ.
Núi rừng ơi, lính bỏ đi mà không lời từ tạ. Chợt ngậm ngùi, lính bỗng thốt lên:

TRƯỜNG SƠN ƠI ! TA XIN VĨNH BIỆT !

ĐHL

nhớ ngày vĩnh biệt Động Ông Do 17/3/ 1975 
edit 20/1/2024

Quân Bắc Việt chiếm đỉnh Ông Đô sau khi VNCH rút lui 



ĐHL  edition  18/12/2021 USA

NGAY CẢ CHIM CŨNG BIẾT BẢO VỆ VÙNG TRỜI


CÁNH DIỀU THẢNH THƠI


Bầu trời trong xanh tràn trề nắng ấm. Chú diều vần vũ lượn vòng dưới bầu trời quãng khoát, không một bóng mây. Đôi cánh rộng của con chim thuộc loại lớn dang rộng, như đang lười biếng hoạt động nhưng vẫn đủ giữ cho diều đảo từng vòng thật chậm trên cao. Thỉnh thoảng, cặp cánh của nó lại đập ít cái, chỉ ít cái thôi, thế là diều lại tiếp tục bay vòng như cũ. Chú chim lơ đãng này khi lượn vòng như thế, thường bay một mình. Hình như nó đang tận hưởng một buổi rong chơi nhàn nhã, tự do và thênh thang.




TÉ RA CHIM CŨNG BIẾT BẢO VỆ  ‘GIANG  SƠN, LÃNH THỔ’ CỦA CHÚNG


Thình lình từ dưới thấp có ba bốn chấm đen vụt bắn lên, rồi liên tiếp nhiều chấm đen khác vụt bay lên! Một bầy quạ đang bay lên ‘nghênh chiến’! Thì ra diều ta đang lạc vào ‘lãnh thổ’ của bầy quạ không biết bao giờ? 




hạt sót California rất nhiều



Quạ vùng này nhiều lắm. Chúng sống từng  bầy. Thỉnh thoảng không biết từ đâu chúng đậu vào các lùm cây hạt sót, kêu vang chí chóe. Cây hạt sót trồng nhiều ở vùng này là thức ăn của loài quạ. Đến mùa, hạt sót bị quạ ăn rơi vãi đầy mặt đất.








hình 1930 người bộ tộc da đỏ tại California và hạt sót


Thật ra ngày xưa người Mỹ bản địa tức là thổ dân da đỏ họ dựa vào nguồn hạt sót làm thức ăn chính cho họ. Những bộ tộc da đỏ thường chế biến tích lũy hạt sót làm thức ăn. Các nhà dinh dưỡng học cũng phân tích cho rằng hạt sót có hàm lượng dinh dưỡng cao.




Con diều tuy to lớn thế, nhưng lại bay chậm. Hai ba con quạ bay nhanh hơn diều, chúng thi nhau lao vụt vào cánh trái và cánh phải của diều ‘gặp nạn’. Diều giờ đây hốt hoảng lo tìm đường thoát. Bao phút an nhàn vừa qua biến đâu mất, nó chỉ còn vội bay thẳng một hướng thoát thân. Nhưng lũ quạ đâu chịu buông tha? Thỉnh thoảng cánh của nó bị quạ mổ trúng, từ trên cao tiếng diều kêu lên quang quác. Mấy con quạ vừa đuổi địch thủ vừa kêu nhau chí chóe. Thật thương hại cho con diều ham chơi, nó lạc vào ‘không phận’ bầy quạ mới ra cớ sự như thế? Bao nhiêu uy dũng của giống nhiều đi đâu mất? Từ dưới đất người chứng kiến mới lo ngại thay cho thân nó. Diều đâu phải là thứ chim hiền? nhưng than ôi: “mãnh hổ nan địch quần hồ” diều thua là phải, lo  bay đi tránh ‘giang sơn’ lũ quạ. Có mục kích cảnh này mới thấy sự ‘quyết chiến’ đầy hăng say xen lẫn đoàn kết từ bầy chim đen đúa, ồn ào là quạ. Những thứ chim khác nhỏ hơn thường biết ‘thân phận’ của nó nên hiếm khi thấy quạ ‘tranh chấp’ với các bầy chim nhỏ khác, ngoại trừ có bóng diều lai vãng là bầy quạ chẳng hề ‘tha thứ’?


KHI ĐÃ 'BẢO VỆ' VÙNG TRỜI QUẠ CŨNG KHÔNG THA THỨ CẢ MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI DRONE



Tại vùng ngoại ô nào đó ở Australia một chiếc drone của con người thả chơi cũng bị một chú quạ bay lên "nghênh chiến". Khi đã có nhiệm vụ 'bảo vệ không phận' quạ thi hành rất đúng nhiệm vụ của quạ. Chiếc máy bay nhỏ có 4 chong chóng trong hình đang bị chú quá đậu vào phần đuôi và 'mổ cắn' tứ tung?!

Quạ không tha thứ từ con diều nào đó lơ đễnh bay lạc vào, cho đến máy móc của con người có động cơ đang hoạt động nó vẫn không hề sợ hãi. Sự tấn công không khoan dung có thể làm con quạ này trở thành một 'chiến sĩ' của loài chim.


CAO NHÂN TẮC HỮU CAO NHÂN TRỊ


Chim cắt (kestrel) Bắc Mỹ là giống chim tương cận với chim ưng (falcon) nhưng nhỏ hơn. Nó là giống chim săn mồi tuy nhỏ bé nhưng dũng mãnh


Thế mà một ngày, người viết có dịp nhìn thấy lũ quạ dữ tợn kia lại bị một “khắc tinh” trị nó, đó là CHIM CẮT.


Cũng là bầu trời của vùng Alum Rock Park, nơi gia đình tôi ở. Cũng một sáng trời quang đãng và tràn đầy nắng ấm. Tôi nghe trên cao có tiếng quạ kêu quang quác khác thường? Thì ra có mấy con quạ đang bay loạng choạng và hỗn độn. Tiếng quạ nghe chí chóe như có chuyện bất thường?


  Có một bóng chim nhỏ hơn, bay xẹt qua, ngang dọc nhanh như những “lằn đạn”?! một đường bay của bóng chim này là một lần cánh con quạ đen bị va trúng khiến quạ ta, có thể đau quá, kêu vang... mấy con quạ trên kia đang bị xé lẻ, mỗi con mỗi hướng, cố né tránh con chim nhanh nhẹn kia?


THÌ RA CÓ CON CHIM CẮT ĐANG TẤN CÔNG QUẠ


 chim cắt bay như một mũi tên đánh quạ - quạ chỉ biết bay trốn

BẦY QUẠ ĐANG BỊ CON CHIM CẮT TẤN CÔNG


Con chim cắt từng sống đơn độc không từng bầy như quạ nhưng là ‘kẻ thù không đội trời chung’ với bầy quạ. Người ta nói “nhanh như cắt” quả thật không sai! Trên cao, chúng ta không thể thấy được rõ ràng hình dạng của chim cắt, nó chỉ là một bóng đen bay xẹt qua lại như “như những lằn đạn” không hơn không kém! Quạ bay khá nhanh, thế mà không thể nào so với con cắt được.


Tôi cho rằng tốc độ trên không là ưu thế hàng đầu của chiến thắng. Sự to lớn dềnh dàng rõ ràng không là yếu tố thắng thế trên không trung.


Lạ làm sao? Tôi thắc mắc có thể bầy quạ này đang lạc vào “không phận” của con chim cắt kia mới ra cớ sự này?


Hài hước một ít chúng ta nghiệm ra “Lãnh thổ và không phận” của loài chim- có thể là một luật lệ tự nhiên của tạo hóa trao cho chúng mà con người ta không thể hiểu hết? Người viết tin rằng bẩm sinh và tự nhiên của chim muôn hay thú vật bẩm sinh chúng cảm nhận ra cái 'ranh giới' kia. 


Người viết lại hình dung nơi thâm sơn cùng cốc; “RỪNG NÀO CỌP ĐÓ” đây là kinh nghiệm dân gian nhưng chúng ta tin rằng điều này có thật. Một rừng không thể hai cọp; một điều kiện rất bẩm sinh mà muôn thú tự nhiên biết lấy để chia ra ‘ranh giới’ trong rừng, nhất là loài thú dữ.


Một ngày rảnh rang thoải mái, có đôi lúc chúng ta ngồi ngắm trời mây và tự cho rằng một bầu trời cao kia quả là một vùng không gian tự do rộng mở.


 Nhưng sự thật nay đã khác hẳn trong tôi: thì ra ngay cả chim chóc vẫn biết 'phân chia gìn giữ vùng trời vùng đất' cho chúng huống hồ gì loài người trong thế giới hôm nay. Phải chăng có một dịp nào đó có những nhà quân sự trên thế giới này nhìn cảnh những loài chim đánh nhau trên bầu trời rồi nảy sinh ra những ý tưởng, chính sách quân sự?


Đó là những hình ảnh không chiến trên bầu trời vào thời chiến tranh. Các nước đang thi đua nhau chế tạo càng lúc càng nhiều chủng loại phi cơ chiến đấu với những lợi thế trongkhi KHÔNG CHIẾN để đạt cho được chiến thắng trên không.  Các loại phi cơ tiêm kích càng lúc càng lợi hại hơn thi đua nhau ra đời đưa cuộc chạy đua vũ trang trên không hiện nay chưa bao giờ ngưng nghỉ.


Chuyện chiến tranh của loài người lại càng dễ hiểu khi chúng ta nhìn lên bầu trời hàng ngày vẫn còn những loài chim khắc kỵ nhau quyết tranh giành nhau vùng không gian của chúng thì các "con chim sắt" của không quân các nước vẫn "nối gót" như vậy để bảo vệ giang sơn của họ.


Cuộc sống trên trái đất vẫn còn tiếp diễn thì sự cạnh tranh của muôn loài tất còn hiện hữu. Âu đây cũng là định luật sinh tồn ./.



Đinh hoa Lư 26/9/2021

Bầu trời East Hills Alum Rock Park California

 

THÀ CHO LẦM HƠN BỎ SÓT

  Chào bạn đọc, Mỗi lần ra khỏi khu chợ Ocean Market, thành phố Milpitas còn vài đồng lẻ nào trong túi tôi hay cúi xuống bỏ vào lòng bàn tay...