Tuesday, October 18, 2022

TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ THẾ GIỚI -XẤU và TỐT



Chào bạn đọc

Nếu chúng ta cùng hồi tưởng lại không gian và hoàn cảnh trong thời CHIẾN TRANH LẠNH  (Cold War) thì hình ảnh những đại công ty các nước Tư Bản ồ ạt làm ăn tại các nước theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa hay các nước trong Khối Thứ Ba là những hình ảnh ‘lạ lùng không thể tin được’ vào thời đó. Một thời gian Tư Bản và Cộng Sản xem nhau như  “nước và lửa”, thù địch, đối kháng cùng chiến tranh một mất một còn. Thế mà những điều ta không thể tin nay đã thành sự thật. Tư bản đã bắt tay với CS mà những chuyến công du ‘con thoi’ của Henry Kissinger cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ vào đầu năm 1971 tới Bắc Kinh là dấu hiệu cho một cuộc cách mạng về kinh tế chính trị hoàn cầu.

                 Henry Kissinger và Chu ân Lai năm 1971 

 Một sự thật rất đắng cay cho những con người từng phục vụ và bảo vệ VNCH, một mảnh đất thân yêu từng ươm mầm tự do dân chủ và chế độ Cộng Hòa nhưng đã bị bức tử trong sự thay đổi thời thế và hoạch định từ bàn cờ chính trị quốc tế.  Bàn cờ chính trị kinh tế thế giới đã lật qua một trang mới đó là TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ THẾ GIỚI còn gọi tắt là TOÀN CẦU HÓA. Đáng thương cho VNCH là một nước nạn nhân cho Toàn Cầu Hóa này do hoàn cảnh đặc biệt về cuộc chiến QUốc Cộng mà bước rút lui của quân đội Hoa Kỳ về nước được đánh đổi bằng cái chết của VNCH và mở màn cho Toàn Cầu Hóa mà sự vững mạnh của nền kinh tế thứ hai thế giới của Trung Hoa là thí dụ điển hình nhất.

Sự thật của TOÀN CẦU HÓA kinh tế thế giới đã cho ta thấy rất nhiều nhà TỶ PHÚ ĐỎ mọc lên từ vùng đất CS như Trung Cộng và Việt Nam hiện tại. Một sự thật không chối bỏ đó là cuộc sống sung túc hơn, đầy đủ hơn, thay đổi màu da sắc áo từ những nước có thu nhập đầu người thấp nhất thế giới như VN và ngay cả Trung Hoa và giờ đây lợi tức đầu người đang lên cao một cách nhanh chóng.

Nhưng dù sao trong sự thay đổi tích cực của Toàn Cầu Hóa vẫn có những nhược điểm của nó. Các chính trị  gia thế giới, các kinh tế gia, các nhà xã hội học, các nhà đấu tranh cho công bằng xã hội họ vẫn có người bênh, kẻ chống.




CÁCH NHÌN TỔNG THỂ VỀ TOÀN CẦU HÓA

Thế giới của chúng ta đang trở thành gần gũi hơn. Phương tiện dồi dào. Sự giao lưu du lịch càng lúc càng tăng bắt nguồn từ lợi tức kinh tế cá nhân khấm khá hơn từ lúc có Toàn Cầu Hóa. Cuộc thương mãi điện tử và điện toán càng làm còn người tiếp cận và làm ăn càng lúc càng nhanh, tầm mức càng ngày càng lớn hơn. Một ví dụ rất rõ ràng Hoa Kỳ càng ngày càng nhập hàng của VN càng nhiều lên hàng trăm tỷ đô la. Còn Bắc Kinh có mức độ thặng dư mậu dịch với nội địa Hoa Kỳ trên cả ba ngàn tỷ USD...


Ưu điểm của Toàn cầu hóa là gì?


1. TỰ DO THƯƠNG MẠI

Toàn cầu hóa xóa bỏ biên giới từ rào cản thuế quan cùng cấm đoán sự trợ giá hay bảo hộ giá của nhà nước. Không có biên giới thuế, người tiêu dùng có thể mua các mặt hàng từ mọi nơi trên thế giới với giá rẻ hơn. Từ năm 2008 tới 2015 các nước trong khối G20 (20 cường quốc kỹ nghệ) đã xóa đi 1200 rào cản để tự do hóa thương mại và được thực thi đầy đủ và được khuyến khích thêm. Không có thuế nhập khẩu các mặt hàng các nước đối tác được khuyến khích tiêu dùng do giá rẻ hơn so với thuế nhập như trong thời ‘bảo hộ mậu dịch’.

 

2. THƯƠNG MẠI ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH DO TIÊU THỤ GIA TĂNG SẼ GIA TĂNG VIỆC LÀM

Khi có ít rào cản thuế quan người tiêu dùng nói chung sẽ mua nhiều thứ hơn do giá hạ. Điều này tạo ra nền tảng mà các doanh nghiệp các nước sản xuất ra mặt hàng đó sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Toàn cầu hóa với thương mại tự do cũng làm tăng cạnh tranh, có nghĩa các nơi sản xuất mặt hàng phải làm sao có mặt hàng tốt và rẻ để gia tăng tiêu thụ.  Hiện nay tại VN việc làm càng lúc càng cần nhân công; lương hướng càng lúc càng tăng. Đầu tư ngoại quốc đổ vào ào ạt. VN nhập cảng vào Mỹ và Mỹ cũng xuất hàng qua VN là bước tiếp nối của Toàn Cầu Hóa khi nền kinh tế Trung Hoa đã quá nóng.


3. TOÀN CẦU HÓA SẼ LOẠI BỎ ĐƯỢC THAO TÚNG TIỀN TỆ

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa các quốc gia không có quyền thao túng tiền tệ để làm lợi cho mặt hàng của mình. Có nghĩa trong buôn bán qua lại không nước nào có quyền làm cho đồng bạc mình rẻ hơn nhập hàng nhiều hơn vào nước khác và để nước khác phải chịu thiệt hại do hàng của họ nhập vào nước đó bị đắt đỏ hơn. WTO (Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới)  cũng là một nhà trọng tài cho các vụ khiếu nại này. Với toàn cầu hóa, các quốc gia không còn nhu cầu thao túng tiền tệ của họ để đạt được lợi thế về giá, do đó, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi từ kết quả trên do mua với giá đúng của nó nhập vào.


4. BIÊN GIỚI MỞ RỘNG trong Toàn Cầu Hóa các nước nghèo khổ thu nhập thấp sẽ có cơ hội thăng tiến khá giả hơn.

Rõ ràng hiện nay đời sống của các nước trước đây nghèo khổ hiện nay bộ mặt đã thay đổi hoàn toàn trong chính sách giao lưu kinh tế trong Toàn Cầu Hóa. Các quốc gia nghèo trước đây như Trung Hoa, VN và nhiều nước khác đều trong danh sách các nước Đang Phát Triển (developing countries)

 

5-  SỰ GIAO THOA THẾ GIỚI PHONG PHÚ ĐA DẠNG HƠN

Khi các biên giới giao thương được xóa bỏ, mọi người có khả năng giao tiếp với nhau một cách tự do hơn. Từ đó gián tiếp tạo ra nhiều sự giao thoa giữa các nền văn hóa, cho phép mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới. Khi người dân tiếp cận với nhiều thông tin hơn, họ sẽ có khả năng đưa ra quyết định tốt hơn.  Chúng ta sẽ có nhiều hiểu biết nhiều về người nước ngoài, tất cả quan niệm sẽ cởi mở bao dung hơn ngày xưa.  

7.   SỰ BỐC LỘT LAO ĐỘNG SẼ KHÓ XẢY RA TRONG TOÀN CẦU HÓA

Một trong những cách mà hàng hóa được sản xuất với giá rẻ trên thế giới ngày nay là do sự bóc lột sức lao động mà có. Điển hình là Trung Cộng đang bốc lột sức lao động của tù nhân nhất là người Duy Ngô Nhĩ đang bị thế giới lên án. Chính quyền Hoa Kỳ cũng hạn chế nhập các loại hàng do Trung Cộng bốc lột tù nhân. Sự kiện này do Toàn Cầu Hóa cấm chỉ bốc lột lao động trẻ em, lao động tù nhân và buôn người.


 

Ý TƯỞNG CHỐNG TOÀN CẦU HÓA (nhược điểm)


1. CÔNG ĂN VIỆC LÀM BỊ CHUYỂN TỚI CÁC NƯỚC CÓ CHI PHÍ SẢN XUẤT RẺ HƠN

Toàn cầu hóa tạo ra nhiều công việc làm; nhưng chúng có xu hướng được tạo ra nhiều ở những nơi có chi phí lao động rẻ nhất. Ngay cả trong một nước,  chi phí kinh doanh ở một số khu vực hay tiểu bang, quận hạt… rẻ hơn các khu vực khác sẽ hấp thụ các doanh nghiệp tới làm ăn hơn. Ví dụ hàng triệu công việc tại Mỹ bị mất đi do hãng đầu tư tại Trung Hoa trong mấy thập niên qua


2 .  TOÀN CẦU HÓA TẠO RA VĂN HÓA LO ÂU

Bạn đọc có thể thắc mắc với ý tưởng này. Thực sự, chủ công ty doanh nghiệp có thể dùng ý tưởng  “dời công ty” sang các nước có công lao động rẻ hơn để dọa dẩm kỹ sư hay công nhân trong nước họ. Mặc dù, họ sẽ không di chuyển. Từ đó không có ai dám đòi hỏi tăng lương hay các quyền lợi khác do sợ bị mất việc. Có khi do tình trạng đóng cửa của các công ty, lương bị cắt giảm liên tục nhưng các hãng phải đóng cửa ra đi…ví dụ qua mở tại Trung Cộng hay các nước Á Châu để duy trì lợi tức hay duy trì khả năng cạnh tranh.


3. Nó tạo ra một hệ thống chính trị nơi những người lớn nhất và giàu nhất có ảnh hưởng.

Rõ ràng các tập đoàn đa quốc hiện nay bao gồm các công ty lớn những giới vận động hành lang và các ông chủ lớn đã tham gia vào chính trị để có những quy định và luật pháp thuận lợi cho việc làm ăn của họ. Ngay trong nội tình các nước đang phát triển các tỷ phú và tập đoàn thi nhau xuất hiện. Các đại gia đỏ từng bước khuynh loát chính phủ do họ có nhiều tiền nhất.



4- CÁC KHU VỰC GIÀU CÓ LUÔN TIÊU THỤ NHIỀU TÀI NGUYÊN ĐỊA CẦU NHẤT VÀ GIA TĂNG NHANH MỨC ĐỘ Ô NHIỄM ĐỊA CẦU 



Không chỉ những tập đoàn đa quốc lớn nhất và những đại tỷ phú thế giới mới hưởng lợi từ toàn cầu hóa. Các khu vực giàu có trên thế giới luôn tiêu thụ tài nguyên địa cầu nhiều nhất. Họ dùng chiêu bài rằng sản xuất cho phần còn lại của thế giới. Theo Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc các nước thuộc G20 tiêu thụ hết 86% tài nguyên địa cầu trong lúc 80% nước nghèo còn lại chỉ còn tiêu thụ 14% tài nguyên còn lại của địa cầu này mà thôi.

Phát triển kinh tế thế giới đang làm gia tăng tình trạng Hâm Nóng Địa Cầu là mối đe dọa thảm họa trong tương lai cho thế giới.


5- TOÀN CẦU HÓA GIÁN TIẾP ĐƯA DỊCH BỆNH LAN TRUYỀN NHANH HƠN

Đại dịch COVID-19 là thí dụ điển hình. Biên giới mở và kinh doanh trong toàn cầu hóa đưa dịch bệnh lan nhanh chưa đầy 14 ngày. Dịch bệnh có thể tới bất cứ vùng xa xôi hẻo lánh nào trong thời đại toàn cầu hóa.

 

6. Các chương trình xã hội hoạt động như mạng lưới an sinh xã hội có thể bị loại bỏ.

Toàn cầu Hóa can thiệp vào chính sách các nước nghèo qua chương trình cho vay từ World Bank hay Quỹ Tiền Tệ Thế Giới tới các nước nghèo này. Nhưng các quốc gia này lại không được dùng tiền này đài thọ cho chương trình an sinh xã hội của họ đối với số đông nghèo khổ. Nhiều quốc gia trước đây từng cung cấp cho những người nghèo nhất của họ một mạng lưới an toàn để tồn tại. Điều này bao gồm phiếu thực phẩm, cung cấp nhà ở và các lợi ích khác có thể biến mất trong một thế giới đã toàn cầu hóa. Khi gia nhập vào toàn cầu hóa WTO là một điển hình. Một quốc gia nếu sống biệt lập, đơn lẻ thường có thể tự lo cho dân qua hệ thống thuế, phúc lợi xã hội và chăm sóc sức khỏe


7. SỰ BIẾN MẤT DANH TÍNH CỦA DÂN TỘC VÀ VĂN HÓA ĐẤT NƯỚC BỊ XÂM THỰC VÀ BIẾN MẤT DẦN HỒI

không ai nhận ra đây là thiếu nữ Việt?
ảnh hưởng như vũ bão của văn hóa Hàn Quốc tới tuổi trẻ Việt Nam 


Giao thoa kinh tế và xã hội cũng như văn hóa lai căng sẽ dần hồi đánh mất bản sắc dân tộc và ngay cả danh tính của dân tộc trong nền kinh tế thị trường. Sự tiếp nhận ào ạt các nguồn đầu tư cũng như nhập nội các thứ hàng hóa cũng như trao đổi kinh tế và văn hóa mở rộng trong toàn cầu hóa sẽ dần hồi đưa tới tình trạng không có quốc gia nào giữ được hoàn toàn đặc trưng văn hóa dân tộc riêng lẽ nữa. Lấy ví dụ VN hiện nay du nhập quá nhiều phim ảnh và văn hóa nước ngoài. Giới trẻ hiện tại đang sống trong tình trạng chạy theo mốt ngoại từ Đài sang Hàn và qua kiểu Mỹ dần hồi trong xã hội dần dà mất dần bản sắc dân tộc theo thời gian lâu dài sau này.


 8- CÁC NƯỚC NHƯỢC TIỂU VẪN LÀ NẠN NHÂN CỦA TOÀN CẦU HÓA HƠN LÀ SỰ BÌNH ĐẲNG 

Trong nền kinh tế Thị Trường và Toàn Cầu Hóa nhưng đòn độc của Trung Cộng ngày giáp tết Nhâm Dần: hàng ngàn xe tải chở nông phẩm VN bị chận tại cửa khẩu Việt-Trung với lý do Covid-19


Thí dụ rõ ràng nhất là sự thông thương buôn bán giữa Trung Hoa và VN. Việt Nam luôn là nạn nhân của sự chèn ép bất công giữa thông thương buôn bán giữa cửa khẩu Trung -Việt. Trung CỘng luôn ỷ vào nước lớn làm tổn hại hàng năm đối với hàng hóa nông phẩm VN khiến nông dân VN điêu đứng quá nhiều lần nhưng chẳng có ai can thiệp? Hoa Kỳ luôn  bảo vệ giới nuôi cá da trơn trong nước họ và đánh thuế vào hàng cá da trơn của VN. 


9- TOÀN CẦU HÓA CÀNG GIA TĂNG THỂ CHẾ ĐỘC TÀI TOÀN TRỊ TRÊN THẾ GIỚI

Toàn Cầu Hóa càng gia tăng sự bắt bớ chèn ép và tù đày: một số tượng trưng hình ảnh các nhà tranh đấu cho Nhân QUyền VN bị CSVN bắt vào vòng tù tội con số càng lúc càng tăng.


Thực chất của Toàn Cầu Hóa chỉ là sự hợp tác trá hình giữa LỢI NHUẬN & QUYỀN LỰC. Vì quyền lợi các nước giàu có các tổ chức kinh tế đa quốc (Tây Phương) đã làm ngơ cho sự đàn áp nhân quyền của các chế độ độc tài. CS Trung Hoa và CS Hà Nội là những thí dụ rõ ràng nhất cho sự đàn áp nhân quyền tại các nước độc tài toàn trị. Nga cũng là thí dụ cho sự củng cố thế lực độc tài cá nhân mà Putin là điển hình. Những lý thuyết 'đổi mới kinh tế sẽ đổi mới dân chủ' càng lúc càng sai lầm do trước mắt thế giới của nhân quyền các chế độ độc tài càng bắt tay với chính sách Toàn Cầu Hóa họ càng giàu có và vững mạnh hơn trước đây rất nhiều.


10- TOÀN CẦU HÓA CÀNG GIA TĂNG NẠN BUÔN NGƯỜI TRÊN THẾ GIỚI 

Vụ 39 người Việt chết trong container ở Essex, Anh Quốc xảy ra khi cảnh sát phát hiện thi thể của 39 công dân Việt Nam đã tử vong trong thùng của một chiếc container đông lạnh ở Grays, hạt EssexVương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland,[4] không lâu sau 01 giờ 40 phút (giờ địa phương) ngày 23 tháng 10 năm 2019 (wikipedia)
39 nạn nhân VN trong đường dây buôn người xuyên quốc gia xuất phát từ VN

Với lý thuyết "Không còn Biên Giới" lồng trong "tự do mậu dịch" các tổ chức buôn người, hay buôn bán nô lệ trá hình càng lúc càng gia tăng trên thế giới. Phụ nữ và lao động nô lệ được buôn từ các nước nghèo sang các nơi giàu có cung phụng cho các tổ chức mại dâm, nô lệ tình dục, nô lệ lao động. Mặc dù Liên Hiệp Quốc càng lên tiếng, tổ chức giải thoát phụ nữ quốc tế càng làm việc tệ nạn này càng lúc càng gia tăng. 

Tại VN tệ nạn buôn người dưới nhiều hình thức hợp pháp, bán hợp pháp, cũng như ẩn nấp dưới nhiều 'chiêu bài đội lốt' khác nhau vẫn không dấu được tội ác của nhà nước CSVN là kẻ thủ đắc lớn nhất đứng sau các tổ chức này để thu lấy lợi nhuận sau cùng. 

 VỤ 39 nạn nhân chết ngạt tại Anh quốc là một mặt nổi của "tảng băng buôn người" vận hành do nhiều tổ chức buôn người chuyên cung ứng nhân lực từ VN sang các nước Âu Châu. Nhìn qua Đông Nam Á; có quá nhiều vụ mua bán cô dâu VN ngay trên mạng tại các nước giàu có Đông Nam Á như Singapore, Đài Loan, Nam Hàn và cả trăm ngàn phụ nữ VN mấy chục năm nay cung ứng cho Trung Cộng những vùng thôn quê xa mịt mù hàng vạn dặm để làm những cái 'máy đẻ hay tình dục' trong thế kỷ 21 này ...là những ví dụ điển hình và vô nhân đạo nhất trong thời đại này.



THAY CHO PHẦN KẾT

Sau những thập niên phát triển, tuy thế giới không lấy đâu là thời điểm cụ thể để xác định khởi điểm của Toàn Cầu Hóa nhưng hiện nay chúng ta có thể có nhìn ra hệ quả của Toàn Cầu Hóa Kinh Tế Thế Giới ra sao. 

Qua những mặt tốt xấu khái quát trình bày trên cùng so lại thực trạng thế giới hiện nay; chúng ta có một ý thức bi quan cho hậu quả Toàn Cầu Hóa đem lại cho thế giới hiện nay.

Thế Giới hiện tại người giàu càng lúc càng giàu thêm nhưng thế giới hiện nay càng lúc càng chia rẽ sâu sắc, mầm mống chiến tranh càng nhiều hơn, thế lực ác đạo độc tài, bá quyền, xâm  lăng càng thêm móng vuốt. Những quốc gia nhược tiểu sẽ có một thành phần giàu có hơn nhưng hố  phân chia giàu nghèo càng sâu và càng mất đi độc lập tự chủ hay sống trong nợ nần quốc tế...Một điều lo ngại chung cho nhân loại đó là Trái đất càng bị 'bộc lột' tàn khốc cùng lúc sức mạnh Liên Hiệp Quốc càng bị yếu đi theo thời gian.

Những thiển ý này sẽ làm cho số người giàu có hay sự nghiệp 'phất lên' nhanh chóng trong thời cơ mới KHÔNG BẰNG LÒNG nhưng đây là CÁI NHÌN KHÁCH QUAN ĐỨNG TỪ BÊN NGOÀI để xét đoán mà thôi.

XIN LẤY TRÍCH ĐOẠN CỦA BÁO PHÁP RFI SAU ĐÂY  TẠM THAY PHẦN KẾT

Nhà văn kiêm triết gia Bernard-Henri Lévy trong bài « Người Duy Ngô Nhĩ bị lãng quên » chỉ trích Thế vận hội Bắc Kinh 2022 diễn ra trên nỗi đau của người biểu tình Hồng Kông bị bịt miệng, những nhà sư tự thiêu ở Tây Tạng, và tội phạm chống nhân loại đánh vào thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Liệu họ sẽ bị hiến sinh trên bàn thờ đế quốc Trung Hoa, trở thành nạn nhân của toàn cầu hóa giai đoạn cuối ? Cần phải tránh cho được viễn cảnh này...  (RFI 12/2/2022)



Đinh Hoa Lư 

edited by ĐHL  8/2/2022

EDIT 20/10/2022

Sunday, October 16, 2022

TRUYỆN NGỤ NGÔN AESOP TẬP 12


LỪA BẮT CHƯỚC CHÓ

Xưa có con LỪA ở với CHỦ nhưng chủ của nó thì lại cưng chiều con CHÓ NHỎ. Hàng ngày ông chủ cứ vỗ về thương yêu CHÓ cưng. Ông vuốt ve nói chuyện với chó, lại còn cho nó ăn những thứ ngon trong bữa ăn của ông . Ngày nào cũng thế, CHÓ cưng cứ vấn vít chơi đùa bên ông, liếm tay xong lại liếm mặt CHỦ.

LỪA thấy vậy ghen tức lắm. Dù chủ cho ăn no nhưng nó phải làm việc quần quật suốt ngày. Thêm vào đó ông chủ chẳng có khi nào ngó ngàng đến nó.

Một hôm trong cái đầu ngớ ngẩn của LỪA mới tìm ra một cách để chiếm được thương yêu của CHỦ như chú CHÓ cưng kia. Thấy CHỦ đang ngồi ăn tối, lừa ta mới bắt chước vừa hí to vừa dậm chân quanh bàn ăn của ông chủ. Con lừa đần độn còn bắt chước chó cất cao hai chân trước lên để lên đầu gối của CHỦ. Xong Lừa còn gắng thè lưỡi ra liếm liếm vào mặt chủ như CHÓ hay làm…

Ôi thôi, con lừa nặng quá làm cái ghế lật ngữa. Cả Chủ và Lừa đều ngã nhào trên đống dĩa vỡ nát. Chủ hốt hoảng trước hành động lạ đời của Lừa bèn la toáng lên kêu cứu. Đám giúp việc trong nhà nghe chủ kêu cứu vội chạy đến. Mục kích cảnh Chủ đang bị con vật nặng nề đè lên người, mấy người làm tức giận bắt Lừa lại, giáng cho mấy cái đá nên thân, rồi kéo Lừa về chuồng.

Lừa bị giam vào chuồng đứng khóc cho cái tội ngu dại của mình. Việc làm ngốc nghếch không được gì mà lại còn nhận một trận đòn nhừ tử ./.

Lời bàn:

-Cùng một cử chỉ, hành vi có khi được chấp nhận ở người này nhưng lại lỗ mãng hay không thích hợp đối với người khác.

- Đừng bắt chước ai những gì trái với bản chất tự nhiên của mình. Bản chất tự nhiên là do trời sinh ra cho mỗi loài không thể nào giống nhau được.

-Chuyện nàng Đông Thi bắt chước người đẹp Tây Thi, gái nước Việt thời Xuân Thu bên Trung Hoa mà giả đau nhăn mặt lại càng xấu thêm chứ không thể nào sánh cùng người vốn đẹp như Tây Thi được? Té ra Tây Thi là sắc đẹp thiên phú mà đã là thiên phú thì Đông Thi làm sao làm sao cho giống nàng được?

============================ 


QUẠ VÀ CHIẾC BÌNH

Gặp mùa khô hạn, muôn loài chim đều khổ sở chúng không tìm đâu ra nước. Chú Quạ trong lúc khát cháy cổ nó gặp may thấy được chiếc Bình còn một ít nước ở dưới đáy. Nhưng Bình cổ lại cao và hẹp, mỏ Quạ không thể nào với xuống được. Con Quạ khổ sở, nghĩ rằng nó sẽ chết khát mất.

Chợt một ý nghĩ lóe ra trong đầu nó. Quạ liền lấy mỏ gắp những viên sỏi quanh đó thả vào chiếc Bình kia. Quạ cứ thả mãi cho đến khi mực nước trong bình dâng lên đụng vào mỏ quạ. Thế là Quạ tha hồ uống.


Lời bàn:

-TRONG CÁI KHÓ MỚI LÓ CÁI KHÔN

                                ===================== 


CHÚ DIỆC QUÁ  KÉN MỒI 

         Chú Diệc quá kén mồi nên bị đói

Chú Diệc âm thầm lội theo bờ suối. Mắt chú nhìn chằm chặp vào làn nước trong, cái cổ dài và cái mỏ nhọn hoắc của chú sẵn sàng phóng ra chộp chút gì cho buổi ăn sáng. Mấy đàn cá đang nhởn nhơ lội dưới mặt nước trong mát nhưng Chú Diệc xem chừng khó ưa ý con nào sáng nay.

Chú lằm bằm:

-Toàn là cá con không à! những thứ ít ỏi này không thể nào đủ cho một con Diệc như ta.

Có con cá rô bơi gần đó. Diệc cũng chê:

-Con này thực sự chẳng là thứ ta cần, ta đời nào lại mở miệng để đớp thứ như nó cả.

Mặt trời dần dần lên cao. Giờ đây đàn cá bắt đầu rời làn nước cạn gần bờ, bơi ra ngoài xa để có làn nước mát hơn. Chú Diệc chẳng còn con cá nào để lựa chọn, cuối cùng đói quá Diệc ta phải chịu khó đớp con ốc sên cho buổi ăn sáng vậy.

Lời bàn:

-CẦU TOÀN BẤT CẬP

-Nên biết thỏa mãn với cái gì hiện có

-Bạn chớ khó khăn quá trong chọn lựa, phải biết bằng lòng với cái tệ nhất hơn là không có gì cả

-Đức Dalai Lama  thứ Mười Bốn có dạy một câu rằng:  CHÚNG TA CẦN HỌC THẾ NÀO LÀ NGỪNG MONG MUỐN NHỮNG THỨ CHÚNG TA KHÔNG THỂ NÀO CÓ, NGÕ HẦU CÓ ĐỜI SỐNG BÌNH THƯỜNG VÀ HẠNH PHÚC BỀN VỮNG.

Đời người, chúng ta hay gặp chuyện khổ do lòng mong muốn không hề ngừng lại, có cái này lại muốn cái khác hơn lạ hơn? Cỏ bên kia núi khi nào cũng xanh hơn, do tầm xa của nó nhưng thực chất tới được cũng vậy thôi.

 ***

  

CON NAI SOI BÓNG

 

Chú NAI vừa uống nước bên bờ suối xuân vừa ngắm bóng mình hiện ra dưới làn nước trong leo lẻo. Chú tự hào và hãnh diện về cặp sừng cong đẹp đẻ của mình. Khổ nỗi, chú cảm thấy buồn và hổ thẹn về mấy cái cẳng cao lêu nghêu, khó coi của mình?

Nai thở dài:

-Sao phải thế này? Khi ta đang có cặp sừng đẹp lộng lẫy như vương miện trên đầu, sao trời lại bắt ta phải mang mấy cái cẳng xấu xa như thế này được?

Vừa lúc đó, nó đánh hơi được có con BÁO tới gần! NAI hốt hoảng, phóng nhanh vào rừng. Ác hại thay! hai cái gạc rộng vù vờ bị vướng vào một nhánh cây thế là giúp BÁO vồ ngay được nó. 

Giây phút cuối đời Nai Đực mới hiểu ra rằng: chính mấy cái cẳng làm nó hổ thẹn mới chính là thứ cứu nó, hoàn toàn không phải cặp sừng đẹp đẽ nó mang trên đầu nhưng là thứ đã hại đời nó ./.


LỜI BÀN

·       * NGƯỜI ĐỜI THƯỜNG COI TRỌNG CÁI ĐẸP BỀ NGOÀI LẠI XEM  THƯỜNG NHỮNG THỨ XẤU XA NHƯNG LẠI CÓ ÍCH

·       * XẤU MẶT CHẶT NỒI- CHỚ PHỤ CÁI XẤU 

-NHÀ GIÀU CÓ LÚC LẠI THIẾU MẺ KHO chuyện Thạch Sùng xưa giàu có ngất trời thi giàu đâu thắng đó nhưng rốt cuộc trong khi thi giàu với vương công lần cuối lại thua vì không tìm đâu ra MẺ KHO những thứ đồ phế thải bể nát, nhà giàu không thể cất  lại? Thế là Thạch Sùng thi giàu lại THUA vị vương nên tất cả của cải về tay Vương Công này và hận mà chết HÒA RA CON THẠCH SÙNG CHUYÊN CHẮT LƯỠI 


========================================== 


LIỆU PHƯƠNG TÂY ĐÃ LÊN KẾ HOẠCH SẴN SÀNG KHI PUTIN KÍCH HOẠT VŨ KHÍ HẠT NHÂN HAY CHƯA

quả A bom dội xuống Hiroshima năm 1945  có sức mạnh 15 kiloton, giết tức khắc 80 ngàn người, hàng chục ngàn người khác bị phoi nhiễm là sóng phóng xạ chết dần sau này

Quả bom A dội xuống NASAKI có sức mạnh 21 kiloton giết tức khắc 74 ngàn người 

vũ khí hạt nhân chiến thuật hiện đại có sức mạnh tương đương hay gấp nhiều lần sức mạnh hai quả A Bom dội xuống Hiroshima và Nagasaki 

The 15-kiloton bomb dropped by the US on Hiroshima in 1945 showed that. That attack immediately killed an estimated 80,000 people. Tens of thousands were exposed to lethal levels of radiation exposure. 

The bomb the US dropped on Nagasaki had an explosive yield of 21 kilotons — it killed roughly 74,000 people.

by Joshua Zitser / Business Insider 


***

Theo tờ The Guardian, tây Phương đang lên kế hoạch với kịch bản hỗn loạn khi Putin sử dụng vũ khí hạt nhân tại chiến trường Ukraine.

Kịch bản này bao gồm cảnh hỗn loạn mua bán các chất phòng chống phóng xạ kèm cảnh người dân bỏ chạy ra các thành phố lớn kinh hoàng ra sao. Dù theo tờ Guardian cho biết cuộc khủng hoảng hạt nhân rất KHÓ XẢY RA


Một viên chức ẩn danh cho tờ Guardian rằng dù khủng hoảng hạt nhân khó xảy ra nhưng vẫn có các kế hoạch dự trù để giảm thiểu các phản ứng trả thù khủng bố ngược lại từ người phương Tây. Chính phủ các nước này đang dự trù lo liệu các biện pháp ngăn  chận sự hoảng loạn trong mua bán thứ đến các kế hoạch khẩn cấp hỗ trợ nhiều triệu người trong một lúc trước sự lo sợ nếu Nga cho nổ bom hạt nhân.


mô phỏng kịch bản San Francisco bị trúng bom hạt nhân 15 kiloton có thể làm chết 63,000 ngay lúc đầu 

Kate Hudson, tổng thư ký của Chiến Dịch Giải Trừ Vũ Khí Hạt Nhân cho tờ the Guardian hay rằng:

-Kế hoạch thận trọng nhất liên quan đến Chiến Dịch Bảo Vệ và SỐng CÒn trong thời Chiến Tranh Lạnh của Chính phủ Nước Anh một chiến dịch từng bị lên án là quét vôi màu trắng ở các cửa sổ nay xem chừng người ta thấy nó sống lại



Nhưng đối với Hoa Kỳ thì người ta cầm chắc 6 thành phố của Mỹ sẽ bị nhắm tới. Các hình ảnh mô phỏng tương tự vụ nổ A bom tại thành phố Hiroshima vào năm 1945 đã mô phỏng ảnh hưởng nó ra sao. Thành phố San Francisco, New York, Washington D.C , Los Angeles, Ngũ Giác Đài…nằm trong các kịch bản đó.


mô phỏng 1 trái 15 kiloton hạt nhân có thể gây ra 120,000 nhân mạng tử vong đầu tiên tại Hoa Thịnh Đốn
Ngũ Giác Đài cũng nằm trong kịch bản mô phỏng bị hạt nhân 


Los Angeles cũng trong mô phỏng hạt nhân tấn công


Thế giới các phe đang nắm trong tay vũ khí hạt nhân thì nguy cơ CHIẾN TRANH HẠT NHÂN LUÔN HIỆN HỮU .

Căng thẳng càng lúc càng gia tăng trong cuộc chiến Ukraine và Nga đang bị dồn lần vào vị trí bất lợi cùng sa lầy, trong lúc lời đe dọa của Putin càng lúc càng tăng khiến phương Tây phải nghiêm túc ĐẶT VẤN ĐỀ NÀY.

Vấn đề đặt ra nếu một thành phố của Hoa Kỳ bị trúng một một hỏa tiễn hạt nhân 15 kiloton. Có một công cụ mô phỏng có tên là NUKEeMAP mô phỏng hậu quả tác động của một trái bom hạt nhân cỡ này ra sao. Công cụ này ước tính tại một địa điểm nhất định bao gồm sơ bộ thương vong và thương tật ra sao.  Theo tình báo Mỹ, Nga có khoảng 2000 vũ khí hạt nhân chiến thuật chúng mang đầu đạn cỡ nhỏ được dùng tại mặt trận.


Trong các bài phát biểu gần đây, Putin càng lúc càng đe dọa ông ta sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine. Ngay tháng trước Putin từng hăm dọa là sẽ dùng “tất cả các phương tiện hiện có” để bảo vệ lãnh thổ Nga.


TT Joe Biden trong một cuộc phỏng vấn với CNN ông cho hay ông không nghĩ Putin sẽ sử dụng vũ khí Hạt Nhân tuy nhiên, Ông Biden cảnh báo rằng “NHỮNG SAI LẦM VÀ TÍNH TOÁN SAI” CÓ THỂ ĐƯA ĐẾN NGÀY TẬN THẾ (ARMAGGEDON).


VỀ phía TT Pháp ông Macron theo tờ Politico cho biết Pháp sẽ “rõ ràng” không sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa. LỜi nói hèn yếu này của ông Macron đã bị phía chính trị  gia đối thủ chỉ trích kịch liệt./.


 ĐHL dịch 

16/10/2022


nguồn

Officials engaged in 'prudent planning' to prevent panic in the West if Russia detonates nuclear bomb in Ukraine, report says (msn.com)

MỘT THỜI CON NÍT VÀ TRƯỜNG NAM QUẢNG TRỊ

 Bạn đọc NH thân mến 

Đây là bài đăng lại nhưng tổng hợp từ hai ký ức của tác giả về hình ảnh thời con nít dưới khung trời Quảng Trị và nhất là những cậu học trò có thời học tiểu học tại Trường Nam.

Trong nhiều góp nhặt  hồi ức, chắt chiu từ những kỷ niệm ấu thơ ắt hẳn có nhiều chi tiết mập mờ, tuy nhiên chủ đích của người viết mong chúng ta cùng nhau đưa trí tưởng tượng bay về một vùng kỷ niệm vĩnh viễn rời xa. Hãy quên đi tuổi già đang 'sòng sọc' chạy tới cùng thư thả như phiêu bồng cho tâm hồn bay về một QT Ngày Xưa

Ôi trong nhiều dấu tích phai tàn đó, có những người muôn năm cũ và nhiều thanh âm cùng hình ảnh thơ dại, một thời tuổi ngọc, tất cả đều cất cánh bay xa về một vùng thăm thẳm mù khơi mà chúng ta gọi là quá khứ.


ĐHL edit 2.8.2023


CÁI THỜI KẸO XÓC













Những lứa học trò Trường Nam Tiểu Học Quảng Trị thời đó làm sao quên được kẹo xóc Ôn Phổ? 
QT và Trường Nam có gọi kẹo xóc là kẹo ú hay không, người viết không đoan chắc. 
Kẹo xóc trường Nam QT. Có nhiều điều đáng nhớ cho các cậu nam sinh (xin mở ngoặc ra đây không có các cô), đó là hai cái cổng trường. Nhộn nhịp nhất là cổng sau ngó ra đường chính Trần Hưng Đạo. Cái cổng chính ngó ra bờ sông ít ai đi, tuy là chính nhưng nó vắng vẻ làm sao!


nước tràn Thạch Hãn năm 1959 khoảng trước Toà Hành Chánh

 Nhớ làm răng những lần lụt về! nước tràn lên con đường Gia Long. Một dòng sông đỏ ngầu, nước cuồn cuộn sóng, xoáy lớn, xoáy nhỏ chảy băng băng. Nước mấp mé vào đến sân trường. Lụt to quá, có lúc học trò phải nghỉ học. Cũng tội oan cho bác phu trường, do đó là lúc nhà ôn trường mất khách không ai mua kẹo.








hồ thành đoạn mé sát đường Duy Tân gần trường Nguyễn Hoàng lụt 1959 

Ngày đông tháng giá, bầu trời mây xám hay mưa rả rích, cái thời những đứa học trò Trường Nam choàng tơi nylon đi học. Nhớ làm răng, hình ảnh lụt tràn qua đường, những con cá vượt qua hồ Thành lội ngược về sông. Người Quảng Trị đi cất rớ, kẻ lượm củi nguồn về. Những lúc này là học trò mong nhất là được ở nhà để đi lội nước hay đi chơi lụt. Chúng tôi dám men ra tới bờ sông ngó người ta kiếm cá. Chúng tôi thích thú với mấy bụm cá trắng đang nhảy long chong trong cái rớ vừa cất lên, hay coi làn nước mênh mông đầy sóng dữ...



cây ngô đồng và trái khô của nó


Thôi, người viết xin  trở lại cái sân trường với chuyện kẹo xóc để khỏi miên man qua chuyện khác.
  Các bạn còn nhớ hàng phượng vừa lên trưóc dãy trường chính không? Chỉ có mấy cây ngô đồng là lâu năm nhất. Không ai dám gần do lớp gai nhọn hoắc mọc chi chít quanh cái thân cổ thụ của chúng. Thế mà khi ngô đồng rụng trái khô thì chúng tôi lượm đem về làm bánh xe chạy chơi. 



Nhớ ôn phu trường là nhớ con dáng người ôm ốm, khắc khổ, nước da ngăm đen. Dãy nhà lẹp xẹp sau lưng trường chính là nhà cho mấy ôn phu trường. Sau này mới gọi là lao công, hồi đó chúng tôi gọi các bác là phu trường thôi. Ăn kẹo xóc thì phải có sẵn bạc cắc hay bạc một hai đồng.


Nhớ ôn Phổ, không chỉ thứ kẹo xóc nhà ôn làm nhưng ta nên nhớ cái trống trường. 

Tùng! Tùng! Tùng! ...

Mỗi lúc vào lớp hay lúc ra chơi.
Tiếng trống ra chơi là lúc chúng ta ùa ra khỏi lớp và chạy ù đi mua kẹo xóc.




Ba tiếng trống ra chơi  là lúc tâm hồn chúng ta sao mà thích thú lạ lùng? các trự bạc 5 giác tức là nửa đồng, đứa nào kha khá thì có trự một đồng hình cây trúc, vội chạy ù lui sau nhà Ôn.

Người viết còn nhớ một đồng 12 cái kẹo xóc chứ không phải 6 cái.  Một đồng còn giá trị lắm. Khúc kẹo kéo cũng mua "năm giác" tức là nửa đồng thôi. (người viết không hiểu sao kêu là năm giác?)

Những cái kẹo xóc vừa làm xong còn dính bột trăng trắng dẻo thơm mùi gừng răng mà "ngon lạ, ngon lùng". Có thể ngon là do chúng ta chẳng có cái chi hơn mà chọn lựa. Nói tới nói lui, vào thời đó chẳng ai lo toan hay cảnh cáo cái chuyện "sâu răng" do ăn kẹo xóc cả, thế mới lạ kỳ? Mặc dù thầy cô có dạy đánh răng mỗi buổi sáng (ít nghe chuyện đánh răng buổi tối) và cũng không nghe nhiều vấn đề bảo vệ răng như  thời sau này?

Tiếp đến những năm sau này, song song với sự xây dựng của Trường Nữ Tiểu Học phía bên kia con đường Trần hưng Đạo thì hàng quà nở rộ. Cái cổng thứ hai của Trường Nam phía đường Trần Hưng Đạo, giờ ra chơi nườm nượp hàng quà. Có thể lúc này kẹo xóc Ôn Phổ và dãy nhà phu trường phía lưng trường chính có thể trở thành hiu quạnh.

Một thời ngây thơ, những thèm muốn hồn nhiên, những chia sớt với bạn bè khi tiếng trống ra chơi vừa đánh. 


KẸO XÓC VÀ NHỮNG TÊN GỌI


Giã kẹo mới cắt xong còn nguyên trên trẹt, chờ nguội sẽ được phủ một lớp bột mì sau đó xóc thật đều. Đây là lý do thời này đặc biệt lứa nam sinh Trường Nam chúng tôi, nhà Ôn  Phổ gọi tên là "kẹo xóc'. Vào nam người ta hoàn toàn quên hay không biết tiếng "xóc' này. Người QT tại Bình Tuy kêu là kẹo ú, kẹo gừng ...người viết còn nhớ như in tại Xã Sơn Mỹ Hàm Tân, người dân ở đây (phần nhiều gốc Gio Linh) còn kêu cái tên rất ư 'đặc biệt' là kẹo..."c. mèo'?

Răng mà gọi là "c. mèo" hỉ? có thể thứ kẹo này sau khi cắt ra, nó đen và xấu xí như 'c. mèo' chăng? ôi cái tên chi mà nghe "hình tượng", các em ngày đó "nhìn răng gọi rứa" tâm hồn mộc mạc ngây thơ quá đi thôi.

Hình trắng đen chụp năm 1986, học trò lớp 3 chụp chung với cô giáo tức là vợ tôi NH 65-72 Trần Túy Huệ. Còn chồng là phu trường cùng các con sống tạm trú  trong ngôi trường cũ xây từ năm QT KHẨN HOANG LẬP ẤP  Bình Tuy 1973-74, vách hông trường đã đổ nát trong chiến tranh, nên qua cửa sổ chúng ta thấy một khoảng sáng trắng ...



TRỞ LẠI CĂN NHÀ CUẢ PHU TRƯỜNG SAU LƯNG TRƯỜNG NAM QT

Kẹo trên trẹt để nguội xong mới được nhà bác phu trường bỏ vào thẩu. Có đôi khi kẹo Ôn Phổ chưa bỏ vào thẩu mới vừa xóc bột thì đã được học trò mua hết trơn. Con Ôn Phổ cũng học chung một trường Nam nhưng người viết không biết được? Mấy ai còn nhớ đến Ôn; mà chữ "Ôn' vừa thân mật vừa trìu mến, có chút gì trân trọng đến một người hàng ngày cầm đùi đánh trống. Ôn còn bảo vệ Trường Nam; thỉnh thoảng thầy Lưu Hiệu Trưởng còn nhờ Ôn đem mấy thứ gì đó tới tận cửa lớp cho các thầy cô.

Các cậu học trò Trường Nam tại sao nhớ kẹo xóc nhiều? chẳng qua hồi đó Ôn Phổ chỉ làm kẹo xóc bán cho học trò thôi. Những thứ gọi là ăn hàng một thời sao đơn sơ và bình dị quá đi thôi. Khác với học trò tiểu học thời bây giờ ăn hàng đủ thứ. 

Những "ước ao thèm muốn" theo đó cũng bình dị đơn sơ và dỉ nhiên sự cần thiết về tiền bạc cũng không cuồng nhiệt quá sá như thời đại hôm nay của game điện tử của Internet của hàng trái cóc, bò viên, chua ngọt bò khô "hầm bờ lằng" không kể xiết?

Một thời kẹo xóc nó không đơn sơ như hình ảnh cái kẹo mà là những tình bạn ngây ngô chất phát, những âm vang vui vẻ náo nhiệt của giờ ra chơi dưới khung trời Quảng Trị vĩnh viễn không bao giờ có lại.

Con sông xưa Thạch Hãn giờ còn lững lờ trôi, nhưng cái bến vắng cái Trường Nam xa xưa giờ đã mịt mù sâu thẳm trong ký ức của bao đứa học trò Trường Nam tỉnh Quảng. Màu xam xám của mấy cái kẹo ú như những mãng trời vào đông mưa bay lất phất; đó là khung trời Quảng Trị chứa chan kỷ niệm cho nhau. 


Người dân miền trung đặc biệt Quảng Trị và Huế ai cũng biết đến thứ kẹo này. Kẹo ú, kẹo gừng, kẹo 'c... mèo' nào chăng nữa nó chính hiệu là thứ kẹo 'xóc' ngày xưa mà những lứa học trò Trường Nam quen thuộc hay luôn miệng gọi.  Một cái tên nghe sao thương mến do nó đưa tôi về một thời tuổi nhỏ hồn nhiên./.

ĐHL
San Jose 1/8/2017 

Nhớ về Trường Nam Quảng Trị 1960-1965

===================== 

ÔNG TÀU BÁN PÁNH PÒ VÀ ÔNG PHƯƠNG KẸO KÉO

 


Rồi cũng về lại phố xưa

Về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng

Rồi cũng về lại phố quen

Về trong tình em dịu dàng, dịu dàng ...

Về Lại Phố Xưa

Tác giả: Phú Quang

 

ÔNG TÀU BÁN PÁNH PÒ

 


Có những người Tàu ly hương từ thời ông vải ông cố chúng ta. Họ sống ở Việt Nam quá lâu nên tuy nói tiếng Tàu mà họ vẫn dùng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Ai cũng biết người Tàu thích mua bán; ví dụ quanh chợ Quảng Trị có những tiệm người Tàu. Nhưng không phải người Tàu nào cũng mua bán lớn như ở chợ Quảng Trị. Có mấy ông Tàu quanh năm suốt tháng vẫn trung thành với cái nghề thủ công của mình không hề thay đổi.

Đó là lý do người viết muốn dùng chữ "pánh pò" thay cho bánh BÒ

*

BẠN BÈ nhắn với tôi rằng nên viết lại một bài về ông Tàu bán Pánh Pò, một thời Quảng trị.

Quý bạn nói đúng; tôi nghĩ nên nhắc lại chuyện ông Tàu này. Tôi muốn gợi cho bạn bè cùng trang lứa bất kể trường nào, dù Nguyễn Hoàng, Bồ đề hay Thánh Tâm hình dung lại hình ảnh một ông già bán dạo, một thời khó quên.

Minh Hương hay Tiều cũng là người dân QT cùng một thời góp tiếng cùng đồng cam cộng khổ dưới bầu trời mưa gió sụt sùi hay nắng nam Lào cay nghiệt.

ÔNG TÀU BÁN 'PÁNH PÒ'

Ông Tàu Pánh Pò làm cư dân QT không biết từ bao giờ. Ông ở đâu? có thể có số bạn người QT biết? nhưng có điều tôi chắc chắn ông Tàu này là người Tàu lưu lạc , không hội đoàn như nhóm "Trung Hoa Hội QuÁn' trên chợ QT

Ông người cao lỏng khỏng, nước da đồng cua đen bóng vì dãi dầu nắng mưa chẳng gì làm lạ. Ông hư một mắt, đó là điều đặc biệt để nhớ về ông. Hình ảnh để nhớ về ông là chiếc áo ka ki vàng cũ cùng cái quần đùi ông bận.

Bánh bò của Ông bán từ Bồ đề về đến phố Quảng trị. Chiếc xe đạp giàng và lồng kiếng pánh pò ông cột đàng sau. Ít khi ông về đến phường tôi ở. Người viết còn nhớ bánh ông đó là năm Mậu Thân gia đình lên tạm trú tại phường Đệ Nhất. Miếng bánh bò thơm nhẹ, nở đều ngọt tan vào từng góc lưỡi. Đố ai bắt chước được? bởi thế, tôi đoán không lầm rằng ông "độc chiêu, độc quyền' bán bánh bò rong.

 

 

ÔNG PHƯƠNG KẸO KÉO



-Kẹo kéo, kẹo kéo đây!!!

Hôm nay ngồi định tâm edit lại bài, người viết xin nhắc lại với bạn đọc có một ông bán kẹo kéo tên Phương nhưng không phải là Ông Tàu Minh Hương trong đoạn trên. Ông Phương này người Việt và cũng là cái dáng cao lỏng khỏng nhưng nước da không đen bằng Ông Tàu.

Cái giá xếp móc bên vai, giờ ông bỏ xuống. Ông đặt cái thùng kẹo lên đó xong bắt đầu kéo kẹo tay ông lia lịa làm việc . Khúc kẹo kéo một đồng to bậm, con nhà có tiền mua thôi. Chúng tôi chỉ mua 'năm giác' (nửa đồng) là thuờng sự nhất.

Ôi! cái tay ông Phương sao 'dẻo queo'? miếng vải phin vàng úa theo thời gian, ông dùng để 'kéo' kẹo dài ra...to nhỏ đường kính tùy theo một đồng hay 'năm giác' [cho đến nay tôi khong hieu, nửa đồng sao gọi là năm giác? [1]...

-rắc!

Mềm mà cứng, cứng mà mềm; ông chỉ rung 'nghệ thuật' một cái là khúc kẹo đứt lìa như một 'phép lạ?

Tôi chắc chắn quý bạn và tôi nêu không có kéo thì đành chịu thua, không thể nào 'bẻ' kẹo như ông Phương được?

-Thật là 'tuyệt chiêu'!

nói theo thời này cho cách ngắt kẹo kéo kia.

Khúc kẹo bậm bạp thuờng cho chúng ta thuởng thức những hạt đậu phụng thơm giòn bên trong. Nó đang hòa lẫn với cảm giác ngọt, thơm, dẽo của lớp kẹo kéo bọc bên ngoài. Thời con nít, ăn ngon như thế, nhưng chúng ta chưa hẳn nhớ ơn ai đã cho đồng bạc hay nhớ công ông Tàu làm ra thứ bánh ngày xưa?

Ông không dùng chuông leng keng, ông chỉ rao hàng thôi. Từ xa, không đứa nào lầm lẫn được tiếng rao của ông Phương. Tới nơi, vừa đặt cái giá xếp xuống, lũ nhỏ vội tụ lại quanh ông.

Kẹo kéo là mùa học sinh đi học. Bánh Pò ông Tàu là thứ ông bán quanh chợ QT nơi người có tiền và biết thuởng thức . Lạ thât? thời nhỏ chúng tôi ưa kẹo kéo thôi. "Tại răng" ? kẹo kéo ngoài ngon lành hơn , tôi còn tự kéo nhỏ ...nhỏ hơn nữa, để 'ngứt' cho một hai đứa bạn thân mỗi đứa một 'tí tì ti' vì sáng 'nớ mạ hắn không cho hắn tiền'.

Dĩ nhiên, ông Phương hay Ông Tàu không thấy héo lánh đến trường Nguyễn Hoàng làm gì? Tuổi trung học lớn rồi , ăn hàng kiểu này thì "ốt giột' lắm? Lớp tuổi biết yêu thường hay thấy trong mấy quán cà phê thôi. Mà cà phê chỉ một thời cho nam sinh. Phái nữ trung học thời đó ra sao? Ký cóp vài đồng cho nhau me cam thảo hay ô mai bới theo trong cặp vở là cùng. Thế thì hai ông lên đây làm chi? làm sao bán chạy hàng. Đó là tại sao khi lên trung học hình ảnh hai ông phai nhoà dần.

Cám ơn các bạn đã nhắc đến ông Tàu bán Pánh Pò và Ông Phương kẹo kéo hai hình ảnh khó nhòa trong trí óc tuổi thơ Thị Xã. Sau cuộc Can Qua 1975 nghe đâu Ông Phương về lại đất xưa (khu M cũ –cầu Lòn gần Trung Đoàn I)); tuổi già xế bóng ông còn có một ‘dịp may’ giã từ trần thế trên vùng đất quê nhà nơi mà ông bao ngày rảo bước chân đi cùng tiếng rao thân quen và cống hiến vị ngọt cho đời. Còn Ông Tàu Pánh Pò,có thể bạn đọc nào đó biết tin về ông? Người viết nghe đâu ông đã về “miền miên viễn” nhưng xa vời quê cũ, nơi ông sinh ra, lớn lên cùng hòa nhịp truân chuyên với người Thị Xã.

                                   *****

 

Pánh Pòn và kẹo kéo, hai tiếng rao xưa vang dưới một trời kỷ niệm- lứa tuổi học trò. "Rồi Cũng về Lại Phố Quen" như lời bài hát thời nay nhưng đó là niềm mong cho những ai một lần về lại Phố Xưa. Ôi lần về trong trống vắng, nhớ làm sao thanh âm ngày cũ.? Khi ta vuốt lại mái tóc hoa râm cố tìm lại đường xưa khó hay chẳng kiếm đâu ra? Ngày đó có chúng ta, những ngày tuổi nhỏ, vui bên con phố hiền hoà...

Ôi kỷ niệm ập về cho ai bước chân về phố cũ, ai đó cố uống giọt cà phê nén tiếng thở dài, sướt mướt trong lớp áo phong sương hay lụa là hoa gấm, tất cả đều cô đơn chẳng gì so bằng tuổi ngọc?

Một chặng đời, mấy lứa tuổi thơ vui chơi bình dị cùng sẻ chia hương vị ngọt ngào của khúc kẹo kéo đơn sơ, miếng bánh bò thơm ngọt...tất cả đều đã ra đi ./.

ĐHL 20/8/2015

edition 21/9/ 2019 nhờ góp ý thêm từ độc giả QT

 

[1] thật sự không hiểu tại sao gọi là năm giác, hình như 1/2 đồng trong nam gọi là năm cắc ? nghe đâu hồi xưa ở SG một đồng bạc người ta xé đôi tự lưu hành vì nhu cầu nửa đồng không đủ - tôi nhớ thời tt Ngô đình Diệm đồng bạc cắc nửa đồng nhẹ và lớn . sau này Đệ Nhị Cộng Hòa


HỐ ĐEN CÓ THẬT CHĂNG? HỐ ĐEN LÀ GÌ?

 HỐ ĐEN LÀ GÌ? HỐ ĐEN HAY LỖ ĐEN theo định nghĩa của THIÊN VĂN HỌC là một vùng không gian có lực hấp dẫn quá lớn không có thứ vật chất nào h...