Sunday, April 23, 2023

ĐÃ ĐẾN LÚC LO SỢ TRÍ THÔNG MINH NHÂN TẠO HAY CHƯA

 

Generative AI Could Impact 300M Jobs, Goldman Sachs Predicts (CNET)


LỜI MỞ ĐẦU 

Khoảng đầu tháng Tư 2023 này chúng ta lại đọc một làn sóng hoảng loạn khác về Trí Thông Minh Nhân Tạo- AI. Tỷ phú Elon Musk và một số nhà nghiên cứu cao cấp khác vừa viết lá thư rộng mở yêu cầu thế giới “chậm lại” trong vòng 6 tháng trước khi tiến tới GPT4 (Generative Pre-trained Transformer 4).  Goldman Sachs, công ty về đầu tư chứng khoán đã công bố một báo động đỏ khi tuyên bố rằng 300 triệu việc làm sẽ bị AI tước đoạt. Ngoài ra có một nhóm các học giả tại tiểu bang Pennsylvania (PA) cho ra một cuốn sách trong đó cho hay  87% công việc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do AI. Song song với ồn ào đó, có các bài báo trên các tờ New York Times, Washington Post với các tạp chí khác cùng nhau vẽ nên bức tranh ảm đạm về nhiều cỗ máy AI hoạt động quay cuồng, hủy hoại hệ thống chính trị và cuối cùng chúng tự thăng tiến để biến thành “những cỗ máy biết tự lập kế hoạch” nắm quyền thống trị và phá vỡ thế giới.

Tất cả lời đồn trên truyền thông và nhờ tổng hợp truyền thông đã tạo nên một ấn tượng sâu sắc cho thế giới đến nổi một cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ có  9% con người  trung bình tin rằng AI sẽ làm nhiều điều tốt hơn là gây hại cho xã hội.



 * HIỆN NAY CÓ NHIỀU NGƯỜI ĐANG LO SỢ CÔNG VIỆC CỦA MÌNH SẼ BỊ AI TƯỚC MẤT, TƯƠNG LAI ĐEN TỐI CHO XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

Nhiều người đi làm cho các công ty lo lắng AI sẽ đến tiến chiếm công việc của họ. Con người hiện nay có thể vượt qua nỗi sợ hãi và tìm thấy điều khích lệ huy hoàng cuối cùng nào không?



Sáu năm qua cô Claire từng giữ chức vụ Giao Thiệp Công Chúng (Public Relation PR) tại một công ty tư vấn lớn có trụ sở tại Luân Đôn Anh Quốc. Người phụ nữ 34 tuổi này rất say mê công việc cùng kiếm được mức lương khá giả. Thế nhưng suốt thời gian sáu tháng qua, cô bắt đầu có cảm giác lo sợ về tương lai sự nghiệp của cô đang bị đe dọa.

 Lý do: đó là TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (Artificial Intelligence)

Claire tâm sự: “Tôi không dám nghĩ chất lượng công việc tôi đang tạo ra có thể ngang bằng với máy móc. Nhưng đồng thời, tôi ngạc nhiên do ChatGPT đã trở nên tinh vi hoàn thiện nhanh như thế..."

Trong những năm gần đây, các chủ đề bàn tán về việc robot giành giựt công việc con người ngày càng nhiều – và khi các công cụ điện toán như AI như ChatGPT nhanh chóng tiếp cận khiến cho không ít người lao động bắt đầu cảm thấy lo lắng về tương lai của mình. Câu hỏi nổi bật nhất trong tâm tư họ là liệu những kỹ năng họ sẽ còn phù hợp với thị trường lao động trong những năm tới hay không?

Vào tháng 3 vừa qua, Goldman Sachs- công ty đầu tư chứng khoán vừa công bố một báo cáo cho thấy Trí Thông Minh Nhân Tạo AI sẽ có khả năng thay thế một số lượng khổng lồ nhân công lên tới con số 300 triệu việc làm toàn thời gian (full Time Jobs). Năm ngoái 2022, cuộc khảo sát lực lượng lao động toàn cầu hàng năm của PwC một công ty dịch vụ chuyên môn cho thấy gần một phần ba số người được hỏi cho biết họ lo sợ viễn cảnh công việc của họ sẽ bị thay thế bởi công nghệ trong ba năm tới.

Alys Marshall 29 tuổi, một chuyên viên viết quảng cáo sống tại Bristol, Vương quốc Anh, cho hay, anh nghĩ rằng có rất nhiều người sáng tạo đang lo sợ. Họ hi vọng khách hàng của họ sẽ nhận ra giá trị con người của họ và chọn lựa tính xác thực của con người tạo ra hơn là sự tiện lợi từ công cụ AI.

Giờ đây, các nhà đào tạo nghề nghiệp cùng chuyên gia nhân dụng cho rằng mặc dù có một số lo lắng có thể hợp lý, nhưng nhân viên nên cần tập trung vào những gì trong tầm họ có thể kiểm soát. Thay vì hoảng loạn về lo sợ mất việc vào tay máy móc, thì họ nên đầu tư vào việc học cách làm quen hợp tác chung cùng với công nghệ tân tiến đó. Giới này khuyên rằng nên coi AI  là tài nguyên chứ không phải mối đe dọa. Có như thế họ sẽ biến mình trở nên có giá trị để được tiếp tục tuyển dụng – và nhất là xóa bớt đi cảm giác bất an lo lắng cho tương lai công việc của mình.

 

MỐI SỢ HÃI CHƯA HÌNH DUNG RA SAO



Đối với một số người, họ có cảm giác công cụ AI như thể chúng hoạt động rất nhanh và dữ dội. ChatGPT của OpenAI đã bùng nổ dường như chỉ sau một đêm và “cuộc chạy đua vũ trang AI” đang diễn ra mỗi ngày mỗi mạnh mẽ hơn, liên tục tạo ra sự không chắc chắn cho người lao động.

Nữ giảng viên Carolyn Montrose, huấn luyện nghề nghiệp cùng giáo sư tại trường Đại học Columbia, New York, thừa nhận tốc độ đổi mới và thay đổi công nghệ có  thể nói là rất đáng sợ. Nữ giáo sư này cho hay việc lo lắng về tác động của AI là điều bình thường do quá trình phát triển của AI quá linh hoạt và có nhiều yếu tố ứng dụng chưa hề biết trước.

Nhưng dù công nghệ mới có đáng sợ đến đâu, bà Carolyn khuyên người làm việc không nhất thiết phải sợ hãi về sự tồn vong công việc của mình. Mọi người ai cũng có quyền tự có mức độ lo ngại riêng cho mình. Họ có thể lo sợ AI hoặc có quyền đi tìm hiểu AI, sử dụng nó ra sao để làm lợi thế cho họ.

Scott Likens của công ty về Dịch Vụ Chuyên Môn PwC đã tìm hiểu các vấn đề liên quan đến niềm tin và công nghệ, đồng tình với bà Carolyn với ý tưởng khi ông cho rằng tiến bộ về công nghệ AI đã cho con người thấy rằng khả năng tự động hóa hoặc hợp lý hóa các quy trình làm việc để giúp cá nhân có được sự tiến bộ cùng với những tiến bộ của công nghệ. Giáo dục và đào tạo là chìa khóa giúp cho người làm việc tìm hiểu AI thay vì sợ hãi và trốn tránh AI để con người có thêm kỹ năng mới mẻ hơn.

Theo nữ giảng viên Montrose của Đại Học Columbia nói ở phần trên, thì trong quá trình tự động hóa từ sản xuất đến ứng dụng điện tử trong thương mại kể cả ngành bán lẻ, chúng ta đã có thời gian tìm cách thích nghi, như thế đến thời đại AI dù có sợ hay không AI vẫn xuất hiện mà thôi. Công nghệ là yếu tố then chốt cho tiến bộ xã hội do đó chúng ta phải duy trì tính tích cực nhìn về phía trước hơn là tháo lui. Bà cho rằng nếu con người cứ lo sợ thay vì hành động cải thiện kỹ năng cho mình thì điều đó sẽ hại chúng ta hơn là AI làm hại chúng ta.


DÙ SAO CON NGƯỜI VẪN CÒN CÁI GIÁ TRỊ ĐỘC ĐÁO CỦA MÌNH



Theo nhận xét hiện nay từ một số chuyên gia, dù họ nói sự lo sợ AI đang lấn mất công ăn việc làm con người là hợp lý, nhưng có lẽ chưa đến lúc chúng ta phải hoảng hốt đến như thế. Thời đại robot hóa, càng rộ lên nguồn tin robot cướp hết công việc con người chỉ là sự lo lắng bị thổi phồng lên thái quá mà thôi

Vào tháng 11 năm 2022 có một nghiên cứu của giáo sư xã hội học tên là Eric Dahlin tại Đại học Brigham Young Utah, Hoa Kỳ, cho thấy không những robot không thể thay thế chức năng của giới công nhân  theo tốc độ mà số đông con người suy tính, mà sự phát hoảng này đến là do con người còn nhận thức sai về tốc độ thay thế của các công cụ AI trong tự động hóa. Dữ liệu của vị giáo sư này cho chúng ta thấy khoảng 14% công nhân cho biết họ đã thấy công việc của mình bị robot thay thế. Nhưng kể cả số người  từng bị công nghệ thay đổi công việc cũng như những người không có xu hướng phóng đại– những ước tính của họ đều sai biệt lớn so với thực tế. GS Dahlin cho hay do chúng ta phóng đại quá mức khi nhận thức về việc robot tiếp quản. Đó là khi người chưa mất việc thì đánh giá gấp ĐÔI, người bị mất việc lại đánh giá gấp BA ‘sự lấn sân’ của AI vào công ăn việc làm của người đi làm.

Dù sao chăng nữa theo một số chuyên gia thực tế nhất hiện nay thì họ đồng ý rằng sự kết hợp giữa người và robot là điều đang cần thiết. Điều cốt lõi nhất có những công việc mà robot không thể thay thế con người do công việc đó đòi hỏi tính bẩm sinh đặc biệt của con người chúng ta nhất là sự xây dựng mối quan hệ, sáng tạo của trí tuệ và cảm xúc.

Cũng có một số nghiên cứu hiện nay họ rút ra một điều khá thú vị có liên quan đến tâm lý học đó là AI BẠN HAY THÙ ĐẾN TỪ TÂM LÝ CON NGƯỜI mà thôi.

THAY VÌ SỢ HÃI TRÍ THÔNG MINH NHÂN TẠO THÌ CON NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG LÀM CHO NÓ THÂN THIỆN, GẦN GŨI HƠN BỚT ĐÁNG SỢ HƠN ĐỂ NÓ GIÚP ÍCH VÀ TRỞ THÀNH TRỢ THỦ CHO CON NGƯỜI HƠN LÀ KẺ THÙ THỜI ĐẠI./.



ĐHL biên soạn

dựa theo nguồn

https://www.bbc.com/worklife/article/20230418-ai-anxiety-artificial-intelligence-replace-jobs

https://joshbersin.com/2023/04/why-is-the-world-afraid-of-ai-the-fears-are-unfounded-and-heres-why/#:~:text=People%20worry%20that%20AI%20systems,that%20neural%20networks%20have%20bias.



Friday, April 21, 2023

ĐƯA EM VỀ QUÊ HƯƠNG


Đưa em về quê hương đường khuya say giấc ngủ
Hàng cây xanh tóc rũ ven đường

(Nhạc Phạm thế Mỹ / Đưa Em Về Quê Hương Tiếng Hát Miên Đức Thắng)                        
     
                      ***

Khi con đường mới từ Quảng Trị vô Huế hoàn thành có một thời gian thật ngắn chúng tôi thường gọi là "Xa Lộ Đại Hàn". Cái tên "Đại Hàn" do ai đó có thấy có một đơn vị Đại Hàn thực hiện công trình làm con đường đó mà đặt. Cái tên đó không có ai công nhận hay văn bản nào nói thế nên sau này không ai gọi nữa và chẳng ai còn nhớ.  Đoạn đường mới làm xon, đầu tiên là con đường cho những chiếc honda mới toanh của "các cô, các cậu" từ thành phố QT chiều chiều 'vù' ra. vừa thử tốc độ xe lại vừa hóng mát...

Con đường đó tạm coi từ múi bên bờ nam Cầu Ga cho đến giáp Cầu Mỹ Chánh. Như thế độ dài của con đường mới có thể đến hai mươi cây số. 
Có ngờ đâu một vài năm sau, chính trên con đường lại trở thành một đoạn đường đau khổ? 

Một đoạn đường hay tiếng kêu đau thuơng mà ai là người QT không thể nào quên.

                                                            



BẾN XE NGUYỄN HOÀNG




   Chú tài xế vô số quẹo chiếc xe buýt Renault cũ kỹ, lọc cọc một đoạn ngắn qua cây xăng Shell liền ngừng lại.  Cây xăng ngó qua cổng trường Nguyễn Hoàng.

-Mi đem tiền vô mua thêm hai chục lít cho đầy mau Lép!

Thằng Lép, tên đứa "ét" xe, dạ xong, chạy lẹ vào trong.

Cứ sau mỗi lít xăng là cái chuông trong cái trụ xăng màu vàng chóe kêu cái "keng" nghe khá vui tai. Lạ thiệt, người mình đi đâu cũng không bỏ đi cái tính bồn chồn, vội vả, trong xe ai cũng nhấp nhỏm mong xe chạy mau cho rồi. 

          -Đợi tui với! đợi tui với!

   Một ông già đang đẩy chiếc xe đạp giàng, hối hả chạy lại. Cái dù đen của ông, bó gọn  đang móc tòn teng một bên cái 'ghi đông'.  Chiếc xe hàng đổ xong lít xăng cuối cùng.

   -Xe vô Diên Sanh khôn rứa chú?

Thằng Lép chỉ ngúc cái đầu thay vì trả lời Ông, miệng còn ngậm một đầu dây cột. Hắn đang bận đóng cái nắp bình xăng:

-ÔÔng 'đợ' (đỡ) cho con một chút?

Thằng lép giờ đã leo lên mui xe, hắn đứng hơi xoạc chân trên trần, khom hết người, cố kéo chiếc xe đạp giàng của ông già lên.  Cái bánh sau hơi đong đưa theo bàn tay gầy gò, đầy những đóm da đồi mồi của ông. Thằng Lép ét xe Quảng trị -Huế đã lâu nên đã quen tay, chỉ nửa phút hắn ngoáy sợi dây dừa lại thêm một vòng buộc chặt chiếc xe đạp. Ông già cố sức dùng tay kéo thân mình lên, một chân bỏ vào cái bàn đạp sau, đầu gối ông run run. Một anh học trò ngồi ghế sau vội đứng dậy nhường chỗ cho ông. Mắt ông sáng lên, nét mừng rỡ:
-Rứa cháu cũng vô Diên Sanh à?

Giọng ông khào khào, chòm râu bạc rung rinh theo tiếng nói.

-Dạ cháu vô nhà , tuần sau ra lại , cháu học bên trường Nguyễn Hoàng đó ôn!

  Vừa nói tay anh học trò chỉ qua chiếc cổng trường  phía tay trái.



Chiếc xe rồ máy chạy đi. Mới qua  số hai thì chiếc xe buýt đã quẹo trái vô đường Lê Huấn. Con đường này có cái tên mới  sau trận Hạ Lào. Quẹo hơi đổ dốc trước cổng  Sân Vận Động rồi xuôi về một đổi qua Lò gạch ngói Trương Kế thì tới Ngã Ba Long Hưng.



Lệ thuờng xe hàng nào cũng dừng ở đây " xin tài". Xin tài có nghĩa là lấy giấy qua trạm khám xét trước khi vô Huế. Vô địa giới Huế tức là Phò Trach có thể thêm một trạm nữa nhưng chuyện này không liên quan đến chuyện kể hôm nay.
 Tiếng khách lao xao nói chuyện trong chiếc xe chật cứng tuy ai cũng mong xe đi mau. Hai hàng ghế trước dành cho khách đi thẳng tới Huế. Dáng họ yên tâm, chẳng nôn nóng gì chuyện xuống xe. Có người đang nghiêng đầu thiu thiu ngủ.
--------------------

 tuổi thơ QT bên cầu Ga năm cũ 1969-đằng sau các em nhỏ là nguòi lính Mỹ từ trên xe đoàn công voa quân đội Mỹ đang dừng nghỉ đi xuống mua hàng mấy em nhỏ đang bán gồm kẹo cao su, và thuốc lá hay những thứ nào mà lính Mỹ thích

Cầu Ga song song Cầu Mới do công binh Mỹ xây khoảng 1970 cùng thời điểm với Xa Lộ Đại Hàn để giải quyết nạn chờ lâu tại Cầu Ga xưa chỉ 1 làn xe chạy nên phải đợi nhau.
1972 Cầu Mới bị cháy trong và cầu Ga xưa thì bị sập 

------------------------- 

xe traction Avant chạy suốt QT -Huế chở 11 người 

Hành khách ở băng ghế sau, họ sẽ xuống Cầu Dài, kẻ xuống  ngã ba về Diên Sanh ...lao xao nói chuyện. Đủ hạng người, từ cậu học trò vô nhà, Ông lão thăm làng , o đi buôn...những cái xách , những cái bao cát Mỹ đựng đầy đồ nhét dưới hai hàng ghế . Khách xuống giữa đường chịu khó níu tay đứng sát với nhau, mùi mồ hôi, mùi thuốc cẩm lệ , mùi mắm ruốc cá khô... đủ thứ bốc lên trong khí trời nóng nực.

Chú cảnh sát ra hiệu cho xe chạy. Tài xế liếc mắt nhìn bên phải đường sợ chiếc xe nhà binh Mỹ nào chạy vụt qua thì 'bỏ mạng'. Chiếc xe như run rẩy bò  lên mép đường bắt đầu leo vào con đường mới.

Thật đúng với cái tên Xa Lộ!

 Người  Quảng Trị nhất là những ai năng đi xe hàng, chú tài xế, thằng ét xe cho đến nguòi buôn thúng bán bưng, cậu học trò tạm trú ngoài tỉnh vào lại làng, ông lão thăm làng hôm nay ... đều ngầm biết ơn mấy ông lính công binh Đại Hàn năm trước.  Họ lầm lì làm việc chăm chỉ mới có cái xa lộ thênh thang đổ nhựa "láng o".

Chú tài lắc lắc cần số vô sô' bốn-số năm. Số cuối, chiếc xe nghe 'ngọt' vô cùng. Khác với mấy ông tài trong nam, vừa lái là 'vô' câu vọng cổ nghe 'rất mùi', người Quảng Trị như chú tài hôm nay, nét mặt lúc nào cũng đượm vẻ lo lắng, suy nghĩ. Dân mình cực khổ quá nên nét mặt người lớn ít ai thấy vui vẻ hồn nhiên chăng?  Mắt chăm chú nhìn hướng trước, chú năng sai bảo thằng Lép. Có khi chú la mắng, gắt gỏng hắn nghe thiệt tội nghiệp?




-Ê Lép ra quay xe mi!

  Đó là lệnh chú sai thằng Lép, hắn chạy lẹ ra trước xe. Xong, hắn  dùng cái tay quay bằng sắt , khom mình, nín thở quay cho chiếc xe nổ máy. Nhưng hắn cẩn thận, chiếc xe vừa nổ máy, hắn phải biết rút cái cần quay hình chữ Z ra ngay, nếu không,  nó sẽ 'đánh trả'  lại 'què' cả tay?

-Ê Lép đổ nước mi!

  Thằng Lép liền dạ và vội xách cái bình chạy mau xuống vạt ruộng vừa cấy múc nước chêm vào bình làm mát máy.

-Ơi  Lép và…ê Lép.. mau lên mi!?

Dáng hắn lom khom, nhanh nhảu cột hàng trên trần, lại trèo xuống. Bổn phận phụ tài (ét xe) nên hắn biết phải rất cẩn thận để bảo vệ cái mạng của mình. Vừa rồi, đồng nghiệp với hắn cũng nghề "ét xe" lại bị tai nạn rớt từ trên trần xuống đường, chết oan uổng. "Sinh nghề tử nghiệp" nhưng những đứa phụ tài như thằng Lép phần đông đều lanh lẹ nên khó lòng mà 'rủi' như bạn hắn. Hắn thương thằng bạn cùng làng nhưng không vì rứa mà sợ rồi phải bỏ nghề?
 Bỏ nghề lấy chi ăn? còn nuôi mạ giúp bọ dưới làng nữa? thằng Lép biết nghĩ như thế.


 Công việc của Lép là 'ÉT xe" mà 'ét xe" thì ít khi có dịp đứng trong thùng xe ngoại trừ lúc xe ế khách. 

Một tay níu một tay hắn đập thình thình vào thành xe để chú tài  nghe mà dừng cho khách xuống. Miệng hắn phải biết ra giá mỗi khi khách kỳ kèo:

    -Vô Diên Sanh 15 đồng có đi khôn?

    -Mười đồng thôi, răng mà "mắt" rứa?!

   -Thôi! mười hai đồng o khôôn(g) đi thì đợi xe sau mà đi! 

Xe chạy một chút chi là đến ngã ba hơi quẹo phải là tiếp tục xa Lộ Đại Hàn, chếch về bên trái là con đường Quốc Lộ cũ hướng vào Diên Sanh năm trước. Nay đoạn này trở thành hoang phế do không còn xe chạy. Nhánh đường  giờ trông 'teo tóp', cỏ hai bên đường tiếp tục lấn sâu vào. Những người ở Diên Sanh thì họ thương con đường cũ này. Họ nhớ đoạn qua Cầu Nhồng rồi Cồn Dê trước khi xe leo lên con dốc tới Quận trên một dốc đồi, xe hơi đổ dốc xuống xã Hải Thọ rồi đến Chợ Diên Sanh. Có con đường mới ít ai ghé chợ Diên Sanh nữa ngoại trừ người ở đây...
-------------------



    con đường rẽ vào làng trước mặt con đường quốc lộ 1 cũ đi vô Cầu Nhồng

Những mãng nhựa đường mỏng, lổ đổ những hố lỏm trồi trụt; giờ  để dân Long Hưng phơi lúa hay khoai khô mỗi lúc đến mùa.

----
Múi đầu đoạn đường mới này sẽ giã từ mấy vạt dương liễu xanh um hai thôn Đại Nại Long Hưng sẽ đi qua khoảng cát trống, đầy cây dứa dại, những mồ mả hoang vu. Bên phải lác đác những rú càn thưa thớt. Vài lùm cây phía phải con đường, nhìn lên hướng núi. Ít ai kêu xuống đoạn này; ngoại trừ ngã ba Diên Sanh , vùng đất mới mở, một khu dân cư mới . Nơi này chiếc xe hàng phải dừng cho cậu học trò và ông lão xuống. Họ phải đón xe lam về chợ Diên Sanh hay có tiền thì đi xe ôm. Mấy chú xe ôm đang ngồi chờ vài ba người khách lác đác. Mấy chú đợi mấy chiếc xe hàng dừng lại xem có ai không?



 thuơng về Quảng trị cái thời rau trái Gio Linh , Nam Đông cùng  những chiếc xe hàng Đông Hà -QT lộc cộc thô sơ--Đây là hình ảnh chiếc xe hàng Đông hà -QT mới rời đông hà khoảng cây số thì ghé bót kiểm soát bên phải đường. Chúng ta thấy hình ảnh một ông già đang gánh 'cái gì' đó bươn bả đi tới...đó là hai bó 'hom' sắn để về trồng chứ không phải củi 
-------------------

 Mỗi lần xe dừng, thằng Lép phải trông đằng sau , hối thúc xe xuống nhanh để chạy cho kịp. Cái luật bến xe Nguyễn Hoàng, luật của Nghiệp Đoàn là xe tài sau mà bắt kịp xe tài trước thì về bến Nguyễn Hoàng Huế sẽ bị ghi phạt. Đây là luật lệ nghiệp đoàn để tránh trình trạng xe đi trước , không chịu chạy, cứ sa đà, lo thu gom 'hết khách' xe sau- tức nhiên là 'cướp cơm' xekhác . Nghĩ kỹ, vừa công bằng, vừa bắt tài xế phải lái nhanh, kịp thì giờ, không trễ nải.


                        ***


Xa Lộ Mới kéo dài đến tận Mỹ Chánh.  Hơn hai mươi cây số, người dân Quảng trị một thời, có được cảm giác êm ái từ con đường nhựa đổ dày, rộng rãi. Hình ảnh những đoàn "công voa"(convoy)  quân đội chạy rầm rập, nối dài mấy cây số theo con đường độc đạo . Những vệt khói trắng dài như bất tận trên nền trời xanh, của những chiếc B52 . Một thời chiến tranh, những âm thanh,  hình ảnh như con tồn đọng vơ vẩn trong đầu người Quảng Trị.






  






Có những chiếc xe trong Huế ra, ngược chiều, chú tài đưa bàn tay ra làm dấu hiệu. Có thể giới tài xế ra dấu cho nhau tin tức đoạn đường phía trước ? Khách hai dãy ghế trước vẫn thiu thiu ngủ. Khách xuống nửa đường thì nơm nớp ngó ra canh chừng...

Tiếng bà chủ xe ở trong:

             -Ai xuống Mỹ chánh cho tiền xe nghe?

Khách sẽ trả tiền cho bà chủ xe những lúc gần đến. Lại một lần nữa, tiếng kỳ kèo trả giá, ì xèo. Khách đi cằn nhằn, than mắc!

Khách đi xe như cậu học trò ở trọ hay ông lão, hai người vừa xuống trước ở cái ngã ba vắng vẻ rẽ về Diên Sanh.  Những người buôn chuyến, có người xuống Diên Sanh nhưng còn một ít sẽ xuống Mỹ Chánh. Mấy chiếc gióng móc tạm sau xe, đang đong đưa. Vài cái 'đòn triêng' (đòn gánh) chuồi sâu dưới sàn xe, tha hồ cho những bàn chân giẫm đạp. Chỉ có khách ngồi hai băng ghế trước, họ vô tận bến xe Huế, yên lặng nhất. Người ngồi trước này đang 'ngủ gà ngủ gật', thỉnh thoảng mới hé nhìn ra cho biết. Bao nhiêu thứ 'ổ gà, ổ vịt' từng làm 'đau xe' hay 'đau lòng' tài xế đã biến mất nhờ hai mươi cây số của xa lộ mới toanh này.  Mọi người, từ chú tài, thằng ét đến hành khách trên xe, ai cũng thầm  cám ơn con đường mới.  Một cảm giác 'tận huởng'  trên đoạn đường chạy êm- niềm vui sướng hiếm hoi trên một   ĐOẠN ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG- Quảng Trị - Huế.

Trời nắng chang chang, chiếc Renault vẫn kiên trì 'rít' bánh trên mặt đường nhựa đen, bóng loáng. Luồng gió nóng, cát bốc cao đằng xa, trên vài trảng đất hoang vu, cằn cỗi.. Không khí lung linh trong mùa hè oi ả, đang thổi về những luồng 'gió lửa Hạ Lào".  Trên hai hàng ghế trước, khách đi suốt Quảng Trị -Huế, trong giấc ngủ chập chờn, họ mơ màng nghe tiếng lao xao của bến xe Huế:

-Mè xửng đây chú?!
-Anh ơi mua mè xửng khôn?!

Khách ngồi hai hàng ghế đầu chợt choàng tỉnh. Họ lật đật xuống xe. Ngót sáu mươi cây số, từ ngoài Quảng Trị vô, khách về Huế mơ màng nghe lao xao, bao tiếng nói của người Quảng Trị. Trong lộ trình thân quen, có một đoạn đường non hai mươi cây số giúp chiếc xe hàng chạy êm.  Sau giấc ngủ chập chờn, mệt mõi, khách còn vấn vương chút gì trong đầu: Giọng nói Quảng Trị cùng một  cảm giác nôn nao nào đó gom lại cho khách vô lại Huế một chuyến hành trình khác lạ.  Một chặng đường, tuy gần mà tưởng như xa, do khách vừa rời vùng "Hỏa Tuyến" để về lại chốn Cố Đô ./.



Đinh hoa Lư  
edition  19/6/2021 USA

Thursday, April 20, 2023

NỬA ĐÊM BIÊN GIỚI


TRƯỜNG SƠN -Quảng Trị 8/1974



     Không có người sĩ quan nào gần lính bằng người trung đội trưởng. Những thân phận cùng chung,  những chịu đựng cùng chung và cùng chung bao thiếu thốn từ quân số, quân nhu cho đến ngày cuối cùng giã từ đời lính ...

  nhớ về những người lính trung đội tôi đã nằm xuống 48 năm về trước 

ĐHL

***
Mẹ ơi, biên cương giờ đây
Trời không mưa nhưng nhiều mây
Nửa đêm nghe chim muông hú trong rừng hoang
Nghe gió rung cây đổ lá vàng
Sương xuống mênh mang ...(Anh Bằng)


    Mẹ ơi, biên cương giờ đây trời vắng quá. Con giờ đây đang ngồi dưới chiến hào. Con yên lặng nhìn bầu trời khuya vắng lặng, sương khuya ướt cả hai vai. Đêm đêm con nhìn những đóm sao khuya, ánh sao lấp lánh, từng là bạn. Có những khi con định huớng  phương nam xa vời nơi đó có gia đình mình đang nổi trôi vào và giờ không biết kiếm sống ra sao?

     Mẹ ơi, trời đêm miệt núi quê nhà sao lạnh lắm? Trong màn đen của đêm khuya nhưng thật ra là hồi hộp, căng thẳng. Từng phút giây qua đi trong canh khuya thanh vắng, con cố thức tỉnh, trấn áp cơn buồn ngủ trong người lắng nghe thật kỹ lưỡng từng tiếng động nhỏ trong đêm . Linh giác chực chờ hay phán đoán từng âm thanh rình rập đâu đó dưới chân chốt, trong lùm cây bụi rậm, những đe dọa lởn vởn đâu đây ? Mẹ ơi, có thể đó là những tiếng động của chiến tranh, của giành giựt,  cướp nhau từng mạng sống. Hàng đêm, chúng con trên chốt này là những người lính trận tiền đồn, mắt căng ra như muốn 'xé toang ' đêm đen dày đặc, rình rập, chết chóc.    

  Chúng con phải tính toán, gìn giữ từng vùng đất, lùm cây hay đỉnh đồi hoa lá. Trời khuya rồi, chúng con phải đổi gác cho nhau, chia sẻ nhau từng phút giây được ngủ, được quên đi những tháng ngày quạnh hiu trên Trường sơn biên giới mẹ ạ. Thỉnh thoảng con cố lắng nghe vài tiếng con tắc kè gõ nhịp trong những hóc cây hay đôi ba tiếng con mang nào đó rời rạc kêu lên trong đêm trường. Rồi nữa, con còn nghe tiếng chim  từ quy kêu mãi đêm trường.  Tiếng chim nghe "Bóp Bì Bóp" lạ làm sao?  Trong đêm dài tiếng chim kêu mãi cho đến khi ánh dương hé dạng mới thôi Ánh dương lên là điều con thường chờ đợi. Những người lính sẽ thở phào do  bớt được phần nào căng thẳng trong một đêm dài. Mặt trời lên cao, sẽ tỏa sáng khắp những đỉnh núi hiu quạnh, chơ vơ cùng trời mây im vắng. Quanh chúng con những đồi tranh kéo dài bất tận, những con suối dưới chân đồi im lìm, quanh co uốn lượn về tận vùng thấp dưới xa.

                        ĐÊM TRƯỜNG SƠN

 Đêm nay kỷ niệm chập chùng xa vời đang sống lại trong tim con, trong màn đêm biên giới. Giờ đây sau lưng con, khoảng xa vời kia giờ chỉ là một thành phố đổ nát hoang tàn còn ba mẹ và mấy em thì đang ở tận phương xa, đường dài hun hút. Con không biết giờ này trong nhà có ai đang nhớ đến con không? riêng con, đêm nay ngồi đây con nhớ nhà lắm mẹ ạ. Nhưng nhà còn đâu nữa để nhớ! ngày tháng ly hương bà con lôi xóm mỗi người mỗi ngả. Thế là từ ngày đó, người dân Quảng trị trở thành  biệt xứ.

   Xếp áo thư sinh bao nhiêu mộng ước con đành bỏ lại. Ôi Quảng trị, thành phố thân yêu ngày hai buổi đến trường. Bạn, thầy yêu dấu giờ chẳng còn ai trong những ngày ly loạn, Con quên sao được từng khuôn mặt thất thần, hốt hoảng của người dân mình ngày phải bỏ xứ mà đi, tứ tán khắp nơi!

  Mẹ ơi, mấy tuần nay trên vùng biên giới này con vẫn sốt trong người nhưng  con chưa về được.  Tóc con rụng nhiều. Mẹ ơi !  lúc này con biết đã mang chứng sốt rét trong người.  Người con gầy rọc đi, nhưng con chưa về được mẹ ơi ! chứng sốt vẫn hoành hành trong đơn vị.  Mà về đâu hởi mẹ? trong nam cả nhà mình đang trôi nổi lưu linh. Mẹ ơi, con từng gắng nấu sôi nước khe pha miếng sữa lấy sức trong người nhưng con vẫn luôn có cảm giác buồn nôn, trong mình lúc nào cũng hâm hẩm sốt!
 

   Đêm nay, từng phút giây con cố căng mắt nhìn vào màn đêm sâu thẳm phía trước.  Có tiếng côn trùng nào nỉ non rền rỉ, điệu nhạc buồn giữa chốn rừng khuya. Mẹ ơi, ngày kia con đã  phơi khô một đống cây rừng, rễ giống nhân sâm phơi khô để dành trên chốt tự bảo rằng cây 'thuốc bổ' (2)


             hình  bắc quân đang chiếm đỉnh Động Ô  Do đầu năm 1972

 
    Mẹ ơi! chúng con nơi này sống bên nhau, khổ bên nhau,  không than vản không phiền hà ai,  cuộc sống đơn giản đến mức cùng của đơn giản.  Chúng con từng sẻ chia nhau từng miếng ăn, từng điếu thuốc. Lam sơn chướng khí,  da mặt chúng con tuy đã đổi màu nhưng tình 
huynh đệ luôn nồng thắm. Mẹ ơi! nhìn anh em còn lại, nhớ những khi hẩm hút bên nhau  chan chứa tình  đồng  đội. Lính xa nhà , xa quê,  thì làm sao con chia tay mà về lại phía sau cho được?   Tình mẹ ngóng tin con ngày tháng phương xa con rất hiểu, nhưng nợ nước phận trai giờ đây giữa chốn biên thùy nên xin mẹ con chưa về được mẹ ơi./.


đinh hoa lư



(*)Lính sốt rét nhiều về bệnh xá diên sanh, thiếu lính nên phải gác 2 lần một đêm do thiếu quân số, tất cả trung đội trưởng trở xuống đều phải gác một đêm 2 lần, thiếu ngủ trầm trọng


              chim Từ Quy  
(1) Tiếng chim từ quy : thời gian này chính tai của dhl khi đứng canh ban đêm nghe tiếng chim từ quy gọi nhau rừng , nó kêu như vầy...bóp , bóp , bóp bì bóp , rồi lập lại như vậy mãi từ chập tối cho đến khi trời rạng là ngưng. Chim này sống từng cặp, kêu cho đến khi gặp nhau là trời sáng

(2) một giống cây có rể giống từng củ cà rốt,  chúng tôi gọi là 'SÂM RỪNG' , đem rễ cắt nhỏ phơi khô và nấu uống

MỘT KHOẢNG TRỜI XANH CHO TÔI NGỒI NHỚ THÁNG TƯ





   Lặng  ngồi vườn sau, tôi chăm chú cố tình ngước nhìn lên bầu trời xanh cao chợt thấy tâm hồn lâng lâng thật lạ?


Vẫn biết đây là bầu trời xứ Mỹ, nhưng nếu tôi không nói thì khó ai biết được? Trời là trời, nơi nào mà chẳng giống nhau. Tôi cứ thả hồn bay bỗng, cứ cho trên kia là bầu trời quê hương. Ngẩng đầu lên để ngắm một màu thanh thiên bất tử.  Trong khoảnh khắc, tôi đưa trí tưởng tượng về phương trời xa xưa nào đó...


MỘT KHOẢNG TRỜI XANH TRÊN CAO 


Ngày đó khi hạ về, có những ngày trời trong xanh, không một dáng mây. Mấy mươi năm sau, nửa đời người sau bầu trời này chẳng gì khác biệt. Hay trời hôm nay không một cánh chim hay một cụm mây la đà bay về tận chân trời góc biển nào đó.


Bầu trời trong xanh là cả một không gian vô tận, không còn biên giới cho tầm mắt. Từ ngày  bé dại cho đến khi tuổi xế chiều hay  mãi mãi sau này tôi tin nó là màu xanh bất diệt. Nắng tháng Tư về, dưới khoảng trời trong vắt, tôi tưởng tượng như có phép mầu thu mọi sự kiện từ khoảng cách tới thời gian về một điểm chung không còn ranh giới giữa xa-gần, xưa-nay, già-trẻ. Bầu trời xanh bất tận kia  bao hàm sự tự do tuyệt đối. Làn sóng phóng đãng của tư duy cùng trí tưởng tượng sẽ thắng được mọi cánh chim trời. Do loài chim dù tự do bay nhưng vẫn có ngày rã cánh. Đám mây trời nào mà tránh được tan loãng sau một hành trình la đà thênh thang?


Trí tưởng tượng của tôi chợt lan man, đầu tiên có một đoạn của bài thơ CHIỀU của thi sĩ Hồ Dzếnh:


Trên đường về nhớ đầy

Chiều chậm đưa chân ngày

Tiếng buồn vang trong mây

Chim rừng quên cất cánh

Gió say tình ngây ngây...


Tôi nhớ lõm bõm chỉ ngần ấy thôi trong bài CHIỀU của người thi sĩ. Chỉ vài câu nhưng lại có những cái đích của sự vật như con đường, cánh rừng, hay cánh chim và đám mây để người thi sĩ năm xưa đặt nỗi nhớ vào đó. Đúng thật, những sự vật gần gũi cho ta đặt niềm nhớ nhưng vào đó thật dễ dàng và rất nhạy cảm cho những tâm hồn hữu tình cùng thi vị. Ngày xưa người thi sĩ đã buồn nhờ vào một cảnh chiều trước mắt người lãng tử và bước chân phiêu du. Có thể cảnh chiều buồn đã giục chân viễn khách bước nhanh trên đường về cố quận.  Riêng mình tôi hôm nay chỉ được cái tự do là ngắm lên một bầu trời xanh để cố tìm, lục lọi trong quá khứ xa xưa có những khoảng trời xanh bao la bất tận của ngày xưa? Một ngày xưa tôi chỉ có vài lúc ở chốn núi rừng làm bạn với chim muông cây cỏ và có một bầu trời trong xanh những lúc trời quang mây tạnh.  Chỉ có cái khác với bài thơ  CHIỀU do hiện tại có nhiều lớp người cùng hoàn cảnh giống tôi, đường về cố quận chắc sẽ gập ghềnh vách núi, nói trắng ra là không còn nữa.


*

Qua đám lá mới thay mang màu huyết dụ, đỏ bầm của cây plum, một khoảng trời cao cho tôi ngồi đây để có vài ấn tượng hay suy nghĩ bâng quơ. Nếu trong khoảng trời xanh hôm nay, có đám mây nào đó đang thênh thang bay,  tôi có thể định nghĩa cho một tự do nào đó.


Bầu trời hôm nay rất quen, quen từ thuở nào ... có thể là thời lính chiến khi nhiều lứa trai như tôi cùng khoác màu áo trận. Lúc đó nói đúng ra là đúng nửa thế kỷ trước chúng tôi những người lính hay nghêu ngao hát.

 chỉ có đất là lạ, là điểm cho tôi biết sự khác nhau về nơi chốn xa và gần, quê mình và quê người. Tôi nhớ lời bài hát năm xưa- thời thanh niên, đúng ra là đời lính chiến...


Tôi ở miền xa,
Trời quen đất lạ
Nhiều đông lắm hạ,
Nối tiếp đi qua
Thiếu bóng đàn bà, ..(KẺ Ở MIỀN XA/ TRÚC PHƯƠNG)




Ngày đó, chuyện xa...dù sao cũng là tương đối. "Trời Quen Đất Lạ" cũng tương đối. Đó là khoảng cách giữa Tiền tuyến-Hậu Phương. Chỉ xa nhau ngần ấy thôi trong vài mươi cây số nhưng người lính chiến đã cảm nhận quay quắt sự trống vắng, thèm khát cùng nỗi nhớ ngất ngây và ước ao cháy bỏng...

Xin đối diện một lần bên tôi
Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi
Đến với tôi, hãy đến với tôi
Đừng yêu lính bằng lời


 
 Đúng năm mươi năm qua kể từ ngày ra đơn vị, lại một lần nữa tôi có cơ hội ngước nhìn lên bầu trời cao và trong xanh và kỷ niệm một thời trai trẻ hiện về. Tuổi già ập đến nhưng tôi còn mừng do tâm trí giúp tôi biết sự khác nhau về nơi chốn, xa và gần, quê mình và quê người.  Bao "Kẻ Ở Miền Xa" trong một bài hát hay tâm sự cho bao lứa thanh niên, đúng ra là đời lính chiến thường nghe cùng lẩm nhẩm đến thuộc lòng. Bài hát đó hay thân phận làm trai, ra đi, chiến đấu, cuối cùng ngày chịu đựng một thiệt thòi thua cuộc cùng số phận  đất nước tang thương. 

Rồi nửa đời người qua nhanh. Bạn và tôi cùng bao biến đổi cuộc đời, xao xác cảnh biển dâu như sóng ba đào ập vào ghềnh đá rồi biển cũng lặng sóng êm, nhưng thời gian của năm thập niên, nửa cuộc đời, phù du như giấc ngủ ban trưa. Tôi lại nghĩ phải tự an ủi cho mình do tôi còn diễm phúc ngồi đây để ngắm một bầu trời thật xanh, quảng khoát và thật sự tự do. Trên cao kia là một sắc màu tuyệt đối nhưng chẳng có gì, sự vô vi mà giải thích của con người chẳng còn ý nghĩa.  Có thể đó là sự vô tận của vũ trụ, một thứ mà thời gian chẳng là gì cả. Một bầu trời xanh không là quá khứ và chẳng là tương lai, nơi sinh diệt, hơn thua, thắng bại, sướng khổ, nhục vinh ...tuyệt  đối chẳng có ý nghĩa nào.  Một vũ trụ đi mãi đến vô cùng, nơi tư duy của  con người nhỏ bé như tôi hôm nay vĩnh viễn chẳng bao giờ với được ./.

 

ĐHL

 NHỚ VỀ MỘT THÁNG TƯ

edition 20.4.2023

 

 

 

HỐ ĐEN CÓ THẬT CHĂNG? HỐ ĐEN LÀ GÌ?

 HỐ ĐEN LÀ GÌ? HỐ ĐEN HAY LỖ ĐEN theo định nghĩa của THIÊN VĂN HỌC là một vùng không gian có lực hấp dẫn quá lớn không có thứ vật chất nào h...