Friday, August 4, 2023

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI VỢ TÙ CẢI TẠO-NỖI BUỒN QUA TRẠM

 

Hai hàng cây so đũa
Lặng đứng nhìn xe qua
Lên thăm anh lần cuối
Hàng cây cũng nhạt nhòa
Lên thăm anh lần cuối 

trong lòng em khóc thầm... (Nguyên Huy-Trọng Minh)







 
***

TRẠM LÁN GÒN  HAY LÁN  CÓN?

Xe vừa rời thị trấn La Gi, đổ dốc Tân An, qua cái cầu Suối Đó là đến trạm kiểm soát Lán Gòn. Cái trạm còn có cái tên khác là 'quản lý thị trường'. 

   Bóng mấy người đeo băng đỏ nét mặt lúc nào cũng lầm lì. Những cặp mắt "sắc như dao", lạnh lẽo vô hồn. Mấy người đó từng là "ác mộng" đối với dân buôn chuyến và nhất là T. nàng mới làm quen vài chuyến buôn lên về "Thành Phố" (Sài Gòn) 


xe than thời bao cấp

  Tiếng cằn nhằn của ông già ngồi băng ghế trước; ông muốn vào VÕ Xu cho kịp đám kỵ. Tiếng than thở của bà già ngồi gần ông; bà cũng gấp vào Biên Hòa vì con trai của bà bị tai nạn xe máy. Mấy ông "kẹ" vẫn tỉnh bơ xét hàng. Thằng 'lơ xe'  lay hoay chạy vô, ra trạm, tay hắn không quên cầm theo bao thuốc JET mới "keng" chưa bóc tem. Bác tài xế đứng nói gì nho nhỏ với người trưởng trạm Lán Gòn. 

   -Bao chi đây?
   -Dạ ...dạ, khoai đó eng (anh), không có chi mô! tui vô thăm con tui trong Biên Hòa "xéc" (mang ) theo chút hàng (quà)
. 

   Người đàn bà dáng  từ trên xã Sơn Mỹ về, vội vả trả lời người quản lý, ôm ốm nước da tai tái, mặt "lạnh như tiền".

Hắn  không lấy tay mà dùng cái que nhọn một đầu để săm soi tìm "chiến lợi phẩm". Mục tiêu của trạm này là tóm cho được số mực khô, thứ hàng phải bắt vào dạng 'ưu tiên một'.  Mùa này, Thành Phố (Sài gòn) đang cần mực khôNgười ta đồn rằng mực khô lúc này là mặt hàng "xuất khẩu". Thời gian đó, những cái gì có giá trị cao đều được liệt vào "hàng xuất khẩu".  Ác hại thay! do thứ hàng nhiều tiền, nó trở thành cái cớ để trạm Lán Gòn tịch thu sạch không chút  nương tay?

 Trạm Lán Gòn một thời nổi tiếng vơ vét thẳng tay!  Biết bao nhiêu người đi buôn mất vốn? Người dân ngẩn ngơ không biết cái gì là "quốc cấm"? Cái gì là đúng "chính sách chế độ"? Vài xắc gạo từ Đức Linh về, vài bao khoai khô từ Sơn Mỹ đem đi, vài chục ký đậu xanh đậu phụng...mọi thứ đều có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào nếu trạm này muốn.  Đó là lý do người ta đặt tên cho trạm cái biệt danh "Láng Cón" thay vì đúng tên Láng Gòn...

  Tim T. đập thình thịch. Cái que của người xét hàng  sắp xoi đến cái bao cát đựng đậu phụng hột đặt sát với cái bao đựng khoai  của người đàn bà từ xã Sơn Mỹ về kia. Thoáng nghĩ nhanh trong đầu, mười lăm ký đậu phụng hột loại 1 nếu bị mất đi thì khá nặng cho cái vốn cỏn con của nàng. T. vừa tập buôn vài lần thôi.  Gã cán bộ Quản Lý Thị Trường có cặp mắt tinh đời, chỉ thoáng nhìn nét mặt của hành khách hắn đoán được có phải người đi buôn hay không? Cũng may, T. mới vào nghề nên y chưa quen mặt. Những con buôn chuyên nghiệp khác , đi nhiều lần thì gã "quen mặt". "Nghề nuôi nghề"  Nghĩa là sao? tha vài chuyến cho con buôn kiếm chút lời xong bắt một chuyến, và cái vòng này cứ lẩn quẩn nuôi "mập thây" cái trạm quản lý 'hắc ám' nhất vùng này.


   
Những lúc này, con buôn "bắt bồ" với lơ xe , lơ xe. "Bắt bồ" với trạm- thế là đôi lúc "linh động " , cái que xoi kia lãng đi chỗ khác. Hay "chuyên nghiệp " hơn, lơ xe sẽ dấu giùm cho. Nàng còn  nghe phong phanh có người "bắt bồ đúng nghĩa" với lơ xe để bảo vệ hàng "quốc cấm" cho họ nữa? Thực ra nàng không muốn phải "lẳng lơ , ỏng ẹo" với mấy lơ xe để bảo vệ cái vốn đi buôn nghèo nào eo hẹp này. Những người vì thời cuộc đang dần dà trở thành "người đi buôn" , một "giai cấp" đang bị kỳ thị trong cái thời quản lý thị trường hay "ngăn sông cấm chợ". Sự "giằng co cọ xát, đấu trí, thông đồng, hay thoả hiệp" ngày cũng như đêm, trên mọi ngõ ngách,  mọi con đường quê huơng, giữa những người đi kiếm sống, nuôi đàn con, cha mẹ già, tiếp tế cho những thân nhân đang bị chế độ 'chiến thắng' giam cầm và những người chuyên đi tước đoạt vốn liếng hay miếng ăn của họ.

một thời xã hội thiếu thốn hàng hóa đến cùng cực nên người ta ví von "thủ kho to hơn thủ trưởng"



   T. chưa "bắt bồ" với lơ xe nào, nàng còn thả liều vào may rủi.  Nàng chỉ biết khấn trời, phật trong lòng phù hộ cho nàng thoát nạn. Sáng nay, T. gặp may do có một o từ Sơn Mỹ đi cùng xe là người chủ bao khoai kia, không hẹp hòi chi, ưng thuận cho T. bỏ "ké"(giúp) bao đậu phụng chung với bà dưới cái băng ghế dài:

       - Có chi nhờ O  nói giúp cho con nghe O? con sắp đi thăm nuôi 'dôn'(chồng) con ngoài Trại Sông Mao o nờ ? 

  O đó dáng tuổi dì hay mẹ của T.  O không hẹp hòi chi. Nghe chồng nàng đang ở tù ngoài Trại Sông Mao, o cũng cảm động. Người làng của O cũng có mấy đứa cháu đi sĩ quan trong này còn đang 'cải tạo' ngoài đó chưa về. 

   T. tiếp tục tính toán trong đầu...nếu sáng đó nàng bị mất bao đậu phụng, thì vốn và lời từ  hai bó mực nàng đang cột sát vào hai đùi nàng sẽ bù vốn. Nàng sẽ huề vốn. Nhưng! cái ngày thăm nuôi định kỳ cho chồng ngoài trại SÔng Mao sẽ không có chi cả? Hoặc giả, nếu nàng dùng số tiền còn lại này mua hàng cho chồng thì khi về lại sẽ không còn vốn nữa!

  Mắt 
nàng giờ liếc nhanh về người quản lý thị trường , cái que xoi vây vẫy, chợt đảo nhanh qua băng ghế đối diện:
    
     -Bao  chi đây?
      -Dạ... dạ...


   Một cái bao lác đan bằng lá buông, trên để một mớ khoai luộc, lại "làm quà cho bà con " nhưng dưới là lớp mực mới phơi xong, đang tìm đường về ..."Thành Phố"!

  Cái bao lác kia bị lôi xuống, đem ngay vào trạm. Người chủ không còn dấu được lật đật chạy theo vừa chỉ trỏ phân bua, khóc lóc...

  T. giờ mới dám thở mạnh. Nàng chợt thấy khỏe trong người sau những phút quá sức hồi hộp khiến tim nàng như muốn ngừng đập. Mắt T. chợt nhìn vào mặt người đàn bà kia, một ánh nhìn trìu mến, biết ơn.


  
Chiếc xe rồ máy chạy đi, bỏ người chủ bao mực khô kia lại với cái trạm. Hành khách tiếp tục bàn tán, nói chuyện, oán trách chửi khéo, than thở... ôi! đủ thứ chuyện.

  Bác tài xế và thằng lơ xe càu nhàu do chưa thu tiền xe người đàn bà thiếu may mắn vừa rồi. Thằng lơ thì tiếc bao thuốc JET chưa khui, hắn vào và đặt trên bàn cái Trạm nhưng chẳng kết quả gì? Có thể giá trị bao thuốc không đủ sức để trạm 'bỏ qua'? Cái chính là chiếc xe chưa đóng tiền "hụi" tháng này cho trạm? 

-Hèn chi! 

Hắn nghĩ, cho đó là lý do xe hắn bị 'làm khó dễ' sáng nay.

*

ngã ba 46 ( khoảng thập niên 1990) từ Sài Gòn ra, rẽ phải về thị trấn Lagi Hàm Tân

    Xe ra đến Ngã Ba 46, nó rẽ trái vô huớng Sài Gòn.

 Ngọn gió biển yếu dần khi xe ra đến đây. T. không cảm thấy chật chội hay nực nội chút nào. Thay vào đó, một cảm giác hạnh phúc, yêu đời bất chợt ập đến. Biết bao nhiêu mừng rỡ làm nàng quên luôn cảm giác ngứa ngáy khó chịu từ hai bó mực đang bó sát đùi nàng, gần "chỗ kín".

  "Nhờ vậy mình mới thoát được bàn tay "thằng quản lý" kia" 

 Nàng nghĩ thầm và cho đó là một "sáng kiến thông minh". Tuy vậy, nàng không quên cái lợi thế từ cái quần đen rộng ống của mình.

   Còn vài trạm "đột xuất" trên đường nhưng lơ xe và tài xế đã "lo trước" rồi. Những trạm sắp tới còn "nhân đạo " hơn cái trạm "Láng Cón" trong kia - cái trạm từng tịch thu hay làm đói biết bao gia đình.

   Xe bon bon chạy; thằng lơ thỉnh thoảng "ầm ừ " vài câu vọng cổ mà nó thuộc lòng đâu đó.


    T. lim dim mắt nhớ đến chồng ngoài trại Sông Mao đang ngày đêm mong đợi vợ thăm. Mường tượng khuôn mặt xanh xao và tấm thân gầy gò của chồng trong chuyến ra lần trước, bất giác T. không che được  hai hàng nước mắt nhớ chồng  ứa ra không biết lúc nào ./.
 

Đinh hoa Lư 
edition 4/8/ 2023





Wednesday, August 2, 2023

CHUYỆN H.O --HAI MƯƠI TÁM NĂM LÌA XA QUÊ HƯƠNG



  2.8.1995 -- 2.8.2023
HAI MƯƠI TÁM NĂM

MỘT CHẶNG ĐƯỜNG H.O.

bài edit 

28 năm kể từ ngày mẹ tiễn con đi mang theo bao ước vọng đổi đời. Nay con trở lại bóng mẹ không còn, người đã cùng ba nắm tay nhau về miền dĩ vãng

              ***

...chiều nay trên bến muôn phương
có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường  (PD)

HÔM NAY LÀ NGÀY 2/8/2023

Thấp thoáng mới đó mà đã 28 năm - thời gian gia đình tôi giã từ VN đi định cư xứ Mỹ. Dòng thời gian dù muốn dù không nó vẫn trôi, không chờ đợi một ai. Hai mươi TÁM năm- hơn một phần tư thế kỷ, tôi cứ ngỡ như mới 'hôm qua'?

LẠY BIỆT GIA TIÊN 


Ngày ra đi, bao hình ảnh vẫn đậm nét trong tâm tư vợ chồng  tôi. Những người người thân- nội ngoại- bạn bè lối xóm đứng chật ních ngoài cửa kiếng lớn ngó vào bên trong khu vực 'CÁCH LY'-một từ mới lạ với tôi hồi đó. Gia đình tôi tay bồng tay bế, vội vả bước theo đoàn ngừơi H.O do sợ lạc nhau. Hai vợ chồng cùng bầy con không còn một giây phút chia tay, không dám kéo dài thời gian ngoái lui nhìn lại bà con mà ghi những hình ảnh cuối cùng trước khi dứt lìa quê hương cùng thân nhân bè bạn...

Một tấm ảnh u buồn do tất cả người thân tiễn đưa trong tấm hình này, ngoại trừ 2 trẻ nhỏ, tất cả nay đã ra đi về miền miên viễn


Những túi nylon trong vắt lại rộng thùng thình nhìn rõ mọi thứ bên trong, họ cấp phát cho từng người để đựng khẩu phần ăn khô cùng 1 lon nước Coke sản xuất tại Sài gòn. Những thứ này, IOM- tức là Cơ Quan Di Dân Quốc Tế (INTERNATIONAL ORGANIZATION FOR MIGRANT)- đã trả tiền cho chúng tôi cùng với vé máy bay nữa. Những ánh mắt dò xét họ cố gặng hỏi nhỏ chúng tôi xem có 'quà cáp' gì kẹp trong giấy tờ không trước khi được 'giải thoát'?
Suốt hành trình bay biết bao nhiêu bâng khuâng lo lắng của hai vợ chồng tới xứ lạ quê người. Út Miu vẫn rúc người vào vú mẹ, Cu Ty thì hỏi mẹ "răng lâu rứa chưa về đến nhà"?, mấy anh chị nó thì ra chiều thích ý vì lần đầu tiên trong đời chúng mới có có một chuyến viễn hành trên chiếc máy bay khổng lồ. Những giờ bay dài dăng dẳng, những bữa ăn trên máy bay- 2 vợ chồng không nuốt nổi do bao nhiêu lo lắng trong lòng. Ngoại trừ bầy con, chúng thích lắm - cái gì cũng lạ- cái gì cũng ngon...



Mấy đứa con chúng tôi sinh ra trên nương khoai rẫy sắn và cát trắng mịt mùng thì làm sao chúng không thích được. Phi cơ VN sẽ đổi máy bay của hảng United Airlines của Mỹ tại phi trường Gimpo-Seoul, Đại hàn. Ra khỏi chiếc máy bay Boeing 767- loại mới- của Air Vietnam, xe buýt Hàn quốc đưa chúng tôi một đoạn ngắn chạy nắp theo phi trường tới khu đợi của phi cảng. Bươn bả theo đoàn H.O. con trai thứ ba vuột khỏi tay tôi hồi nào không hay - ngang cầu thang lên tôi mới hốt hoảng chạy lui tìm nó. Thật hú hồn! tôi thấy nó vẫn đứng yên một chỗ không kêu khóc gì - nó như đợi ba nó đi đâu thôi chứ không có ý niệm lạc. Từ chuyện suýt lạc đứa trai thứ ba này tôi rất 'dị ứng' những túi ny- lon tay đùm tay xách ,chỉ làm vướng tay gây hại.

Tại phi cảng Gimpo (Kimpo) - Seoul, IOM cũng phát 7 phần ăn cho cả nhà chúng tôi trong 6 tiếng đợi đổi tàu bay. Nhưng vì không hạp mùi vị thức ăn Hàn quốc chúng tôi mới kêu mấy người đàn bà Hàn lao công gần đó và cho họ. Mấy người đàn bà này mừng rỡ nói ríu rít tôi đoán là họ muốn cám ơn .
Kimpo Airport , west of Seoul
Lần đầu tiên ra khỏi quê hương mọi thứ đều tân tiến, đều khác lạ . Phòng vệ sinh nước tự động chảy và đóng lại, mọi thứ đều sạch sẽ tinh khôi .
Cầu thang tự động, nhân viên an ninh nghiêm túc làm nhiệm vụ có mặt ở mọi ngỏ ngách.

Chặng bay thứ 2 tới Mỹ vượt Thái bình dưong là chặng dài nhất. Mười mấy tiếng bay hai vợ chồng cứ miên man suy nghĩ không tài nào chợp mắt được. Chiếc Boeing 747 của hãng United Airlines này, mới nhìn lần đầu tiên nhưng tôi chợt thấy nó không được mới lắm?

Tôi còn nhớ nhũng bà tiếp viên tuổi 'đã về chiều'- da đã nhăn nheo nhưng vẫn còn có việc là. Mấy bà coi bộ tử tế, họ đem cơm cho chúng tôi vì chúng tôi là người Việt!. Bà chiêu đãi viên lớn tuổi nhất thỉnh thoảng ngồi làm việc gần cuối máy bay với chiếc máy Fax hay máy gì đó liên lạc về đất liền. Đoạn băng giấy dài từ từ ló ra khỏi cái máy rối tròn xuống sàn máy bay.

BẾN BỜ TỰ DO 

Chiếc máy bay đã vào không phận nước Mỹ, nó bay thấp dần. Qua cửa sổ tôi thấy những đồi núi màu cỏ khô vàng cháy. Tháng Tám nước Mỹ đang giữa mùa hè. Máy bay đáp xuống phi trường San Francisco khoảng 1 giờ chiều. Tuy hai chuyến bay mất cả ngày trời, tới Mỹ  cũng trùng vào ngày 2/8/1995  do bay về hướng đông thì thời gian được lợi một ngày.

Cậu mợ chúng tôi đã tới SFO chờ từ lâu.

Tội cho út Miu làm gì có 'tả lót tân thời' như ở xứ Mỹ? dù mẹ Miu có thay nhưng những miếng vải đơn sơ không át được mùi khai làm mợ tôi kín đáo che mũi. Tới nhà cậu mợ tôi mất một tiếng. Cả gia đình được đãi ăn bữa phở bò đầu tiên tại xứ Mỹ. Tôi không quên được hình ảnh mấy đứa con được ông bà cho ăn những tô phở từ lúc sinh ra đến giờ chúng mới thấy cái tô nó 'lớn' đến thế kia? Bốn đứa con ăn phở sì sụp, đứa út còn bú mẹ, hai vợ chồng tôi chẳng muốn ăn gì, chỉ ham nói chuyện, kể lể đủ điều cũng đủ "no bụng".



tô phở đầu tiên nơi nhà cậu mợ Võ Bình chiều 2/8/1995
 lần đầu tiên chúng tôi mới thấy tô phở to như thế?

Mợ tôi chỉ làm việc được một tay, tay kia bị yếu nhưng làm việc rất siêng năng và chu toàn mọi thứ. Một sự so sánh đầu tiên tại xứ lạ quê người đó là chuyện 'trứng gà", thứ thực phẩm cao cấp cho đời sống nhà quê bên nhà, mới đây thôi, những thứ ưu tiên bán mua gạo, và trông chờ từng ngày qua từng con gà mái đẻ lại là thứ 'rẻ như bèo' ở xứ Mỹ này? đó là lời mợ tôi cười xoà và giải thích:

-Tưởng gì, chứ các cháu mà đòi 'ăn trứng gà" thì rẻ lắm, một tá chỉ mấy chục cents thôi các con ơi!

Hai trạng thái quá mừng cùng quá lo - phút vượt qua ranh giới bên này qua bên kia 'BỨC MÀN SẮT' làm hai vợ chồng tôi ngây ngây trong người.


cả gia đình đi chợ Ocean Market tại thành phố Milpitas lần đầu tiên khi qua xứ lạ

28 năm qua rồi khó diễn tả lại thứ cảm xúc kỳ lạ lần đầu tiênrời xa xứ sở khi ra đi với ba tiếng NGƯỜI TỴ NẠN (refugee). Có một lần trong dịp tụ họp với nhóm cựu tù tôi có dịp thấy lại Cơ quan IRC (International Refugee Commitee) nơi mà những người thiện nguyện VN từng giúp đỡ gia đình tôi điền những hồ sơ giấy tờ hay giúp đỡ một ít tài chánh ban đầu, lòng tôi chợt bồi hồi xúc động. Căn phòng IRC này nay đã đổi chủ từ lâu, không làm công việc tỵ nạn ngày xưa nữa. Tuy nhiên căn phòng và địa chỉ của nó đã gây cho một ấn tượng khó quên là sự giúp đỡ, những bàn tay nhân đạo trìu mến năm xưa như sống lại trong tôi. Hai mươi tám năm qua biết bao nhiêu thử thách nhưng vợ chồng tôi từ lòng biết ơn đã quyết tâm bảo vệ và khuyến khích năm đứa con cố công ăn học thành tài giúp đời và trả ơn nước Mỹ trả ơn xã hội và khỏi lòng phụ lòng những đồng hương qua trước đã có thiện tâm giúp đỡ.

số nhà đầu tiên của gia đình chúng tôi: 
1566 Adams Avenue TP Milpitas California 


*
Thời gian qua nhanh, biến thiên thời cuộc cho phép người VN về lại cố hương càng lúc càng nhiều . Và tâm lý người VN xa quê trở về cố quốc cũng biến đổi theo.
Khi cánh phi cơ nghiêng đảo một vòng trên bầu trời thành phố Sài Gòn, nói sao hết cảm giác nôn nao, xúc động của người trở lại quê hương lần đầu. Dần hồi ai cũng bình thường hẳn đi khi người VN hải ngoại đi đi -- về về, càng lúc càng nhiều.


Tôi làm sao quên được công ơn cậu tôi đã bảo trợ cho gia đình. Những ngày đầu lạ lẫm ở xứ người. Cậu tôi còn bảo trợ cho người cậu khác. Rồi tất cả hai người cùng giã từ cõi thế, ra đi về khung trời miên viễn, nơi không còn buồn lo hay bận bịu chuyện đời. Những "chuyến tàu hoàng hôn" tiếp tục chia xa để "khuất dần trong vùng quá khứ".

Nay nhìn lại những tấm ảnh ngày đầu qua Mỹ, những khuôn mặt bơ phờ, hốc hác của gia đình tôi ngày rời đất Việt, làm sao tâm tư khỏi dâng lên niềm nhung nhớ bâng khuâng? Tất cả đều trở thành kỷ niệm khó quên cho cả gia đình.


nơi gia đình tôi ra đi là một thôn nghèo có tên Sơn Mỹ (Hàm Tân)

Mỗi năm cứ ngày Hai tháng Tám, tôi thử nhớ lại cảm giác lần đầu tiên khi lìa xa Tổ Quốc. Thật khó nhớ lại cho đúng tâm trạng năm xưa do tâm lý con người biến đổi theo tuổi đời chồng chất khi cảnh sống quen dần một cách tiệm tiến. Đến lúc này những người định cư lâu ở Hoa Kỳ mỗi chuyến thăm lại quê hương lại nôn nóng trở về xứ Mỹ? Lạ thật ở đất nào lâu dù là quê hương mới chăng nữa con người VN hay sinh ra thứ tâm lý luyến lưu nơi vùng đất mình đang ở, sống, đóng góp mồ hôi công sức của mình và gia đình.

con gái út Đinh thị Lâm Thư đang mừng đón anh trai đi học lớp mẫu giáo về 

Riêng vợ chồng tôi cùng nhau chung tâm chung lòng một TÂM NGUYỆN là làm sao cho BẦY CON CHĂM HỌC?

***

Đúng vậy chỉ có con đường học vấn thôi. Từ hai bàn tay trắng khi đến xứ người chỉ trông vào tương lai của bầy con nhỏ. Tương lai hay không nằm ở sự thành công của những tâm hồn măng dại của chúng khi có được may mắn trong vòng tay rộng mở của nước Mỹ bao dung. Chấp nhận tất cả, dù nghèo hay thua thiệt hơn người ta nhưng không bỏ bê con cái.

Rồi thời gian thử thách tiếp tục qua mau. Hết những năm dắt con đi học lớp nhỏ, vợ tôi tay bế tay xách...Tôi bao lần hồi hộp chở con đi thi, đi phỏng vấn. Tôi nhớ làm sao những lần chở con đi lên phi trường tiễn con đi học phương xa, trong lòng cầu nguyện cho các con chóng thành tài..tất cả là một chuỗi thời gian đợi mong, cầu nguyện, khuyến khích, và vỗ về bầy con. VỢ chồng tôi làm sao quên được những lần nóng ruột hay reo vui đợi những cánh thư chấp nhận từ các trường đại học .. .

RỒI THỜI GIAN DẦN QUA...MỘT VÙNG ĐẤT HỨA CÙNG NHỮNG ƯƠM MƠ ĐANG ĐƠM HOA KẾT TRÁI 
GIA ĐÌNH TÔI CÁM ƠN VÒNG TAY BAO DUNG RỘNG MỞ CỦA ĐẤT NƯỚC HOA KỲ ĐÃ TRAO CHO NHÀ TÔI NHIỀU CƠ HỘI...


2011 con trai đầu Đinh Duy Trung tốt nghiệp Thạc Sĩ Computer Science @ San Jose State University


 2015- con trai thứ ba Đinh Trọng Viễn Dương tốt nghiệp  Thạc Sĩ Computer Science tại Stanford University 


2016 con trai thứ- Đinh Trọng Trữ Khang và con dâu Kathryn Đinh ra trường TS Y Khoa @ Harvard Medical School 

2017 con gái Đinh Lâm Ân tốt nghiệp TS Nha Khoa @ Roseman Medical School


2022 Cả Nhà đều Vui Mừng tự Hào với ÚT  MIU ra trường Tối Ư u  / Summa Cum Laude tại U.C. San Diego do Covid không có dự lễ Commencement cho Út được
Chỉ còn Út thôi, nhưng út cố gắng rứa là ba mẹ vui sướng rồi còn chi hơn út à 

6.8. 2023 cả nhà tại tiệm Gà Nhà Ta khu Little Saigon San Jose  Ăn Mừng  Miu Miu Ra Trường cũng là ngày sinh nhật Miu 7.8.2023


...

Từng đứa con chúng tôi...cho đến hôm nay gần ba thập niên xa quê, hai vợ chồng tôi nay có thể "thở phào" nhẹ nhõm. Nhiệm vụ qua hai mươi tám năm chúng tôi thường  cầu mong cho con cái nên người nơi quê hương Mới. Những thành tựu của năm đứa con là kết quả hạnh phúc nhất cho hai vợ chồng. Dù gọi là Quê hương mới hay vùng đất tạm dung và dù tiếng nào chăng nữa, thực chất đây là một quê hương của lớp trẻ VN từng nhận được bao ân nghĩa, bao dung và hôm nay phải biết cách đáp đền ân nghĩa. Đáp đền đó chính là sự vươn lên và cống hiến và cũng là tâm nguyện sâu nhất trong lòng chúng tôi.

Có thể là hôm nay hay một ngày mai rất gần Vào những buổi chiều tà khi những vạt nắng vàng còn sót lại trên sườn núi xa chúng tôi cùng hòa nhập vào hững ông bà già chậm rãi bách bộ vừa đi họ vừa trầm mặc nhớ về quê cũ. Phương xa diệu vợi, ngày xưa đầy ắp kỷ niệm một thời thanh xuân. Những bóng hình, những dáng người trong quá khứ tình yêu quê hương nay còn vương đọng trong tâm hồn già cỗi.

Đó là những cụ già gốc Việt, những người cha người mẹ đã xong nhiệm vụ hàng ngày vẫn cố gắng rảo bước, bóng họ nghiêng nghiêng đổ theo ánh chiều. Họ vẫn gắng đếm bước với thời gian./.

San Jose 2/8/2023

ĐHL

Tuesday, August 1, 2023

NHỮNG NGƯỜI CHIẾN SĨ VÔ DANH

 

VIẾT VỀ ANH NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI


   LẠI MỘT THÁNG TƯ  đưa tôi trở lại với bao kỷ niệm và hình ảnh ngày xưa. Nhưng hôm nay tôi nhớ về các anh, những chiến sĩ bao năm ở lại cam chịu những hoàn cảnh sống éo le bên quê nhà. Tôi là một trong những người may mắn đã ra đi thật xa. Rồi tại xứ người những kẻ ra đi được bù đắp xứng đáng,  được nhiều cơ hội thăng tiến, nhất là được bảo vệ chở che. 

TÔI LÀM SAO SO ĐƯỢC VỚI CÁC ANH, NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI?

Tôi không có chút gì là can trường chịu đựng nào so với các anh. Chính các anh mới là những chiến sĩ già còn lại trên quê hương một ngày tháng Tư bao nỗi nhục nhằn. 

Hôm nay, non nửa thế kỷ đi qua, các anh vẫn sống, vẫn chịu đựng lê lết quảng đời còn lại trong bao đắng cay, bao thiệt thòi không hề than oán.




Các anh, những người còn lại mới chính là những anh hùng!

Cứ đến tháng Tư, dù tôi có khoác lại chiến y ngày cũ, dù huy chương lấp lánh, lon lá um sùm hay ngay cả cờ xí rợp trời nhưng tôi vẫn là kẻ núp bóng trong sự chở che của xứ người. Tôi vẫn luôn sống trong sáo ngữ, khẩu hiệu, ý chí rụt rè chẳng hề can đảm? 

Tôi tự hổ thẹn khi so với các anh! Có vinh quang chăng so với hình ảnh các anh- những mảnh đời lưu lạc nuốt lệ nhục vinh theo tháng ngày khắp nẻo quê hương hay nơi phố thị đông người? 

Hơn bốn thập niên qua rồi từ ngày "gảy súng",  các anh vẫn thách đố với đói khổ, nhọc nhằn hay đắng cay nhục nhã. Bao mảnh chiến y bạc màu, vá víu qua ngày tháng che chở thân anh  để lết lê dọc đường gió bụi. Từng đêm dài, các anh đếm lại vinh quang trong đau khổ hao gầy!?



Chúng TÔI những người đã ra đi, CHẲNG LÀ GÌ SO VỚI CÁC ANH




Thật vậy, những chiến sĩ già còn lại trên quê nhà, họ còn chút gì trãi lòng trước "chuyến đi cuối cùng".  Những người lính già lần lượt xuống tàu, trên ga vắng đìu hiu  vẫy tay chào tiễn biệt chuyến tàu thời gian vẫn miệt mài chạy về phía trước. Người thương binh- những chiến binh một thuở hào hùng vệ quốc; họ đã sống trọn vẹn  một thuở Can Qua.  Những buổi chiều tà, ánh xế cuộc đời các anh từng mong một lần bận lại đầy đủ  bộ quân phục ngày xưa.


một bộ rằn ri xuất hiện trong đám cưới tại Đức Linh Bình Thuận tháng 8/2018

Một màu xanh ô liu làm sống lại trong huyết quản héo úa cạn kiệt một niềm tin một sức sống một niềm tự hào đúng nghĩa và chân lý cuối cùng rằng:

CÁC ANH KHÔNG CÓ GÌ SAI VÀ ĐÃ CHỌN ĐÚNG CON ĐƯỜNG CÁC ANH ĐÃ CHỌN.

Các anh không còn gì để mất và không còn gì để sợ. Một màu áo trận lẻ loi trong một lễ hội trong những gì còn lại của quê hương sau bao năm tháng âm thầm; nhưng trong màu áo kia có một tâm hồn chẳng bao giờ 'cô đơn trong những tấm lòng những tâm tình hoà điệu. Đó là một ý nghĩa ân tình một an ủi cuối cùng cho những đời lính từng một thời hi sinh và cống hiến




Đúng thế từ bên này bờ Thái Bình Dương tôi viết lên đây niềm cảm phục sự quả cảm của các anh với sự chân thành tự đáy lòng rằng các anh thật can đảm. Trong Hang Hùm Miệng Sói các anh vẫn nói lên tiếng nói gói ghém bao lâu tận đáy lòng: các anh đã hi sinh và đã làm đúng những gì trong trách nhiệm người trai thời loạn. 

Bên phố đông người tại các thành phố lớn, nay thấp thoáng các màu áo chiến binh xưa. Các anh đã âm thầm đơm mầm hi vọng trong ánh mắt người dân. Các anh đã mặc khải chính  nghĩa năm xưa trả lời cho bao lời dối trá thoá mạ trước đây.

Các anh mong được khoác lại màu áo năm nào để làm sống lại những niềm tin, cùng nhau khơi lại lòng tự hào ngày đó. Bên đường quê hương, hay từ phương trời xứ lạ, càng lúc càng  có nhiều tấm lòng ngưỡng mộ giúp sưởi ấm những mảnh đời băng giá sau nhiều thập niên trầm mặc trong giá băng cùng nỗi niềm đơn côi do nhân thế hững hờ... 

Bên này bờ đại dương, tôi thán phục và ngưỡng mộ các anh. Tôi quý trọng những ý muốn sau cùng của những người chiến sĩ già nhưng  can trường, một thời son trẻ.

Các anh không có chút quyền lợi dù đã hi sinh. Các anh âm thầm chịu đựng buổi xế chiều rơi rớt lại của cuộc đời chiến sĩ. Chính các anh mới là những chàng trai thời loạn, non năm thập niên âm thầm chịu đựng khổ đau từ thể xác tới tinh thần. Đối với tôi, các anh thật sự là những anh hùng, dù sa cơ thất thế nhưng vẫn tràn trề tấm lòng vị tha, uy dũng./.



NHỚ THƯƠNG HAI TIẾNG "TẬP TÀNG"

 

nồi canh tập tàng của tôi gồm: rau dền, rau má, rau lang, rau sam, rau cải

Hai Tiếng "Tập Tàng" nghe sao xa lắc lơ. Nhất là vào thời đại bây giờ chắc mấy ai còn nhớ. Mà nhớ làm chi những mảnh vườn 'ốm o' những tâm tình 'gầy guộc' những miếng đất cỏn con đào lên bới xuống không biết mấy lần. Một ngày xưa tất cả gộp lại phải chăng đó là một bản "giao hưởng u buồn".  


Ra đi tôi mang theo quê hương của ngày tháng cũ. Bao hình ảnh phai dần theo trí nhớ đong đưa do tuổi già vội tới. Một quê hương xa vời, thật sự nó nằm sâu trong hoài niệm. Nếu có dịp ta về lại quê nhà chắc hẳn chẳng còn ai còn tìm được dấu xưa? 

Ngày đó có bóng mẹ già tần tảo sớm hôm. Có hình ảnh người cha, chiều chiều ngồi nhìn đời trôi qua khung cửa lá, người lặng ngắm bóng tà dương hiu hắt rơi bên xóm nhỏ vắng người.

*

BA MẠ TÔI VÀ CÁI VƯỜN XƯA



Sau mái tranh nghèo là mảnh vườn bạc màu của nhà chúng tôi hồi đó. Mấy cây xoài chẳng bao giờ thấy trái. Hàng năm những cây xoài là 'vùng đất' cho bầy rầy xanh bu kín phá hoại không ra nổi bông. Mấy cây ổi ốm yếu trồng từ hồi mẹ tôi buôn trái cây từ Mỹ Tho về đến Bình Tuy. Nhưng cũng nhờ mấy cây ổi đó mạ tôi cũng kiếm vài ba lon gạo. Còn ba tôi thì bán cho mấy đứa học trò vài đồng để dành mua thuốc lào.

Ba tôi kiếm đâu ra một cây mướp đắng loại trái nhỏ tí teo. Thứ mướp này thân nhỏ chẳng khác chi sợi chỉ, mọc vắt vẻo trên vài ba nhánh nè. Lạ thật? giống mướp này cành khẳng khiu như thế, chỉ vài ba trái loe ngoe, có to lắm cũng chỉ bằng ba ngón tay chụm lại.

 

Cây mướp đắng như thế, dĩ nhiên chẳng giúp gì cho mạ tôi cả. Đám rau đắng bên hông nhà mọc tốt, nó còn cho mạ tôi kiếm được ít tiền.


Ngày vợ chồng tôi về thăm quê hương, tháng 1 năm 2017, chỉ nghe mẹ tôi nằm trên giường ngâm nga, ậm ừ mãi về trái khổ qua. Phải chăng mạ tôi tuy mụ mẫm tuổi già nhưng vẫn nhớ ba tôi  và cây mướp đắng 'ốm o nay đã không còn...


Đói lòng ăn trái khổ qua 

Nuốt vô thì đắng, nhổ ra họ cười ...


Ba tôi đã đi xa về miền dĩ vãng hơn hai mươi mấy năm rồi. Tôi cứ mường tượng hình ảnh con chim sâu hay bay về láo liên, nhảy nhót trên nhánh khổ qua. Mấy trái đắng nhỏ bé, cong queo vẫn mãi đu đưa theo gió.


Mấy mươi năm về lại vườn xưa. Đám rau đắng còn mọc xanh tốt nhưng bóng Mạ không còn. Cái chợ quê  đã mấy thu qua, vẫn  nhớ bước chân mẹ già, hàng ngày tần tảo...


TÔI VẪN NHỚ VƯỜN XƯA, VẪN THƯƠNG HAI CHỮ TẬP TÀNG

Ai đó có hoài niệm, riêng tôi thì thương nhớ về hai chữ "tập tàng". Nói sao chăng nữa, đó là tình cảm gắn bó với nguồn sống chắt chiu nhưng đó là ân tình sâu đậm cho cả nhà tôi còn sống đến hôm nay

  "Chúng ta đi mang theo quê huơng", ở đây người viết mong bạn đọc nhìn cái vườn này, rồi các bạn sẽ thấy những loại rau bình thuờng nhất tại quê nhà đều có ở xứ người ta.


ĐHL trong khu vườn xứ Mỹ 


  Tại sao tôi nói vậy? Những thứ như rau lang, rau má, rau dền, rau cải, rau chanh, húng lủi ngay cả rau SAM vị chua chua bông vàng cũng có tại vườn người viết hôm nay.


  Tôi lại thích đặt tên cho cái vườn này là vườn rau "tập tàng "hay VƯỜN TẬP TÀNG ,  vì mỗi khi "nổi hứng " là tôi hai mỗi thứ mỗi ít vô "nấu canh chơi ". Vì sao mà "nấu canh chơi" vì khi bà xã tôi "nấu canh thiệt" thì tôi đây chỉ tới bàn ngồi ăn thôi. Còn lúc bà xã tôi bận, hay đi đâu thì "vắng chủ nhà , gà bươi bếp" thế là Hai Lúa tôi chạy ra vườn "trổ tài ". Vừa nấu canh tập tàng "ăn chơi " giải trí vừa có lúc ôn lại chuyện xưa cũng đõ buồn.



vườn tập tàng của tôi chẳng có gì xa lạ 



   Khác với "VƯỜN ĐỊA ĐÀNG" của các vị phú gia, người viết chỉ sở hữu được cái 'VƯỜN TẬP TÀNG' đơn sơ này thôi. Bình dị đời thường chừng nào càng hay, càng hợp ý người viết chừng đó. Những loại rau quá bình thuờng, thế mà khi chúng "cất cánh bay xa" mọc tại quê người sẽ cho tôi thứ cảm giác ra đi mà vẫn mang theo hình ảnh vườn xưa, rồi chính tay tôi đã nấu được nồi canh "tập tàng xứ Mỹ"./.

edition by ĐHL
1.8.2023

HỐ ĐEN CÓ THẬT CHĂNG? HỐ ĐEN LÀ GÌ?

 HỐ ĐEN LÀ GÌ? HỐ ĐEN HAY LỖ ĐEN theo định nghĩa của THIÊN VĂN HỌC là một vùng không gian có lực hấp dẫn quá lớn không có thứ vật chất nào h...