Saturday, September 3, 2022

QUẶNG TITAN- ƯỚC MƠ ĐỔI ĐỜI CỦA MỘT THÔN NGHÈO VEN BIỂN

 







hình minh họa Đụn cát có TITAN 

QUẶNG TITAN  

Chào bạn đọc

CHUYỆN KỂ SAU ĐÂY CỦA MỘT TIỀU PHU THỜI GIAN SỐNG VỚI THÔN LÀNG GẶP NGƯỜI DÂN VÉT CÁT TITAN ĐÓ LÀ NHỮNG ƯỚC MƠ CHÁY BỎNG DO MIẾNG CƠM MANH ÁO...

 

*

QUẶNG TITAN-  ƯỚC MƠ CỦA MỘT THÔN NGHÈO VEN BIỂN

ký ức




Chiếc xe đạp thồ với đống củi chất đầy của anh bán củi  vừa vượt qua khỏi quán Ông Uy thì bắt đầu đổ dốc. Hình ảnh cái quán nghèo với một ông già có bộ quần áo vá cả trăm mảnh cùng cái ống thuốc lào dài lê thê bên cạnh đã trở thành quen thuộc trong mắt một kẻ tiều phu như anh. Cái quán của ông Uy là điểm dừng chân của người vừa dưới dốc lên. Họ đi chợ tỉnh về, họa hoằn lắm mới ghé quán ông già. Nhưng cũng từ cái quán này nó là điểm báo hiệu cho ai bắt đầu đổ dốc; phải chuẩn bị tinh thần cùng gân cốt sẵn sàng kìm lại một sức nặng bắt đầu lao xuống. 


Bắt đầu đổ dốc đó cũng là lý do cho  anh bán củi tạm quên đi hình ảnh ông ngồi giữ quán đang mơ màng bên cái ống thuốc lào cùng khói thuốc la đà, bay bổng. Anh phải gắng sức cùng chú ý ghì cho được chiếc xe củi nặng. Chiếc xe đạp thồ  đổ dốc Tân Sơn. Rừng cây đốn hết, con dốc sau nhiều cơn mưa lớn đầu mùa, hai bên là những hố sâu do nước xói. Nước lũ mùa mưa tạo nên nhiều hố nứt toang hoác. Mấy cái hố sâu là mối đe dọa thực sự, làm những ai đang thồ than củi đổ dốc đều rợn người lo sợ. Giá như không đủ sức để kìm sức nặng đang theo đà xuống dốc thì đố ai biết trước tai họa ra sao.



 hình minh họa: 1 xe thồ củi 


Hết dốc, con đường bằng phẳng hơn. Người thồ củi bắt đầu thở phào nhẹ nhỏm. Hôm nay anh chợt thấy lạ do nhìn thấy một bên con đường Tỉnh Lộ 23 có nhiều đống cát đen làm anh bắt đầu chú ý. Tuần trước anh có thấy một hai đống, nhưng anh chỉ nhìn thoáng qua, không chú ý làm gì.

Hôm nay có người trong thôn trả lời anh:

-Cát quặng Titan đó!

Giờ thì có quá nhiều đống cát đen titan. Những đống cát tuy không hàng lối thẳng ngay, nhưng số lượng của nó khiến anh tin điều người trong thôn vừa trả lời anh, đó là sự thật.

Sự thật kia là gì? 

có nghĩa là cái thôn này- nơi cha mẹ hai bên, anh và vợ anh cùng bà con thôn xóm cuộc sống chắc chắn sẽ thay đổi. Mớ kiến thức cỏn con ngày trước đi học tồn đọng trong trí óc, cho anh biết quặng titan người ta đang cần, thế giới đang cần để làm nhiều thứ hợp kim cần thiết. Anh nhớ mang máng, trong tạp chí nào đó ngày trước có nói về  "thép nhôm". Loại hợp kim khi dùng trong quân sự chúng vừa nhẹ vừa cứng. Nhờ vào titan nó tạo lợi thế cho những chiếc thiết vận xa M113 lội nước...rồi hôm nay kỹ nghệ sau chiến tranh chắc chắn phải cần nó. Người ta sẽ về đây tạo dựng nhà máy, xưởng lọc thôn anh sẽ hết nghèo, bà con em út của anh sẽ là những công nhân cùng đồng lương khá giả...

Còn nhiều ước đoán nữa, nhưng đó là nguồn tin tốt lành đến cho tất cả mọi người.

   con bò cố kéo xe cát titan trên con đường cát lún


Suy nghĩ tốt đẹp tràn đầy hi vọng khiến hôm đó anh thồ xe củi không biết mệt.

 Có mấy con bò cố gắng kéo chiếc xe đầy cát đen ướt, và lóng lánh hợp kim titan. Lớp cát đen chỉ đóng một lớp mỏng dọc bờ biển. Đoạn đường kéo cát từ ngoài biển vào con đường đất liên tỉnh xa khoảng non hai cấy số. Người ta hăng hái nạo vét những mớ cát ướt bỏ vội lên mấy chiếc xe bò. Mấy con bò nước dải ròng ròng mắt cơ hồ muốn trợn ngược. Chúng đang cố hết sức kéo như lết trên con đường lún cát…người và vật  đều cố gắng... chút nữa thôi, con đường ngoài kia không bao xa càng nhiều cát đen càng nhiều tiền.

do những đống cát đó là QUẶNG TITAN!

Mấy con bò cố mà lết. Chẳng đếm được bao nhiêu làn roi từ tay người chủ- nóng nảy, thúc hối, gò ép, tàn nhẫn vun vút đánh vào lưng...  Khối cát đen ướt đẫm, càng lúc càng nhiều, cao dần đổ thành nhiều đống cạnh con đường Tỉnh Lộ 23 chạy xuyên qua thôn Cam Bình.

Xã 'họp- thôn bàn', người dân trong thôn thì xầm xì mừng rỡ, ngóng tin... Ngư dân bỏ lưới và thuyền lo đi vét cát titan. Mấy bác làm ruộng, bỏ cày đi cào cát titan. Thợ rừng bỏ rẫy rừng, cùng nhau đi vét cát titan. Mấy con bò đúng ra giờ đó chúng đang kéo gỗ trong rừng hay cày ruộng, nay phải theo chủ đi kéo đất titan…mai đây sẽ có mỏ titan. Nghe đâu Liên Xô hay Tiệp Khắc sẽ mở nhà máy titan tại thôn này.  Nước nào cũng được, có việc là có tiền. 

Những làn roi vun vút, bò ơi gắng lên!  Ta cần càng nhiều cát titan càng tốt. Bà con phải vét thật nhiều cát đó mang vào. Mấy con bò thở hồng hộc một cách tội nghiệp, tiếng người hò hét cùng tiếng roi quất tron trót ...tất cả hợp lại thành một âm thanh huyên náo, hỗn độn, ai nghe đều cảm thấy hăng hái, nức lòng. Khác với tháng ngày trước, quang cảnh trước mắt người bán củi giờ như một ngày hội, thôn xóm cùng bà con anh sẽ được "lột xác, đổi đời", nói theo ước mơ của những người thiếu, khổ thời bây giờ.

*

THỜI GIAN QUA ...MỘT THÁNG, HAI THÁNG  ...BA THÁNG ...


Những ngày khác, người bán củi tiếp tục thồ củi xuống dốc. Anh chứng kiến những đống cát đen theo tháng ngày khô dần, vơi đi theo gió biển. Cứ mỗi lần về anh có ý hỏi lý do. Có người khá biết chuyện nói  cho anh hay vài lý do nào đó. Lúc đầu anh nghe xuôi tai nhưng ba tháng đã qua, giờ hỏi lại thì bác Cháu đội trưởng cũ nể mặt anh thồ củi trước đây cũng là dân trong đội, do lấy vợ mới lên ở trên dốc, nhưng bác chỉ trả lời ậm ừ cho qua mà thôi?!

Những chuyến cát thưa dần rồi dứt hẳn. 

Hôm nay đổ dốc, anh bán củi nay không còn gặp ai để hỏi nữa.

CON DỐC NĂM XƯA NGƯỜI TIỀU PHU HÀNG NGÀY ĐẨY CỦI VỀ 

1995- CUỐI DỐC TÂN SƠN VỀ THÔN CAM BÌNH xa xa là biển Hàm Tân 


Thế là hết!

Người tiều phu chắt lưỡi than thầm.

 Sự mừng rỡ trong lòng anh giờ  tiêu tan như bọt nước xà phòng. Trời sắp tết, nhiều ngọn gió mạnh từ biển vẫn tiếp tục thổi vào càng lúc càng nhiều. Sóng bạc đầu ngày đêm liên miên đập vào bờ cát đìu hiu. Mùa gió là mùa "đói cá". Ngư dân hết việc úp thúng; họ ngồi vá lưới chờ có dịp sóng êm, dù nửa buổi sẽ hối hả kêu nhau chèo thúng ra bờ kiếm đôi con cá vụn. 

Trong này, cư dân sống dọc theo con đường tỉnh lộ 23, đoạn băng qua mấy xóm làm nông, gió biển càng lúc càng mạnh tiếp tục quất vào. Gió làm tung lên từng đám cát mờ nhạt, bốc lên dọc theo con đường đất đỏ. Trên đường, mấy người bán than củi đang cúi đầu, gắng sức thồ xe. 

 Bao đống cát đen titan đã đổi thành màu xám nhạt. Những đống cát  từng mang ‘hi vọng” vẫn còn im ỉm 'chờ khách' phương nao.

  Hàm Tân vùng biển, gần tết, gió mạnh thêm từng ngày khiến mấy đống cát đen kia càng lúc càng vơi dần, lụn tàn trông thảm hại làm sao. Cát bay hết, hi vọng tàn theo. Cho đến một ngàychẳng còn ai trong thôn để mắt hay nhắc đến chuyện Cát Titan nữa./.

  

ĐHL edit 18/6/2022 

edit 25.7.2023

===================

QUE DIÊM CUỐI CÙNG TRONG RỪNG SÂU

 


  Thôn Xuân Khê, tên nghe khá thơ mộng nhưng có thể ít người Quảng Trị biết đến nó. Hơn nữa theo trí nhớ người viết, địa danh này chưa hề được ghi chú trên bản đồ; ngoại trừ Thôn Ái Tử đã có từ lâu trên bản đồ Bộ TTM/ VNCH. 


Từ Thôn Ái Tử, lên hướng núi khoảng vài cây số thì đến Thôn Xuân Khê. Vùng này, có một con suối lớn uốn khúc chảy về đến vùng Ái Tử. Suối không lớn nhưng đủ cung cấp nguồn sống cho bốn trại tù cùng mấy thôn nghèo heo hút sống cạnh giòng nước.  Có số ít dân cư mới về lại sống cuộc đời hẻo lánh trong thôn Xuân Khê. Vùng trung du, đìu hiu vài ba  mái tranh nghèo, bên kia con suối là trại tù chúng tôi tức là Trại 4 Ái Tử. 

Năm mươi năm rồi, người viết vẫn nhớ về Xuân Khê nằm khuất sau những mảng đồi sim tím. Tháng tám về, những đồi sim có trái chín đầy. Bóng tù thấp thoáng trong mấy lùm sim. Những ngày đi rừng lấy gỗ.

*

 Chúng tôi nhớ làm sao, hình ảnh chiếc cầu ghép bằng nhiều tấm 'ri' sắt của Mỹ do chúng tôi tạo dựng, bắc qua con suối lớn. Hình ảnh ngày xưa, quả là một thế giới khác, một trại tù cách biệt với dân. Một chiếc cầu sắt được bắc qua con suối trước  lúc dân làng trở lại.

 Tôi không quên tiếng cót -két của chiếc cầu, những lần đi rừng đốn gỗ.  Như mọi bữa, chúng tôi lên đường thật sớm,  nhiều đóm sao khuya còn lấp lánh trên trời. Chén cơm lưng lửng trong cái lon gô. Cái lon gô giờ lại nằm lọt trong cái bao cát, tôi mang xéo một bên nách. "Vũ khí" chúng tôi giờ là rựa, rìu cũng từ trại rèn ra xong phát cho từng người. Chúng tôi đã quen thuộc với chuyện đi rừng. Ai cũng rành chẳng khác chi "sáu câu vọng cổ" của nghệ sĩ cải lương ngày cũ. Chúng tôi lại thương cho mấy cái bao tử, lúc nào cũng đòi hỏi có thứ gì 'dằn' vào cái khoảng trống không.  Phần cơm đi rừng đã ít, lại chỉ được ăn để có sức mang gỗ về trại. Thế thì phải "linh động"  cho vấn đề sinh tồn. "Ngộ biến phải tùng quyền"- có nghĩa là trong 'cái đói ló cái khôn. Chúng tôi luồn vào rừng sắn của trại trong đêm, tìm bụi nào cao, nhiều củ...có nghĩa chỉ cần nhổ trộm hai, ba bụi sắn thôi là đủ. Những đồi sắn bạt ngàn, cả mấy trăm bàn tay người tù, khai hoang vỡ đất. Hai năm nay, bao công phá núi san rừng, đốt dọn, lượm đá, đắp vồng...Chỉ vài bụi thôi, chẳng thấm tháp gì trong hàng muôn triệu cây sắn, anh em chúng tôi có "cái no" để về lại trại.

  Tôi nhổ lên hai ba gốc sắn đã đầy cái bao cát mang theo.Thời gian đó đi rừng còn "giao khoán", có nghĩa chúng tôi đi cùng tổ không có bộ đội CS dẫn đi, miễn sao tối có gỗ về trại là được. "Trời đất" vừa sụp đổ chẳng ai còn mộng chạy đâu. 

*


   Con đường lên Rừng "Anh Tuấn" khá xa, khoảng hơn mười cây số. Thời gian đó, người dân làng nào khai hoang vùng rừng nào thì chúng tôi tạm đặt cho cái tên làng đó cho dễ nhớ. Làng (thôn) Anh Tuấn ở quận Triệu phong lên khai hoang trên này. Chúng tôi đặt khu rừng mới này là "rừng Anh Tuấn".  Đứng từ rừng "Anh Tuấn", chúng tôi có thể thấy được con đường đèo Ba Lòng tức là gần giáp với Hướng Hóa, phía bắc. Nhìn về huớng tây, rừng Trấm nay đã tan hoang sau hai năm vừa dân vừa tù khai phá. Gỗ cây về làm trại chúng tôi phải đi càng lúc càng xa hơn. Sau này ngay cả đi củi cho trại cũng xa. Trấm đang xây dựng đập-Đập Trấm- những mảng đất khai hoang  đứng xa vẫn thấy hình dạng loang lổ.

 Vừa đi tôi vừa miên man nghĩ đến hình ảnh buổi chiều vác gỗ về trại. Đó là những thời gian cuối cùng của một ngày lao động, khi ánh chiều tà còn lại những vạt nắng cô đơn trên những mảng đồi đầy sim chín. Chúng tôi sẽ  được "thoải mái" tận hưởng những trái sim chín mọng, ngọt ngào.
  Rừng dần dà gần lại trước mắt. Rừng càng xa, càng hi vọng còn nhiều cây thẳng.  Chúng tôi ngang qua các rẫy sắn của người dân đi thì trời sáng hẳn. Người dân từ những làng xa xôi dưới miệt đồng bằng phải lên đây. Họ từng chấp nhận ăn sắn thay gạo. Nhưng thật phủ phàng, các rẫy sắn hay bị heo rừng phá nát. Phần còn lại chia nhau mỗi người chỉ được vài thúng sắn tươi. Nhiều bận đi đi- về về;  xa xăm,  tốn kém,  "cơm đùm gạo bới", rốt cuộc bà con chẳng có chi,  nghèo lại hoàn nghèo - đói vẫn hoàn đói.

*

Chúng tôi băng qua vài hẻm núi mới vào được khu rừng rậm rạp, ít dấu chân người, mới hi vọng còn nhiều cây thẳng. Chia nhiệm vụ xong, chỉ còn tôi ở lại dưới khe lo chuyện nấu. 

   Hình ảnh cái hộp quẹt nội hóa- chúng tôi hay gọi là "bít- kê" (briquet) làm tại Chợ Lớn nhưng trong tù đã thành thứ hiếm. Nếu ai còn có cái zippo (tức là hộp quẹt Mỹ) thì  đã bị cán bộ CS thu giữ lâu rồi. Người viết lại lan man chuyện này cũng từ câu chuyện của "LỬA". Cũng đúng, do lửa là nguồn sống cho chúng ta, cho tù. Trong tù lửa là phương tiện đầu tiên cho ai muốn "cải thiện linh tinh"- để giúp no cái bụng.

Nhưng nếu ai đó còn cái hộp quẹt dù nội hóa, thô sơ cũng phải cần có dầu hỏa hay xăng và một thứ rất quan trọng đó là ĐÁ LỬA. Ôi chuyện kiếm cho ra đá lửa trong tù quả thật quá hiếm và quá quý.



Một mình dưới con khe, tôi phải có LỬA khi nhận nhiệm vụ nấu sắn. Tôi đem theo trong người hộp diêm THỐNG NHẤT- vuông vuông- trong còn đúng 3 que. Mớ củi khô tôi chẻ nhỏ,  một ít lá bổi làm mồi.
Những khúc sắn trắng "nỏn nà", trông hấp dẫn chẳng khác chi "làn da người đẹp", nằm gọn trong cái nồi gang do chúng tôi mang theo. Trại có đúc song, nồi gang. Nguyên liệu để đúc có từ mấy chiếc thiết vận xa M113 bị cháy trong rừng. Tù được lệnh lên rừng cưa về. Trại nấu ra thành song, nồi, thau, vá  (cán bộ CS người bắc gọi là môi). Đúc xong, trại phát về cho từng lán, khối, tổ. Ngang đây, người viết xin nhắc về  một người có liên quan đến những cái nồi gang đúc này. Anh đó có tên là Viễn Khởi người Huế. Anh là người tổ trưởng đúc nồi cho Trại Bốn chúng tôi. Sau này anh Viễn Khởi còn sống hay chết chúng tôi chẳng biết. Một thời gian ngắn  sau khi đúc song nồi, anh biệt tích luôn. Chẳng ai còn biết gì thêm về nhân vật này.



*
Tôi phải quẹt đến cái diêm cuối cùng tôi mới nhen được ngọn lửa. Trống ngực đập loạn xạ, tôi chẳng màng đến những con muỗi rừng đang vo ve hút máu tới tấp.  Mắt tôi căng ra, miệng đang dồn hết sức thổi phù phù...  Ngọn lửa bắt đầu leo lét cháy. Những làn khói yếu ớt từ từ tỏa lên bên hóc đá dưới con khe róc rách, ánh sáng mập mờ vì những tán cây rậm cùng sườn núi trên cao. Những đóm lửa đã bắt đầu bén lửa. Tôi chưa kịp mừng...
Chợt một ngọn gió xoáy nhỏ, thật ác, không biết từ đâu vụt qua. Ngọn lửa vừa bén, yếu ớt bốc lên chợt lịm tắt. Tôi hoảng hốt, run bắn người. 

Người tù "cải thiện" thức ăn cần nhất là lửa nấu những nơi kín đáo, muốn có lửa thì cần hộp quẹt hay diêm que Thống Nhất. Trong cuộc sống bình thường chúng ta khó cảm thông được niềm vui “được lửa” do chúng ta quá sẵn sàng để có lửa; ngoại trừ lâm vào hoàn cảnh trong rừng sâu tuyệt nhiên không còn phương tiện gì để tạo lửa mới thấy giá trị của lửa quý giá ra làm sao. Cái giá trị của lửa còn tăng lên gấp bội vào trường hợp của người tù đang lao dịch trong rừng và đang đối diện với cơn đói khát hành hạ mới có cảm thông sâu sắc cho nỗi mừng hay tuyệt vọng từ lửa.


-Ôi cũng do mình kiếm quá ít củi khô...
 -Trời ơi! mình phải làm răng đây?

 Que diêm trong cái hộp diêm đó là que cuối cùng tôi vừa quẹt xong. Nếu tôi nhảy qua bên bụi kia lấy ít mồi khô thì chút lửa than còn lại đó sẽ tắt hết. Làm răng, làm răng... tôi thực sự hoảng hốt. Ấn tượng cuống quít đó thật khó quên. Mấy anh đó,  trong rừng ra sẽ đói dường nào. Tưởng tượng bao thất vọng của cả toán. Vác cây ra, ai cũng đinh ninh sẽ có một nồi sắn chín, ăn no đến "phình bụng"...

Bạn đọc còn nhớ các phần cơm bới theo giờ ở đâu? Cả toán đã ăn hết trước khi xách rựa vào rừng. Ai cũng đinh ninh sẽ có sắn nấu do tôi lãnh nhiệm vụ nấu ở khe này:
     -Làm răng! làm răng đây hè?!

Người tôi thật sự run lẩy bẩy do quá lo cùng hối hận.
  Cuộc đời có nhiều lúc chúng ta run rẩy do yếu bóng vía sợ ma quỷ hay do sợ chết, mất của cải quý báu nào đó. Những lúc no đủ, dư dật khó ai đồng cảm với nỗi xúc động của một người tù "mất lửa" đang đối diện với lương tâm do việc làm không tròn. Tôi sẽ hối hận tột cùng khi chứng kiến nỗi buồn lòng, thất vọng do sự hành hạ của những miếng ăn bị mất. Những cái bụng trống không, thèm khát nhiều ngày như thế nào. Một lo sợ, run rẩy sau bao năm tôi vẫn còn nhớ. Thứ cảm giác chua cay, đau xót do miếng sắn thơm ngát dẻo ngon sẽ chín nhờ LỬA; nhưng vụt mất đi do một ngọn gió vô tình.  
    - Dưới khe một mình tôi không còn giữ gìn được ngọn lửa cho lòng tin của các anh?
  Một tia sáng lóe ra trong tích tắc...
   Miếng vải mỏng màu đà tôi vừa vá đắp vào hai bờ vai áo là cứu tinh ngay tích tắc đó. 
-XO...ẠC!
 Không cần suy tính, bao nhiêu sức lực của một ý nghĩ thoáng nhanh... Miếng vải là 'cứu tinh' thật rồi- nó có pha sợi ni lon nên bắt lửa rất nhanh.

Tôi vui mừng reo lên:
   -Cháy ! cháy! cháy lên nữa 'đi em' lửa đã lên rồi!

Tôi muốn hét lên thật to cho hai bên vách núi cùng  chia sẻ với tôi niềm vui được LỬA. Một khoảnh khắc, nhớ, cảm thông. Hồn tôi trôi nhanh về một thuở hồng hoang nào đó - tổ tiên ta tìm ra ngọn lửa. Lửa bao ngàn năm tạo nên bao mạch sống ấm no. Nhưng giây phút đó, chỉ một mình tôi dưới con khe mập mờ ánh sáng của chốn rừng sâu.

   Giờ nồi sắn đang sôi sùng sục như "reo vui" cùng chủ. Cái nắp nhôm đậy trên mấy lớp lá rừng đang rung lên từng chập...

- Sắn, sắn, sắn chín rồi, các anh ơi!

 Một niềm vui không hẹn mà gặp trong những ngày tháng buồn rầu, đói khát, vô vọng và chẳng có gì là vui... 

Tôi cẩn thận đổ nồi sắn chín đầu ra, trên lớp lá chuối rừng. Những củ sắn vừa chín, nứt nẻ, thơm phưng phức. Tôi vừa làm, vừa ăn thử một miếng sắn chín, vừa gật gù như tự thưởng công. Đậy mớ sắn đó lại, tôi còn nấu thêm một nồi nữa. Nồi thứ hai này nếu ăn không hết, cả toán sẽ chia nhau, giấu đem về trại. Bỏ thêm vài que củi, tôi lấy thêm một củ sắn ra ăn như tự 'liên hoan" hay ăn mừng cho tôi khi vừa thoát một tai nạn "hết diêm -không lửa". Vừa nhai tôi vừa cất tiếng hú gọi mọi người. Xa xa có tiếng hú đáp lại- họ đang ra.
   Ngọn gió lạnh lùng quái ác kia lại trở lại. Nó đang xuyên qua lòng khe.  "Thằng khốn nạn" đang trở lại. Nó như muốn trêu tôi hay muốn hại tôi lần nữa. Khi 'hắn' vụt qua cái khoảng trống trên bờ vai áo mà tôi vừa xé, làm tôi thấy lành lạnh.

 Không sao, tôi đã chiến thắng, sắn đã chín, đã sẵn sàng cho các anh đó ra ăn.

Bỗng dưng tôi hưng phấn hẳn lên, vội cất tiếng hú thật to gọi các anh trong toán thêm lần nữa.


*                                   

                        

Chúng tôi ra khỏi rừng thường trời đã xế bóng. Trời nắng đó là những ngày vui. Sẵn sàng vác gỗ lên vai, chúng tôi hướng về đồng bằng, chân bước nhanh như nhớ thương dưới đó.

Đoàn người vác gỗ nhấp nhô. Bóng họ ẩn hiện qua mấy trảng đồi. Tháng Tám về, không gian buồn tênh chen trong màu tím hoa sim như cam phận hay cảm thông cho những người thua trận. Ánh tà dương từ từ khuất dần phía tây.  

Trong rừng sâu núi thẳm của gió núi mưa rừng, một ngày xưa có những bóng tù len lỏi đi tìm cây gỗ thẳng. Một ngày xưa, khi bóng chiều bảng lảng xuống nhanh bên mấy trảng đồi có mùa sim chín mọng. Hòa trong vị ngọt của trái rừng, đó là kỷ niệm buồn da diết, đắng cay, từng  trải dài theo bước chân người tù đi nhanh./.

ĐHL ký ức tù binh 

ĐHL ký ức tù binh 

last edition  by ĐHL 

17/6/2022


ĐẤT RUỘNG ĐỘNG ĐỀN

 

  nhạc phụ tôi và những đám ruộng cỏn con ngày xưa Động Đền

(hình copy từ phim gia đình)

 Đất ruộng Động Đền quả thật hiếm hoi cho ai chỉ biết một nghề là làm ruộng.  Một dải đất pha cát ven biển Hàm tân,  chỉ  có biết chăm chỉ làm nông, cần cù, chịu khó, khai hoang tìm kiếm, có thể nói từng tấc đất một mới sống được qua ngày.

Kỷ niệm ở đây tôi không thể nào quên được những năm sau 1980, thời gian tôi có mặt tại "XỨ ĐỘNG"- cái tên do một "tay sáo" có biệt danh là THÀNH TÍN để gọi Động Đền. Anh cũng người gốc phường Đệ Tứ, thị xã Quảng Trị năm xưa theo người Quảng trị đi theo chương trình KHẨN HOANG LẬP ẤP, từng sống gọi thay cho Động Đền.


 Người QT vừa lúc Di Dân vào Động Đền 1973-1974


   Ở tù cải tạo về, còn độc thân tính tôi siêng năng chịu khó.  Tôi không bao giờ bỏ qua bờ tranh, bụi lách hoang nào. Tính siêng năng đó đến từ lòng mong muốn kiếm thêm chút diện tích nào đó thế cho đám đất bạc màu trên cái rẫy có tên rất lạ là "CHỒM CHỒM".  Bản thân tôi những ngày đoàn viên về với cha mẹ, còn nhớ một cây cầy cổ thụ cao to, gỗ cứng ngắt, nên trơ trọi còn lại trên rẫy đó. Mọi người trong vùng ai cũng chê, nhưng tôi chẳng bỏ. Dù có phồng rộp hai bàn tay, tôi cũng chặt hạ nó cho kỳ được. Hạ cây gỗ cứng đó xong, chỉ nhờ đôi vai, tuy đường xa hai anh em tôi gánh hết về nhà.  Đến khi hỏi vợ xong, tôi đi phụ làm ruộng với cha vợ, cái tánh siêng năng cũng không giảm bớt mà lại còn tăng gấp bội.
   Động Đền hồi này có đến sáu thôn.  Người dân phải sống với đám ruộng pha cát bạc màu nhỏ hẹp.  Đất ruộng hẹp đến nổi đứng bên này nói vói qua bên kia vẫn rõ giọng. Hàng trăm gia đình cạnh tranh nhau từng tất ruộng, bờ be để sinh tồn. Lại  có lúc mích lòng nhau cũng do giành giưtt từng miếng nước đem vào từng miếng ruộng bé nhỏ của họ.
   Năm 1974 dân Quảng Trị mới vào khai phá vùng đất này, nó chỉ tốt cho vài năm đầu. Ai còn ở đó đều kể lại chuyện ngày mới di dân vào đó. Hình ảnh những vồng khoai tốt củ, bới lên to chưa từng thấy. Người ta còn kể lại chuyện nhiều bụi sắn, củ nhiều và to đến nổi hai ba người mới nhổ lên được. Đó là chuyện năm sáu năm trước khi tôi ở tù về. Nhưng chuyện sắn khoai, ai là người dân xứ Động cũng còn nhắc lại.  Thế nhưng đất hẹp người đông, túng cùng sinh kế có người phải từ giã quê hương gian nan chật vật đó mà ra đi biền biệt. Họ đã vào tận Rạch giá, Bạc liêu nơi ruộng đồng "cò bay thẳng cánh". Cũng có người lìa xa cái xứ mang hai chữ Động Đền ra đi nhưng lại chịu làm phu cao su tại những vùng đất đỏ nông trường tại Long Khánh, Long Thành hay Bà Tô, Xuân Sơn, Ngãi Giao, Bình Giả...

 GIAN NAN  SAN LẤP HỐ BOM


       Tôi về với gia đình ba mẹ thì không đi đâu, chỉ biết bám ở lại vào những mét đất ruộng cằn cỗi đó. Tôi tự xem như  là "đồng cam cộng khổ" với những ai còn ở lại cho đến ngày lấy vợ lập gia đình. Làm sao quên được ngày tháng cần cù chịu khó ; ba vợ tôi,  mấy đứa em vợ, và cả tôi ngày lại ngày san cả hố bom từ lâu biến thành cái hồ ở giữa đám ruộng. Cái hố bom là miếng đất hoang, chẳng ai có gan san lấp,  thế mà cả nhà tôi dám làm. 

   Kiên trì, nhẫn nại là sức bật cho chúng tôi đủ ý chí  san lấp hố bom mà bà con thôn xóm chưa ai nghĩ đến. Nỗi đau khi cả nhà cùng lê lết cắt từng nhánh lúa nhẹ bấc, mất mùa , chỉ còn vài hạt,  vì đất chẳng còn gì cho cây lúa sinh sôi nảy nở.  Lúa cắt không đủ bù giống!  có nhà bỏ luôn không thèm cắt nữa ! Cánh đồng lổ đổ những đám lúa mất mùa , thiếu phân, thiếu nước. Những nhánh lúa lép xẹp, hạt ngay đơ,  chỏng ngọn lên trời như " 
than thân trách phận". Chúng thấp hơn đầu gối,  buộc chúng tôi cùng hàng ngang vừa ngồi vừa cắt .  Những nhánh lúa nhẹ đến nỗi không gây được chút cảm giác nào trong lòng bàn tay !  Tôi nhớ hòai những buổi gặt lặng lẻ,- sự lặng lẻ- buồn bả,- chua cay.  Chúng tôi im lìm làm việc, những động tác chán nản khó tả,  dù không nói nhưng ai cũng mang tâm trạng giống nhau.

   Quê nghèo làm gì có trâu bò !  hoàn cảnh bấy giờ trâu bò là cả một gia tài không ai dám mơ. Không trâu bò làm ruộng,  mấy cha con chúng tôi chỉ nhờ vào cái cuốc bản thật to để cuốc mau hơn.  Mỗi lát cuốc,  tôi phải cắn răng, mím môi,  cố sức lật cho đươc tảng đất lớn lẫn bùn sình. Sức người và những cái bừa 'cải tiến' chúng tôi đã bừa lại ruộng trước khi cấy lúa.  Tôi và mấy đứa em vợ thay phiên nhau chòang những sợi dây thừng qua vai xong cùng nhau kéo những đường xẻ thẳng tắp bỏ đậu phụng mùa đất ẩm.  Những lúc này tôi mới nhớ lại bài hát "quê nghèo" của Phạm Duy thời chống Pháp rồi thấy hoàn cảnh hiện tại của chúng tôi thấm thía làm sao !
   Trớ trêu thay, những hình ảnh được nhạc sĩ Phạm Duy từng vẽ lên trong bài hát đó lại vận vào số phận chúng tôi không sai chút nào . Tôi càng thấy tội nghiệp, nay thôn xóm đã đủ ăn, dư mặc thì hai đứa em vợ nay đã ra người thiên cổ. Nay tôi thì ra tận xứ người, hai đứa em ở lại đã nằm yên trên đồi hoang lộng gió , nhìn về biển khơi , nhìn lên núi Bể mà cảm thuơng cho những số phận lầm than!

         CHUYỆN  KHOAI CÁ BÙ CƠM 

biển Cam Bình Động Đền vào sáng sớm


 Tôi xin trở về chuyện xưa : chuyện của những  

vồng khoai sau mùa ruộng.  Rơm rạ còn lại chịu lót làm phân cho mùa khoai đất ẩm.  Hình như khoai sắn là những gì đã định phần cho số dân Động Đền còn ở lại như chúng tôi,  để thấy rằng lúa cơm là những gì quý giá nhất ! và dầu có 'bong tay mỏi gối' cũng cắn răng san cho bằng cái hố bom to nhất xóm mới nghe ! Trời cũng an ủi cho số phận người dân ở gần biển, nhiều khoai thiếu gạo,  nhờ những mớ cá 'tươi rói'- dễ kiếm , trong khi ruộng đồng thiếu thốn bạc màu. 



chiều tà trên biển Cam Bình

                Biển Cam Bình lúc bình minh

*

       Cạnh bờ là những xóm nhà làm nghề biển. Xóm nhà ngư dân này còn mang những cái tên từ quê hương Quảng Trị vào như xóm Triệu Vân, Triệu Hải...đó là những xã làm nghề ngư của quận Triệu Phong ngoài Quảng Trị.  Họ ở  cạnh nhau để cùng kêu nhau đi biển. Cảnh nhà người làm biển, nương vườn nhỏ hẹp nhưng lại sẵn sàng qua lại giúp nhau những lúc khó khăn, chật vật.  Mùa gió chướng,  những ngày không đi biển, họ là những nông dân cần cù. Lúc này họ chịu khó khai phá từng mẫu rừng tràm bên bờ đại dương, biến chúng thành nương khoai xanh ngắt. Khoai Động đền ông Trời bù trừ cũng có tiếng ngon do trồng trên thứ đất pha cát, phải chăng nhờ thứ đất cát này có chút nào đó pha lẫn độ mặn của biển hay chăng.

       Mùa rảnh tôi ra biển phụ kéo lưới bờ với ngư dân . Hai toán người già có, trẻ có phụ nhau kéo lưới vào bờ . Thúng không ra xa nên chỉ giăng lưới rùng sát bờ kiếm cá nhỏ thôi . Tình làng nghĩa xóm người nông kẻ ngư ai cũng là lối xóm nhau cả. Mớ cá vụn kéo xong bà con chia nhau sòng phẳng không nề hà kẻ yếu người mạnh. Cứ buổi như thế tôi cũng kiếm được một bao cát cá cơm về cho mẹ tôi làm mắm.

      NGÀY  CÚNG CƠM MỚI ĐẾN

     Thế là nhà vợ tôi cùng tôi  đã thành công san cái hố bom. Hố bom đó dĩ nhiên không thể rộng thêm nhưng đất đai cả nhà tôi đổ vào càng lúc càng nhiều . Số phận và kiên trì đã thách đố nhau. Hình ảnh cái hố bom đó đã thực sự biến mất; miếng đất hoang đã hiện thành sào lúa đầu mùa được sức trĩu nhánh. Lúa vàng óng ánh no tròn đầy hạt hòa với niềm vui của ba vợ tôi cùng tôi -người rễ tương lai- cả hai đang đứng bên lề ruộng ngắm say sưa.


    Ngày CÚNG CƠM MỚI đến. Ông gia tôi có lệ hay cúng cơm mới sau khi hoàn tất một vụ lúa dù được hay mất mùa. Mùa cúng cơm mới cái năm mà chúng tôi thu hoạch những gánh lúa đầu tiên từ hố bom nhà tôi vừa lấp nó vui vẻ và háo hức thật. Mẹ gia tôi tất tả ra chợ từ sớm, bà cũng vui lây với niềm vui trúng mùa của chồng con. Mâm cơm mới vừa trưa là đã xong để ông gia tôi trước là khấn nguyện tạ ơn thổ thần đất đai sau đó cả nhà sẽ cùng nhau ăn mừng một mùa làm lụng cực nhọc đã qua.
    Làm sao chúng tôi không vui do từng giọt mồ hôi cùng bàn tay rát bỏng để kiếm ra hạt gạo. Trong niềm vui đơn sơ - bình dị đó, lòng tôi phát sinh niềm thông cảm cho nỗi cơ cực của người nông dân.  Tai tôi như thấm thía nghe văng vẳng đâu đây lời nhạc nồng nàn của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ một nhạc sĩ tài ba sinh ra, lớn lên từ tình cảm quê hương. Đúng quá đi thôi, phải là người nông dân chân lấm tay bùn mới cảm nhận những nhánh lúa vàng đã biến thân cho bao hạt "gạo cười tươi" trong ngày cúng cơm mới. Tôi mới nhận ra được giá trị của cái nghề làm ra hạt lúa cùng cảm thông sâu sắc nỗi nhọc nhằn, lo toan từ những nơi đất hẹp, người đông cùng lúa ruộng bạc màu. Cho đến khi chính vai tôi gánh xong những gánh lúa mùa về mới thấy lòng vui như mở hội.
   Những hạt gạo trắng ngần mới thay xong lớp vỏ lúa; chúng vừa rời đồng ruộng chỉ mấy hôm thôi. Giờ đây chúng biến thân thành từng chén cơm thơm ngát cho buổi CÚNG CƠM MỚI. Ông nhạc tôi vui cười liên hoan chén tạc chén thù với người con rể. Còn tôi vừa thưởng thức một buổi cúng cơm mới bên nhà vợ, vừa ngắm lại cánh đồng nhỏ hẹp đang trơ gốc rạ bên hông nhà.

   Trong NGÀY VUI CƠM MỚI, tôi sung sướng khi ngày cưới của vợ chồng tôi gần kề. Đồng cảm từ những hoàn cảnh giống nhau, tôi bước vào làm rể nhà vợ tôi không một điều kiện nào ngoài trừ hai bàn tay trắng cùng một tấm lòng ngay thật. 

   Giữa cánh đồng là con đường đất đỏ duy nhất dẫn về thị trấn LA GI. Dưới đó là nơi phố thị nhưng không xa vùng này nhiều lắm. Có vài ba con buôn, phương tiện của họ là xe đạp, đang gò lưng cố đạp trong mùa gió ngược. Buôn bán đường xa, những chiếc áo phong sương đang phập phồng bay theo gió. Mùa gió chướng đến rồi. Mấy mảnh đất khô cằn chẳng còn sinh thêm lợi tức gì nữa? Ngoài biển người dân làm cá cũng chẳng hơn gì; sóng lớn bạc đầu thi nhau đập vào bờ. Mấy chiếc thuyền nhỏ thiếu cá đang nhấp nhô theo sóng- nhiều chiếc thúng nay úp phơi trên cát, ít ai ra khơi.


  Tôi nhớ vào lúc tàn buổi cúng cơm mới, tôi gắng uống thêm vài ba chung rượu với gia đình bên vợ; có thể do trong lòng tôi muốn  "tận huởng" cho hết, cho trọn vẹn một ngày VUI CƠM MỚI khi  biết rằng hôm sau sẽ là chuỗi thời gian tiếp nối của cuộc sống cầm cuốc, rựa gian nan chật vật đang chờ...

*

Xuân Đinh Dậu 2017: lần cuối  nhạc phụ tôi (hình đang đứng) gói bánh tét cho cái tết cuối đời  tại Cam Bình/ Động Đền/ xã Tân Phước La Gi Bình Thuận (người viết đang ngồi quạt lửa)

   Nhớ lại chuyện xưa, thế mà nay đã hơn bốn mươi năm vùn vụt qua nhanh, kéo theo bao  nhiêu biến đổi cuộc đời. Hình ảnh thôn xóm  nghèo nàn ngày xưa đó nay biến đổi gần như hoàn toàn. Người ta không còn bám theo bờ ruộng hẹp hòi như xưa nữa. Bao lớp trẻ ra đi tìm đất sống mới, nghề nghiệp mới cùng cuộc đời mới. Lớp người già lần lượt cùng nhau từ biệt kiếp nhân sinh tạm bợ để về cõi trời miên viễn. Ông gia tôi hôm nay đã ra đi, giã từ cháu con- vĩnh biệt quê hương thứ hai mà bao chục năm nay người mình quen gọi hai tiếng  ĐỘNG ĐỀN.

    Động Đền-Bình Tuy từng gắn bó với bao mảnh đời lưu dân Quảng Trị, trong đó có hình ảnh nhạc phụ tôi hàng ngày cần cù cuốc đất trên đám ruộng pha cát bạc màu, ven biển. Trong bao kỷ niệm vơi đầy đó, tôi không quên hình ảnh cùng tiếng nói cười trong  NGÀY VUI CƠM MỚI, như lời nhạc của Hoàng Thi Thơ, chính đó vẫn mãi là "dư âm xa, còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà" để mỗi khi sống về kỷ niệm xa xưa dù chan chứa nhiều nỗi nhọc nhằn nhưng lại thấm đượm tình quê ./.


ĐHL EDITION 
6/6/2022

==================

BIỂN MẶN NGÀY XƯA

Tuổi đời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi.  Nên năm 21 tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng thì chưa hề yêu ai. .. NGỒI NHỚ BIỂN XƯA NHỚ...