Saturday, September 3, 2022

HOÀNG LONG HẢI: NĂM DẦN KỂ CHUYỆN SĂN CỌP NGÀY XƯA QUẢNG TRỊ

 

Friday, January 28, 2022

 



Lời bạt: bước vào năm Nhâm Dần 2022 tức là năm CON CỌP, nhà văn Tuệ Chương Hoàng Long Hải người gốc phường Đệ Tứ thị xã Quảng Trị xưa có kể cho chúng ta nghe câu chuyện săn cọp. Trong câu chuyện săn cọp này, nhà văn có nhắc lại chuyện vua Bảo Đại tính ưa săn và đặc biệt ông nhắc lại tên tuổi địa danh Quảng Trị ngày trước.

 Câu chuyện đưa chúng ta cảm thấy gần gũi hơn và nhất là lối giúp cho bạn đọc nhớ lại một thành phố năm xưa giờ không còn nữa.

ĐHL

*

         Ngày xưa, - dĩ nhiên là thời gian chưa có cái gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh” - rừng Trường Sơn có nhiều cọp, voi. Ngược sông Thạch Hãn, phía tả ngạn, con đường bộ lên tới Trấm, sau nầy gọi là xã Phong An, - phía tây làng An Đôn – là hết. Từ Trấm lên Ba Lòng – một thời gọi là chiến khu, thời Ngô Đình Diệm là quận Ba Lòng, người ta phải đi đường thủy, dùng đò.

         Phía hữu ngạn, có con đường từ đầu Cầu Ga đi ngược lên phía núi, qua các làng Như Lệ, Tân Lệ… rồi dọc theo sườn núi bên bờ sông, lên tới “Bơơng” - một thung lũng nhỏ, gặp một ngọn núi cao, con đường phải bọc vào phía trái, bên trong, rồi cũng lên tới Ba Lòng.

Con đường nầy thường được gọi là “đường Bảo Đại”, con đường làm ra để vua Bảo Đại đi săn, bởi vì một phần vua Bảo Đại rất thích săn bắn, thứ hai là do âm mưu của Tây: Nhà vua cứ vui chơi đi, việc nước (An Nam) đã có Tây lo. Nước ta bây giờ cũng vậy, bọn trẻ cứ vui chơi đi, việc nước đã có “đảng” lo. Bên Mỹ nầy có khác chăng? Mọi người hãy lo làm việc và vui hưởng đời sống tiện nghi và đóng thuế, việc chính trị đã có thượng viện, hạ viện lo, dân chúng khỏi lo – Âm mưu độc quyền đó, quí vị ạ.

 

“BẠN” ĐI SĂN CỦA VUA BẢO ĐẠI Ở QUẢNG TRỊ  LÀ AI ?


Tiệm may Phan Xuân Sang là một tiệm may lớn ở Quảng Trị, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, - xưa gọi là Đường Ga – và đường Lê Thái Tổ, - xưa gọi là đường Cửa Tiền. Tiệm ngó ra ngã tư. Không phải ai cũng vô may ở đây được vì tiệm “chuyên may” đồ Tây, tức là may veston, người ta thường gọi là may “đồ lớn”. Ngay phòng trước, chỗ tiếp khách và may đo, trên vách tường lớn, gắn sát vách là bộ da cọp, có đủ đầu đuôi, đủ bốn chân, móng còn nguyên.

         Hồi còn trẻ, học cấp 2 và cấp 3, tôi thường đến nhà nầy, không phải để may vá gì - học trò may “đồ lớn” làm chi -, nhưng để chơi, trao đổi bài vở với Phan Xuân Phú, bạn học từ hồi nhỏ. Nơi chúng tôi thường lên là sân thượng  - nhà mới xây lại, không phải căn nhà ngói lụp xụp như trước 1945. - Ngoài Phú, tôi cũng thường chuyện trò với Phan Xuân Trọng, học trước tôi một lớp – người nói ngọng muôn năm – bao giờ chữ NH cũng thành D. Tôi thường hát câu nầy để ghẹo anh ta: “Cái Dà  (Nhà) là dà Việt Nam”. Sau Trọng làm “sĩ quan quan sát viên không quân”, rớt máy bay chết bên kia sông Thạch Hãn, làng Nhan Biều – làng ngoại tôi. ( ông Trọng tiền sát viên cho máy bay L19 bị đạn bắn lên và tử thương chớ không rớt máy bay /ĐHL)

Ông cụ tên Sang, anh con trai đầu tên Trọng,(1) thứ là Phú, út là Quí. Sang, Trọng, Phú, Quí. Bốn cha con họp lại là đủ bộ.

        Học chung, thi chung với tôi nhưng Phú không bao giờ qua được “cửa ải” Tú Tài 1 vì anh học hành “nghiêm chỉnh” hơn tôi nhiều. Tôi thì “chơi” bất kể giờ giấc, học bất kể giờ giấc, học tới sáng bạch, ăn chén cháo - con nhà nghèo - xong đạp xe đi học. Phú thì không thể như vậy được. Anh ta bảo: “Hại sức khỏe. Hại sức khỏe”. Chín giờ tối, anh ta lên giường rồi, còn tôi thì còn ngồi… “càphê Lạc Sơn”. Cũng phải  thông cảm cho anh ta một chút. Từ nhỏ, anh bệnh họan nhiều. Rõ ràng là anh nhỏ con, như anh bạn chí cốt Lương Thúc Trình của tôi vậy. Có lẽ hồi nhỏ anh còn bị té, mặt va vào cây bả đậu, có khi “mặt va thùng đinh” hay “bàn chông” Việt Cộng. Người ngợm như vậy, mặt mày như vậy mà anh ta cũng có vợ đấy, nhưng hơi chậm, và anh khỏi bị động viên”.

         Có lần Phú nói với tôi: “Tấm da cọp treo dưới nhà là tấm da cọp bắn trong một lần đi săn với “Đức Kim Thượng”. Nhiều người đòi mua nhưng ba mình không bán. Kỷ niệm quí của ông.”

Con hổ nầy bị bắn ở Đá Nổi (2), phía trên Ba Lòng, trước khi Đức Kim Thượng thoái vị. “Đức Kim Thượng” là người cao nhất hiện thời, là Kim. Kim Thượng là vua. Tiếng người dân tôn kính gọi vua trước 1945. Trong trận chiến năm 1972, sau khi quân Cộng Sản Bắc Việt xâm lược chiếm được “Quảng trị tui”, tấm da hổ kỷ niệm với Đức Kim Thượng của ông Sang trôi giạt về đâu? Uổng thiệt.

Thời Ngô Triều, ông cụ ̣ Phan Xuân Sang cũng thường nói ông là bạn đi săn với ông Cố Vấn ̣Ngô Đình Nhu. Chỉ có thế, ông không kể gì thêm.

Đường số 9 là đường qua Lào. Bắt đầu từ Đông Hà, lên Cam Lộ, Ca-Lu, Khe Sanh, Lao Bảo. Bên kia Lao Bảo là nước Lèo, - nước Lào đấy, xưa người ta thường gọi là Lèo. Nhờ con đường nầy, người ta dễ đi sâu vào rừng để săn cọp.

        Phú kể: có lần ông bố đi săn ở Khe Sanh, - (người viết: Những năm đầu đời nhà Ngô, tình hình còn yên bình.) – ông đi săn, gần một buôn làng của người Vân Kiều hay Stiêng gì đó, nghe ở buôn làng bên cạnh có tiếng người la cầu cứu, tiếng mỏ, tiếng cồng, tiếng thùng, nồi… đánh dữ dội. Ông bố liền xách súng chạy qua. Tới nơi, ông thấy một con cọp, đứng thẳng lên bằng hai chân sau, hai chân trước đang cào vào vách tranh của một cái nhà thấp. Ông nghĩ bụng: “Con cọp nầy dữ ghê.” Ông liền núp phía sau lưng cọp, bắn liền mấy phát  - ông săn bằng  súng Shotgun hai nòng. Con cọp gục ngay tại chỗ. Xem lại, ông thấy đó là con cọp què một chân trước. Ông từng nghe “dân mọi” địa phương nói tới con cọp nầy. Cọp què dữ và táo tợn, núp bắt người đi đường giữa ban ngày. Bộ da con cọp nầy, ông bán được hai chục ngàn, giá thời đầu thập niên 1960.

        Lại một hôm, ông Sang kể, hôm đó ông đi săn ở Khe Sanh về, ông lái xe chạy theo đường số 9. Gần tới Cam Lộ, qua một khúc quẹo, đèn xe hơi chiếu vào một đống to sù, sáng lấp lánh, nằm bên góc đường. Qua khỏi đống sáng ấy hơn mười mét, ông dừng xe lại, xách súng đi ngược lui. Nhờ đèn săn, ông biết đó là một con trăn rừng rất lớn đang nằm cuốn tròn lại. Ông đưa súng nhắm hướng bắn. Hai người cùng đi với ông cản lại. Con trăn to quá, lỡ nó không chết, quật lại thì “bỏ mạng”. Ông không nghe, ông “gan” hơn họ. Sau khi thấy được cái đầu trăn, ông nhắm vào đó, bắn hai phát. Xong, ông nạp đạn bắn thêm hai phát nữa. Con trăn nằm im. 

          Ba người, - ông và hai người kia -, vất vả lắm,  mới khiêng được con trăn bỏ lên xe, chỗ phía sau. Con trăn đã chết rồi mà nó còn vùng vẫy, đôi khi quẫy mạnh, khiến anh ngồi sau sợ quá, phải leo lên ngồi trên thành xe.

          Da lột đem bán, thịt để ăn và biếu bạn bè. Khi Phú nói chuyện với tôi xong, anh ta vào bếp, lấy cho tôi một miếng to bằng bàn tay. Miếng thịt trăn còn nhúc nhích, tôi sợ quá, không dám nhận.

 

MỘ ÔNG NĂM Ở MÃ TÂY LÀ AI ? 

Bà Năm quê ở làng Trà Trì, bỏ làng đi ra Bắc khi bà còn trẻ. Mấy chục năm sau, bà giàu có, trở lại Quảng Trị, mua ruộng ở làng, mua phố ở thị xã, xây nhà ở với chồng, và xây chùa “cúng Phật”. “Chùa Bà Năm” nằm trên đường Nguyễn Hoàng nối dài, đoạn gần trường Thánh Tâm cũ. (3)

ngả rẽ theo o lái xe đạp quẹo tay phải gọi là đường Nguyễn Hoàng sẽ đi qua Chùa Bà Năm 
                             ***

Chồng bà là một ông Quan Năm Tây - ngày nay gọi là Trung tá - đã về hưu, không về Tây mà ở lại quê vợ. Thỉnh thoảng ông đi săn cọp, voi ở rừng Trường Sơn để giải trí. Một lần, gặp con voi rừng, thường gọi là “voi một” - voi sống một mình - thường là voi dữ. Ông đưa súng nhắm vào mắt voi để bắn, nhưng trật. Con voi chỉ bị thương, xông vào ông tấn công. Hoảng hồn, ông trèo lên cây. Cây nầy không lớn, bị con voi xô ngã. Ông Năm té xuống, chưa kịp chạy thì bị voi lấy chân chà lên người ông Năm. Ông chết ngay tại chỗ. Bà Năm đem ông về chôn tại Mã Tây. 

Mã Tây là khu nghĩa địa cho người Tây chết tại Viêt Nam, không đem về nước. Nghĩa địa nầy khang trang, đẹp đẽ, có hàng rào xi-măng, các ngôi mộ đều xây xi-măng. Mộ ông Năm lớn nhứt, nằm chính giữa, có nhà mồ. Tôi tò mò, từng vô coi mộ ông Năm một lần với ông anh cả tôi. Khu mộ nầy nằm phía ngoài Cửa Tả thành cổ Quảng Trị, cửa ngó về hướng Nam, dọc theo đường Trần Cao Vân, nay là đường 49C. 

Sau khi ông Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, đuổi Tây về Tây, cả người sống lẫn người chết. Lính Tây, lính “Tây đen rạch mặt” (Sénégalais), lính Ma-rốc… chôn ở sân trước nhà thờ Thạch Hãn – trên đường Quang Trung –, chôn ở bến xe Nguyễn Hoàng, sau làm bến xe - và ở Mã Tây, đều theo nhau “hồi hương”. Xương cốt ông Năm cũng về Tây, khi ấy bà Năm qua đời đã lâu rồi./

Hoàng long Hải

25 tháng Chạp / năm Tý  (2021)

(ST từ mail thầy Thái Công Tụng/con dân Cam Lộ Quảng Trị)

 ======================== 

chú thích của ĐHL 


(1): Nhà May Phan xuân Sang còn có người con gái tên Hương. Chị Hương nay ở Oakland, tiểu bang California Hoa Kỳ. Ngày xưa người ta hay kêu bà Đào phu nhân của Bác Sang là Bà Trọng do lấy tên con trai đầu mà gọi 

(2): bến đò lên quận Ba Lòng thời TT Diệm, gọi là Đá Nổi do bãi sông toàn là đá to (nửa cái đầu) nhẳn thín, bước chân khỏi đò đi nghe rào rạo. ĐHL có lên Ba Lòng thời còn bé nhỏ lúc thân phụ làm trưởng chi CA quận này 

(3): thành phố QT có Chùa Bà Năm  lối đi theo ngả rẽ ở Đường Trần H Đạo gần tiệm nhà máy đèn hay tiệm Đông Mô Tô. Ngả rẽ này dẫn về đường Quang Trung

LẨM CẨM CHUYỆN NGÀY QUA - CHỞ CON ĐI THI

 



Hai tay tôi cứ ôm ghì trên vô lăng,  tập trung tất cả tinh thần để lái chiếc xe wagon buick 'gà tàng' theo Freeway 101, một xa lộ lúc nào cũng đông xe, bận rộn nhất bắc Cali này. Xe đi quá phi trường San Francisco một đoạn rồi quẹo phải. Mừng quá, tôi đã đi đúng địa chỉ- trung tâm con tôi thi hôm nay đây rồi!



Mới qua Mỹ, tôi mua được chiếc xe đầu tay. Tôi phải ký cóp trả góp tới mấy tháng. Dù xe cũ, nhưng đó là lần đầu tiên tôi làm chủ một chiếc xe, quả thật là 'hoách'. Nói khác đi, tôi tự cho đời mình đã "lên hương". 




Thật ra, xe chỉ là phương tiện đi lại bình thường ở nước Mỹ, nhưng đối với tôi quả là một chặng "đổi đời".  Vừa qua nước Mỹ, tôi phải lo đi học lái  xe. Nhớ chuyện 'trần ai' khi tôi phải tới DMV tức là Cơ Quan Lộ Vận rồi thi tới thi lui  tới ba lần mới đậu được bằng lái. Ai mà cho tôi đậu ngay được? một người như tôi, hai lòng bàn tay chưa hết chai sần do cầm cuốc rựa. Hai mươi năm rìu rựa bong tay từ tù cho đến lúc về nhà, có vợ con cùng tháng ngày chật vật với nương khoai rẫy sắn.  Qua được xứ Mỹ, tiếng Anh tiếng Mỹ đa phần 'ú ớ' làm sao. Tôi nhớ lần thi thứ hai, bà giám khảo người Mỹ từng hoảng hốt giật phăng tay lái của tôi- do tôi chen lane quá ẩu, suýt gây tai nạn. Nhưng tôi nhất quyết phải đậu cho được bằng lái xe. Cả gia đình mới qua, nhất là năm đứa con tôi đang cần tay lái của ba nó. Nào là chuyện đi khám bác sĩ, hay đưa đón con tới trường, ngay cả dịp chở con đi thi hôm nay.


*


Tôi chỉ mong chở con tới nơi, tìm ra chỗ đậu xe. Người cha như tôi chỉ mong ngần ấy. Nhớ ngày mới qua, đi đâu cũng lật bản đồ in sẵn.  Thứ bản đồ này tiệm xăng nào cũng có bán; mỗi cái khoảng ba bốn đồng bạc. 

Vừa lái xe, tôi vừa thầm thì trong miệng:


- Ta theo Freway 101, lên quá Phi Trường SFO, vượt đường X rồi đến Y chẳng hạn, xong quẹo phải gặp đường Z cua trái...v v 


Lẩm nhẩm trong miệng như thế, tôi chẳng khác gì một ông thầy pháp đang đọc "bùa chú".  Giống gì thì giống, đó là cách tôi tự dò theo bản đồ chỉ dẫn để khỏi lạc đường. Thật vậy, lúc đó tôi rất sợ lạc vào thành phố San Francisco. Mới lái xe, giá như mà đi quá đà, lạc vào San Francisco có lẽ tôi sẽ bị "tẩu hỏa nhập ma" mất. 


Khác với thời này, đi đâu cũng nhờ vào định vị vệ tinh GPS, tài xế cứ lần theo  chỉ vẽ trong máy Iphone rồi  theo nó là xong.


Thật là một  kỷ niệm đáng nhớ. Một gia đình vừa thoát khỏi vùng kinh tế mới: đói- thiếu kinh niên, qua được xứ Mỹ. Trong lòng hai vợ chồng lúc nào cũng "tòn ten"  nhiều ước mơ học hành cho con cái.


Chiếc xe tuy gọi 'gà tàng'  nhưng nó quả là "con ngựa trung thành" giúp tôi nhiều việc. Ngoài việc chính lái nó hàng ngày đi làm thợ assembler, biết mấy lần nó giúp tôi chở con đi phỏng vấn xin vào đại học.
 Hàng cuối tháng, tôi còn bới xách gì đó cho con.

***

 Làm sao tôi quên được cái cảnh người cha kiên trì ngồi đợi  hằng mấy giờ dưới parking một hãng hay văn phòng nào đó. Trên căn phòng của công ty lấy hẹn kia, con tôi đang được phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn đó không phải để xin việc làm nhưng trường đại học con tôi nạp đơn mượn chỗ lấy hẹn phỏng vấn cho nó mà thôi. Ngồi trong xe đợi con, lòng người cha cứ mãi lầm thầm khấn nguyện trời phật, ông bà phò trì phò hộ cho đứa con gặp điều may mắn... 


Rồi lại đến hôm nay, tôi thêm một lần nữa mừng rỡ do được dịp chở con trai thứ hai tới đúng nơi hẹn thi MCAT.

Tôi mở cửa xe cho con vào thi. Người cha ở lại bên ngoài parking. Tôi chẳng cần tính chuyện thời gian đợi lâu mau, chỉ một lòng khấn nguyện phật trời...


*




Ngọn gió biển buổi xế chiều từ vịnh San Francisco khiến tôi cảm thấy mát đến lạnh người. Trung tâm thi sát vịnh nên gió biển thổi vào lồng lộng. Một mình đứng đợi, tôi thư thả có dịp ngắm vài cánh buồm của mấy chiếc thuyền thể thao im lìm lướt sóng. Người chơi thuyền  dật dờ tới lui; trước mắt tôi, tất cả đều lạ lẫm. Tiếng qua Mỹ khá lâu, nhưng tôi chỉ ru rú ở San Jose chẳng dám đi xa, ngoại trừ cái việc là LÀM TÀI XẾ CHO CON.


Buổi thi hôm đó lâu thật. Trời đã về chiều mà con tôi chưa ra. Gió biển càng lúc càng lạnh. Tôi có thể vào xe tránh gió, nhưng tôi muốn ngắm  biển Vùng Vịnh. Hôm nay là lần đầu tiên tôi mới có thì giờ thoải mái đứng ngắm vùng biển Cựu Kim Sơn nổi tiếng đẹp và yên tĩnh.


*


Năm đứa con đang trên con đường học vấn. Tài xế cho con đi học trường này, đi thi nơi kia, học thêm học phụ, làm thiện nguyện làm sao tôi có thì giờ đi chơi đây đó được? 


Bao nhiêu ước mơ, giờ đây tôi thấy chúng đang hiển hiện. Quả là những phần thưởng khiến tôi không bao giờ biết khó nhọc là gì.


mũi tên hướng vườn điều và mái tranh nghèo gia đình tôi trước đây. Ngày hôm nay thời thế thay đổi, quê nhà nay đã khác xưa, có đường nhựa và cột điện lưu thông cùng tháp sóng ở phía xã Sơn Mỹ trên xa

Từ giã quê hương, trước hết bàn tay tôi được giã từ rìu, búa của người tiều phu ngày ngày vào rừng đốn củi kiếm tiền độ nhật. Gia đình tôi đã thoát được một quãng đời tăm tối nơi quê nhà. Tới quê hương mới, rõ ràng chúng tôi làm lại từ đầu qua hai bàn tay trắng. 


Giã từ một quá khứ "đốt rẫy làm nương" 

Tôi tiếp tục thư thả ngó ra biển... một quá khứ lướt qua như một giấc mơ. Bao nhiêu kỷ niệm lại hiện về trong một buổi chiều. Chính lúc này đây tôi có dịp ngó lại hai bàn tay mình chợt mừng vì những vết chai sần nứt nẻ trong quá khứ gian truân bên trời quê hương nay thực sự đã hết. Đôi bàn tay của người tiều phu bất đắc dĩ ngày đó không có thì giờ để lành lặn vết thương...cũng chấm dứt. Hình ảnh cánh rừng thâm u, bụi khói của những ngày đốt rẫy làm nương giờ chẳng còn trở lại. Tôi thật sự đã xa rừng xa tiếng chim kêu, vượn hú, một nắng hai sương, đôi bàn tay và hai vai nhức nhối. Những nhát búa và vết thương bàn tay chưa kịp lành lại thêm một lần trăn trở với đau đớn thịt da. Có thể những cảm giác ngày đó chỉ có tôi nhớ thật lâu do cảm giác đau đớn đó từng dày xéo thân tôi, một mình trong rừng.


*

Đất nước Hoa Kỳ từng dang tay đón nhận biết bao nhiêu thân phận và hoàn cảnh giống tôi. Giờ so lại, tại đây có gian nan cực khổ gì cũng là thiên đàng nếu so với ngày tháng cũ. Tương lai, mấy con tôi sẽ tự hào, kiêu hãnh những gì đạt được nơi quê hương mới. Chắc hẳn, các con tôi sẽ không bao giờ tưởng tượng ra những điều cha chúng thường nghĩ:

 Hãy trân trọng một quá khứ đói nghèo do đó là sức bật thăng hoa cho một tương lai tươi sáng.


Gió biển càng về chiều càng trở nên lạnh buốt giúp tôi chợt tỉnh để trở về với nhiệm vụ. Tôi vội vàng mở cửa xe quăng mình vào trong. Con trai tôi đã thi xong. Kết quả buổi thi này sẽ quyết định  cho những sinh viên ước mơ vào con đường y khoa bác sĩ. 





Trên đường về, tôi hồi hộp chẳng dám hỏi con; nhưng nhìn nét mặt phấn khởi của con, tôi mừng thầm do tin chắc nó đang có gì toại ý.  Xa lộ Freeway 101 hôm nay dường như vui hơn mọi khi. Chiếc xe 'gà tàng' thân yêu của tôi chạy thật êm như biết 'hòa chung' niềm vui cùng chủ./.


ĐHL Rằm tháng Tư Phật Đản 2022 



Friday, September 2, 2022

CHUYỆN CHIẾC ĐỒNG HỒ TIMEX và ƯỚC MƠ BA của 3 THẾ HỆ



 

Bạn đọc thân mến

Trước tiên mời bạn đọc xem một ký ức của người em trai tôi,  Đinh trọng Thiện...

***

                                                    ba tôi 1964 (Lido Ảnh Quán QT)



NGƯỜI BẠN MỸ CỦA BA TÔI.


Kính nhớ hương linh Thân Phụ


Những năm đầu của thập niên bảy mươi,cuộc chiến ở miền nam ngày càng trở nên khốc liệt,chiến tranh lan rộng không phải chỉ trong những cánh rừng xa mà đã về phía ngoài thành phố nơi tôi ở. Huế, những ngày này từng đoàn xe lũ lượt xuôi vào Đà Nẵng,người dân như tiên đoán được mùi vị của một cuộc chiến đẫm máu đang chực chờ bên hông nhà. Ba tôi lúc này ít khi về nhà. Ba  đang công tác ở ty cảnh sát Quảng trị,thỉnh thoảng Ba ghé tạt qua nhà rồi vội vã đi,những gia đình của các viên chức Mỹ ở cạnh nhà tôi hình như đang chuẩn bị cho một sự thay đổi mỗi khi họ tiếp xúc với mọi người,dù không nói ra nhưng thâm tâm họ đang nhìn mọi người bằng ánh mắt của một người sắp phải chia tay, sắp phải ra đi không một lời từ biệt. 




Gia đình của James,cũng vậy, James ở cách nhà tôi mấy chục mét, vợ của James người Việt nghe nói ở đâu đó tận miền tây. Họ có một con gái khoảng một hai tuổi. James và vợ thường hay bồng con mỗi tối, khi đến nhà tôi chơi. Vợ của Jame thích đánh bài tứ sắc như mẹ tôi, nên cứ mỗi chiều khi người chồng Mỹ đang ở công sở, chị ấy bồng con qua nhà tôi, gửi con cho chị tôi để bốc bài cùng mẹ tôi và mấy bác hàng xóm. Chị tôi rất thích cô bé  lai Mỹ này. Bé rất xinh, tóc quăn, mắt to và sâu, da trắng ngần như con búp bê người ta trưng bày trong cửa hiệu. James rất thích ba tôi. Dù không biết tiếng Anh, nhưng tiếng Pháp thì ba tôi rất thạo. James lại biết nói tiếng Pháp, nên vô tình ba tôi trở thành người bạn tâm giao cho James. Có thể sự thèm thuồng giao tiếp của những con người xa xứ nên ba tôi trở nên rất thân với James.
 Có một dạo Jame từ công sở về, chạy vội qua nhà tôi khi hay tin ba tôi ở QT mới vào. James tặng cho ba tôi một chiếc đồng hồ đeo tay. Nhận chiếc đồng hồ trong tay Jame, ba tôi đeo ngay vào tay mình trong con mắt hài lòng, vui vẻ của James.

Một tháng sau, ba tôi lại về nhà. Như mọi lần, Jame lại sang chơi; nhưng tự nhiên khuôn mặt của James bỗng trở nên buồn bã khi không thấy chiếc đồng hồ mà James đã tặng cho Ba tôi đeo trên tay nữa? James ngồi chơi, nói chuyện với ba một hồi rồi xin phép ra về. Khuôn mặt James thoáng buồn, nhưng không hỏi gì. Trong thâm tâm, Jame nghĩ rằng ba tôi đã bán đi kỷ niệm mà ông đã tặng cho ba. Sau này một hôm mẹ tôi qua nhà chơi, James mới dọ hỏi mới biết ba tôi đã cho anh tôi chiếc đồng hồ để biết giờ giấc học hành. James không buồn nữa và mỗi lần thấy ba tôi Jame cứ nhìn Ba với đôi mắt xin Ba tha lỗi đã hiểu lầm. Ba đã không biết gìn giữ món quà thân hữu mà Jame đã tặng cho người bạn Việt.

Một hôm nọ từ công sở trở về James lại sang nhà tôi. Lúc này Ba đang nằm trên chiếc ghế bố để nghe tin tức. James đến gần ba và trao cho ba một chiếc đồng hồ khác. Trong mắt James, ba như là một ông bố thiếu thốn nhưng nhiều tình cảm đã chia sẻ cho con cái kỷ niệm mà Jame đã tặng cho ba. Với Jame, tình cảm bạn bè giữa người bạn Mỹ dù không thắng được sự sẻ chia cho con cái với tình một người cha đã biết cho đi  những gì mình đang có. Điều này cũng mang nhiều ý nghĩa cho James; để khi về nước James sẽ nhớ hoài một kỷ niệm với người bạn Việt bên kia Thái bình Dương.
Đinh trọng Thiện


                                    ***

TỪ KỶ NIỆM  CHIẾC ĐỒNG HỒ TIMEX (trong phần đầu câu chuyện)
và ƯỚC MƠ CỦA BA THẾ HỆ 

ĐHL


       L.19 hay đậu tại phi trường Tây Lộc trước 1975


    Sau năm 1968 chợ Tây Lộc xây mới với cái tên là chợ Trần quốc Toản. Từ chợ ngó ra phía sân bay Tây Lộc vẫn còn thấy mấy chiếc "đầm già"- L 19 bay lên, xuống. Thỉnh thoảng  cũng có vài chiếc Cessna, loại này trông từa tựa như L.19, chỉ khác ở màu sơn- hai màu xanh trắng rõ ràng. Vào thời đó, người ta nói, Cessna hay dành chở cố vấn Mỹ.

 Chợ mới Tây Lộc xây xong, mẹ đích tôi bắt đầu bán cháo gà tại đây. Gánh cháo mẹ tôi, nhờ nấu ngon nên khi nào cũng bán hết sớm.

 Sau năm 1969, dãy nhà cư xá công chức gần chợ Tây Lộc cũng xây xong. Gia đình mẹ đích tôi may mắn, mua trả góp được một căn. Đã hơn năm mươi năm, đến nay tôi vẫn còn nhớ số nhà 45 Trần quốc Toản -Tây Lộc. Dãy nhà công chức đó gần nhà ông cố vấn Mỹ lấy vợ Việt Nam. Mẹ tôi quen với vợ ông Mỹ đó trong những lúc đánh bài tứ sắc với bà. Quen nhau lâu ngày, bầy con mẹ tôi lại kêu bà đó là dì Hai. Hồi này ông James lại thuê căn lầu gần cư xá công chức đó nên ba tôi mỗi dịp từ QT vào nhà lại tới thăm vợ chồng ông Mỹ đó. Ông James biết tiếng Pháp, trong lúc ba tôi khá rành Pháp ngữ nhưng không biết Anh văn, cũng là dịp cho hai người làm quen, trò chuyện. James xa Hoa Kỳ lâu ngày, về Tây lộc có bạn đàn ông chuyện trò, ông lấy làm thích. Hình như ông James muốn ba tôi làm bạn để rèn luyện Pháp ngữ còn ba tôi thì cũng khoái trong bụng do nhờ có ông James để ôn lại "vốn liếng" Pháp văn của ông đã nguội lạnh từ thời Pháp về nước.

Chuyện không ngưng  ngang đây ...



Nhờ tra cứu vào Google tôi tìm lại được hình ảnh cái đồng hồ Timex năm xưa mà ba tôi trao cho tôi vào năm lớp đệ tam giống y hệt cái hình này


    Năm tôi lên lớp đệ tam, niên khóa 1969-70, có điều làm tôi sung sướng nhất là được ba tôi tặng tôi một cái đồng hồ hiệu TIMEX. Nói sao cho hết niềm sung sướng của tôi; do đây là chiếc đồng hồ đầu tiên trong đời. Thú thật đồng hồ đeo tay thời đó học sinh làm gì sắm nổi. Ngày nào tôi cũng mân mê cái đồng hồ. Tôi không thể nào quên cái tên TIMEX cùng hình dáng của nó. Khó có ai vào thời gian này biết 'thông cảm' cho cảm giác sung sướng của một cậu học trò được mang cái đồng hồ đeo tay. Cảm giác đó rất khác với thời nay. Thời nay, đồng hồ đeo tay nhan nhản đủ loại, đủ kiểu, bày bán khắp nơi không ai thiếu; thậm chí chẳng ai cần đeo do có trong iPhone rồi.

   Người viết lại xin trở lại cái đồng hồ đầy ắp kỷ niệm nói trên. Ba tôi ân cần trao cho con, một buổi thiếu thời như ngầm khuyên khích tôi hãy cố gắng chăm học. Ba tôi có kể, do ông Mỹ nào đó trong Tây Lộc tặng cho ba tôi chiếc TIMEX kia chứ không phải ba tôi mua. Ba tôi có sao nói vậy. Còn tôi thì nhớ lại cái ngày vô Tây lộc (1970), hai cha con tới nhà thăm ông Mỹ đó. Ông về nhà là kêu vợ cái tiếng "darling" cho đến nay tôi còn nhớ. Tôi không quên kể lại cho bạn đọc nghe, tôi có 'dạy' cho ông ta trọ trẹ chỉ hai  câu:

- Mình ơi!
 hay 
-Mình ơi, có chi cho anh ăn không ?
 
Nhưng coi bộ ông khó nói cho giống cái 'giọng' của tôi- nặng ơi là nặng. Cái ông Mỹ này kỳ thật. Ông ta cứ "lôi" trong tủ lạnh ra bia toàn là Budweiser lon ra uống thay nước thôi. Thật ra hồi đó tôi chẳng bao giờ thấy người Mỹ uống nước lạnh như Mỹ thời này. Tôi lại càng thấy lạ lúc nhìn tay ông ta cứ liên tục cầm lon bia này, uống xong lại sang lon khác, không ngưng... Dù sao ông Mỹ này thuơng ba tôi mới tặng cho ba tôi cái đồng hồ. 


   Có cái đồng hồ TIMEX trong tay, đêm về tôi hết ngắm ánh sáng mờ mờ từ cây kim chỉ giờ. Tôi lại ngậm vào miệng rồi dùng hai ngón tay bịt vào hai lỗ tai để nghe thử có tiếng kêu dội vào trong "bong bong" hay không? Tôi tin lời ai đó cho rằng đồng hồ mà kêu "bong bong" như tiếng chuông kêu thì là loại tốt. Thời đó, đồng hồ đeo tay phải được lên giây hàng ngày, chưa có loại tự động lên giây như sau này. Một thời, các bác các chú hay mang cái đồng hồ hiệu Wyler của Pháp, có dây nhôm cùng phải cũng lên giây như nhau cả. Thật ra, đồng hồ TIMEX vào lúc đó thuộc về đời mới do người Mỹ đem qua Việt Nam.


NĂM 1971 VÀO HUẾ THI TÚ TÀI 1 TAY TÔI CÒN ĐEO CHIẾC ĐỒNG HỒ TIMEX KỶ NIỆM (hình chụp tại Phú Lương với em con chú)


***

   Cho đến năm 1971 lúc tôi đi thi tú tài, năm đó trên thị trường bắt đầu có đồng hồ SEIKO tự động (automatic) được bán khá nhiều. Thích thì thích, nhưng  tôi vẫn mang cái đồng hồ TIMEX của ba tôi tặng thôi. Sau biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tôi vào lính cái đồng hồ để lại cho gia đình. Đời quân ngũ, 'lăn lộn, bò lết' trên bãi tập, chẳng ai còn mang đồng hồ do quá bất tiện. Đời sống quân trường, mọi sinh họat đều theo tiếng còi. Những người lính mới, răm rắp theo lệnh nên tôi chẳng còn mang đồng hồ theo nữa.


   cái đồng hồ Timex này chạy pin, tôi mua tặng con trai tôi năm lên lớp 10 tại Mỹ 

 
   Qua Mỹ một thời gian, năm con trai tôi vào lớp 10, bất chợt tôi nhớ đến ba tôi và kỷ niệm cái đồng hồ Timex , thế là tôi đi tìm tại Hiệu Target mua cho ra cái đồng hồ cùng tên Timex để tặng cho con trai mình. Nhưng chiếc đồng hồ thời nay không thể nào giống y cái đồng hồ năm xưa ba tôi tặng tôi được. (tôi xin mở ngoặc không có lumineur như cái ba tôi cho tôi và lên giây vì hồi này chưa có đồng hồ chạy pin). Tôi kể lại kỷ niệm với con trai út, lý do tôi tìm đồng hồ TIMEX tặng cho nó. Tôi thầm ước, có thể con trai tôi không nói nhưng nó lại 'âm thầm chăm học'  ít ham chơi, (ngoại trừ games điện tử vì nó thích đi ngành điện toán). Tôi có niềm tin, huơng linh ba tôi cũng phò trợ cho cháu nội, may mắn tốt nghiệp trường trung hoc vùng tôi ở, nó được thủ khoa.

Tính nó kín đáo đến nổi ra trường thủ khoa không cho ba nó biết. Đêm vinh danh thủ khoa tại trường, chỉ có mẹ nó đi theo chơi nhưng cũng không biết con trai mình là thủ khoa của Trường trung học Pied Mont Hills High School năm 2009. sGiá như ba mẹ nó biết thì tìm cách đem anh chị nó đi theo mừng và quay một khúc phim hay đem máy hình theo chụp làm kỷ niệm một niềm vui sướng cho cả gia đình.  

cùng vợ chồng ac Hồ đắc Nhơn, vc bạn Bùi Bá -Khánh Hội tới chơi tháng 9 năm 2011 (trái qua: anh Nhơn, chị Oanh (bà xã anh Nhơn), Túy Huệ (bà xã ĐHL), Tôn nữ Khánh Hội (bà xã Bùi Bá), Bùi Bá, ĐHL)

*
May thay, có một ngày có vợ chồng bạn học tên là Bùi Bá đến chơi. Bạn tôi đọc lại cuốn danh sách tốt nghiệp trung học niên khóa của con trai tôi, chợt bạn Bá chỉ vào cuốn brochure nói lớn đầy vẻ ngạc nhiên:

Ôi! con bạn "Thủ Khoa" răng mà không nghe nói chi hết rứa?

Tôi  quá ngạc nhiên, vội đem tấm bằng của con ra xem lại mới biết bạn mình nói đúng. Tôi quả vô tình, tấm bằng con đem về không đọc kỹ lại lo cất đi. Cuốn Brochure cũng để yên vậy không đọc kỹ, thấy con đem bằng về là an tâm cất kỹ và đâu có nghĩ tới chuyện con mình là "thủ khoa" đâu?
hai cha con  tại Arena Theater San Jose 2009- ngày con trai mãn khóa trung học 



bằng tốt nghiệp Thủ Khoa trường Trung Học Piedmont Hills High School -San Jose (valedictorian (bên trái) / summa cum laude (bên phải) 
của đứa con trai út Đinh trọng Viễn Dương của người viết niên khóa 2009

chứng chỉ thu nhận của Đại Học Harvard năm 2009

 
Hè 2009, sau khi nộp đơn lên đại học cháu nó lại được một loạt các trường đại học có tiếng tại Hoa Kỳ như Princeton, Harvard và Stanford và hầu hết các trường UC của California như   UC Berkeley,UC Irvine, UC L.A, UC Davis, UC San Diego..cùng các trường khác  thu nhận cùng một lúc. Ôi đó quả là niềm hạnh phúc quá lớn cho vợ chồng tôi từ ngày giã từ miền đất khổ để được qua đất nước Hoa Kỳ.

Tôi có niềm tin rằng: huơng linh ba tôi ở chốn suối vàng đã rất hài lòng và mãn nguyện cho cháu con.

NHỮNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC GỬI THƯ THU NHẬN VỀ CON TRAI ÚT CỦA NGƯỜI VIẾT

HAVARD UNIVERSITY


     


                PRINCETON UNIVERSITY



STANFORD UNIVERSITY






UC BERKELEY





     UC  IRVINE



UC LOS ANGELES 






          UC SAN DIEGO







UC DAVIS


Chuyện hai cái đồng hồ Timex, ba thế hệ: cha - con - cháu , truyền thừa cho nhau cùng một ý niệm chung là 'MONG CON CHĂM HỌC'. Đời tôi, tuy dang dở công danh nhưng ý nghĩa cái đồng hồ TIMEX đầu đời đã hằn sâu trong tâm khảm cho đến hôm nay. Đời cháu của ba tôi, tôi tin chắc rằng sẽ chẳng còn 'dang dở' vì đây là xứ sở của cơ hội. Sức bật đi lên có thể từ ước mơ thầm kín hay sự kỳ vọng từ niềm cảm xúc của con tim.

    Cái đồng hồ trong hình của bài viết này là cái Timex mà con tôi để lại khi nó không còn dùng nữa trong thời gian vào đại học. Nhưng tôi sẽ cất nó làm kỷ niệm để nhớ cái đồng hồ TIMEX năm xưa mà ba tôi đã ân cần trao cho tôi và người sẵn sàng chấp nhận sự 'buồn lòng' hay 'coi thuờng ' từ người bạn Mỹ tên James.




dưới mái tranh nghèo (Sơn Mỹ -Hàm Tân tết năm 1992-1993)

***

 




 Hơn bốn mươi năm qua, chuyện ra đi từ thành phố Quảng Trị xa xưa vào năm 1972 đong đầy đau khổ. Trong khói mờ lửa đạn, có những người cố vấn Mỹ giã từ cái xứ sở khốn nạn của chiến tranh. Trong muôn triệu câu chuyện từ quê hương vươn dậy trong đau thương gian khó, có kỷ niệm cái đồng hồ TIMEX của ba tôi. Cho đến nay, khi em trai tôi viết lại bài hồi ức về câu chuyện ba tôi [* thien dinh Trong], chuyện cái đồng hồ và người bạn Mỹ của ba mẹ tôi tại Tây Lộc tên James, tôi mới có cơ hội viết lại chuyện này như để tưởng niệm về hình bóng thân yêu của cha già nay đã khuất mờ trong vùng dĩ vãng./.

kính nhớ hương linh thân phụ

ĐHL 17/3/2015 

edit 15/6/2022

=============

HỐ ĐEN CÓ THẬT CHĂNG? HỐ ĐEN LÀ GÌ?

 HỐ ĐEN LÀ GÌ? HỐ ĐEN HAY LỖ ĐEN theo định nghĩa của THIÊN VĂN HỌC là một vùng không gian có lực hấp dẫn quá lớn không có thứ vật chất nào h...